Ngôn ngữ là phương tiện để phản ánh đời sống. Trọng Lang rất thành công với việc sử dụng ngôn ngữ đời thường trong phóng sự. Với hệ thống tác phẩm phóng sự khá phong phú, chúng ta thấy tác giả đã tạo nên một thứ ngôn ngữ đầy ấn tượng. Ngay từ tên phóng sự đã tạo nên sự chú ý với độc giả, những cái tên như Hà Nội lầm than, Làm dân, Làm tiền, Xôi thịt đã đi vào lòng người, gợi mở bức tranh hiện thực mà phóng sự phản ánh. Hấp dẫn nhất là phóng sự chia ra từng câu chuyện nhỏ với những cái tít rất thú vị như: Đền con, Từ miếng thịt đến công lý, Tôi ăn, Vì chẳng tội gì, Giá của những bằng cấp, “Ăn” trên thây ma, Một con mọt gặp một con vắt (Làm dân); Con sâu ban miêu hay là con sâu “sôi ban miêu”, Ông lang “âm dương thủy”, Một cụ lang lãng mạn và ngạo mạn, Chăn lợn gánh nước thuê và làm ông … “lang”, Dạ dày với cái nắp của nó, Ông lang trời sai xuống, Một cách chữa bệnh lạ nhất hoàn vũ (Thầy lang); Một bụi tre và một “lò” xôi thịt, Cái tổ con chuồn chuồn(Xôi thịt)…
Ở lớp ngôn ngữ đời thường, tác giả đã chú ý sử dụng từ ngữ gần với ngôn ngữ dân gian như khẩu ngữ, thành ngữ. Chính khẩu ngữ đã làm cho phóng sự Trọng Lang từ một tác phẩm báo chí trở nên gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày, đến tay đông đảo đối tượng công chúng bình dân. Có nhiều loại khẩu ngữ như khẩu ngữ vùng miền, khẩu ngữ nghề nghiệp, thành ngữ, tục ngữ dân gian, các từ vay mượn tiếng nước ngoài. Tác giả khéo léo sử dụng khẩu ngữ phù hợp với từng loại đối tượng nhân vật có đời sống khác nhau. Đây là ngôn ngữ của đứa trẻ thuộc dân chạy: “Chả thầy bu cháu mất cả rồi, nên cháu bơ vơ khổ quá, mà hôm nay lại là ngày giỗ thầy cháu đây. Lần túi chẳng còn chinh mẹ nào cả. Để mà mua bán cái gì cúng bố tí chứ. Muốn
Nguyễn Thị Định 107
đi “làm củi” như mọi sáng, thì tụi yêu củi hôm nay nó “làm” đông quá, rồi thế nào thì “so” nó biết nó cũng phải “địa” luôn luôn (so chỉ người canh gác củi). Thế là mình cứ việc “vạch”(chuồn) đi thôi! Cháu đành đi “làm” chuối, đem “chác”(đổi) lấy một “chách” (đồng bạc) mà mua bát cơm, tí thịt cúng giỗ vậy”[53, 374]. Lời nói của một cậu bé dân làng “chạy” được ghi lại thật sinh động với hàng loạt khẩu ngữ chuyên môn của bọn ăn cắp. Ngôn ngữ phóng sự trở nên gần gũi hơn nhờ việc dùng sáng tạo lớp khẩu ngữ. Những từ như: chách, chác, chuồn, làm củi, dường như chỉ dành riêng cho dân chạy. Đó là một thứ từ ngữ đắc địa, chuyên dùng, chỉ có người cùng hội cùng thuyền mới hiểu được. Đối với một đứa trẻ mới học ăn cắp, ngôn ngữ còn giữ được sự hồn nhiên, còn với dân “chạy” chuyên nghiệp, du thủ du thực thì ngôn ngữ lại được dùng theo lối tinh vi hơn: “Phải, chưa ăn cắp nhưng lúc nãy, đã nhờ nhẹ của một bà đi chợ mua hoa một chục bánh ga tô đem ra xó chợ chia nhau ngốn lấy ngốn để”[53, 554].
Mỗi nghề một loại khẩu ngữ riêng rất đặc sắc, làm cho phóng sự trở nên sát thực với đời sống người dân hơn. Trọng Lang đã kịp thời ghi lại thứ ngôn ngữ An Nam pha Tàu của một ông lang bốc thuốc hay nói đúng hơn là một anh bán thuốc ê: “Cái gió tộc – tộc “độc” làm ra cái pệnh. Cái pệnh lên đến cái óc. Chết đến nơi rồi. Một tí nữa thời chết, cơ lơ. Ngộ pốc pa cái chén thuốc, chỉ pa cái. Uống một cái, nếu tỡ tỡ (đỡ đỡ) nó (người bệnh) tụng tậy một tí, thì cho nó uống cả hai cái kia nữa. Thế là “pèng dỉ- kếch cô” lớ(bệnh qua khỏi rồi). Nếu uống một cái mà cứ nằm ì ì, thì cứ… tổ(đổ) thuốc ti. Sảy cơ lơ(chết cơ lơ)!...”[53, 262]. Từ cách nói của chú lang đã bộc lộ tính cách của chú. Đây chẳng qua là một cách chữa bệnh gặp may mà khỏi. Khẩu ngữ làm cho phóng sự gần lời ăn tiếng nói hàng ngày, thú vị và hài hước hơn. Đối với một ông lang có nghề hơn thì khẩu ngữ lại được dùng một cách “chuyên nghiệp” hơn. Ông lang Q.S với óc kinh doanh của một người Tàu bàn về phương diện bán thuốc với hàng loạt khẩu ngữ như: “xế tài phao”(nói
Nguyễn Thị Định 108 phét),“hằm pà làng”(tất cả),“hướng cả chẩy mẩu xếch xì”(anh nhà quê không biết chữ), “coỏng tài và”(nói dối),“xí phô’(hàng lậu)”[53, 317]. Lời nói của ông lang không xuất hiện những từ chuyên nghành của nghề bốc thuốc mà là hàng loạt khẩu ngữ của dân buôn bán. Ngôn từ mang ý nghĩa tố cáo bản chất của lão lang này, không phải vì chữa bệnh mà mục đích kiếm chác, buôn bán được đặt lên hàng đầu. Chúng ta bắt gặp trong phóng sự Trọng Lang không phải là thứ ngôn ngữ lãng mạn, mơ mộng, mỹ miều, mà nó không né tránh thứ ngôn ngữ bình dân nhất, thoát ra từ lời ăn tiếng nói của những người khốn khổ, khốn nạn nhất trong xã hội. Chính vì thế, ngôn ngữ trong phóng sự đã diễn tả một cách triệt để hiện thực đời sống.
Để phóng sự đi sâu vào quần chúng, Trọng Lang đã sử dụng vốn từ ngữ dân gian như tục ngữ, thành ngữ. Điều đó làm tăng sức biểu cảm của lời văn và hiểu rõ hơn bản chất của đối tượng miêu tả. Ở hầu hết các phóng sự giai đoạn 1930- 1945, chúng ta thấy rõ số lượng thành ngữ, tục ngữ được sử dụng khá nhiều. Ví dụ như Kỹ nghệ lấy Tây: 34 thành ngữ(Ăn gian nói dối, râu ông nọ cắm cằm bà kia, Mềm nắn rắn buông…); Việc làng: 20 thành ngữ(Vắt cổ chày ra nước,Quan bất phiền dân bất nhiễu, Đầu tắt mặt tối…); phóng sự
Trọng Lang sử dụng thành ngữ, tục ngữ khá đa dạng ví dụ như: Xuân thu nhị
kỳ, Dăm bữa nửa tháng, Bán đắt bán rẻ, Ăn xổi ở thì, Nước đổ lá khoai, Ăn tục nói phét, Bán trời không văn tự…Lấy ví dụ như thiên phóng sự Làm dân
viết về thôn quê, tác giả sử dụng 32 thành ngữ, tục ngữ. Nếu như Ngô Tất Tố sử dụng thành thạo lớp thành ngữ về nông thôn, gắn với tâm tư sinh hoạt làng quê thì Trọng Lang cùng với Vũ Trọng Phụng lại hay sử dụng thành ngữ về giới người và nghề nghiệp. Ngoài lớp khẩu ngữ tự nhiên, trong phóng sự Trọng Lang chúng ta còn thấy xuất hiện những từ vựng mới mẻ tạo cảm giác mới lạ cho người đọc, ví dụ như : khiêu vũ, nhảy đầm, ma cô, ma cậu, ma cà bông, yêu vỏ quạnh…
Nguyễn Thị Định 109 Bên cạnh ngôn ngữ đời thường là ngôn ngữ nghề nghiệp được Trọng Lang sử dụng khá đắc địa nhất là tiếng lóng. Tiếng lóng thường không mang ý nghĩa trực tiếp mà mang ý nghĩa tượng trưng. Tiếng lóng thường được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày bởi một nhóm người. Trong phóng sự Trọng Lang, tiếng lóng sử dụng tương đối phù hợp với hoàn cảnh, nghề nghiệp của đối tượng miêu tả. Nghệ thuật sử dụng tiếng lóng rất thành công đặc biệt là ở các phóng sự viết về tệ nạn xã hội lúc bấy giờ như Trong làng chạy, Hà Nội lầm than… Tam Lang sử dụng thành thạo tiếng lóng nhà nghề của dân phu xe: món hẩu, canh đen, bò lạc, bắt nhựa… Vũ Trọng Phụng trong Cạm bẫy người sử dụng hàng loạt tiếng lóng: phu, lưng, nọc, văn, sách, vạn, vành trong, vành ngoài… Còn Trọng Lang đặc biệt chú trọng đến tiếng lóng của dân ăn cắp như: bờm sách(bắt gà, bắt chó), hiếc(lấy), khai(rạch túi), nẩy(cắt khuy), moi cá (móc ví), viết bút(rạch túi bằng dao). “Tác phẩm Trong làng chạy của Trọng Lang đã sử dụng 48 tiếng lóng nghề nghiệp, chỉ những hành động ăn cắp của một lớp người chuyên sống bằng nghề ăn cắp vặt”[29, 115]. Viết về nghệ thuật “bắt gà, bắt chó” sử dụng khá nhiều tiếng lóng của dân ăn cắp: “chạy”,“chắt ớ”,“giựa xế”(chật khăn và lấy xe đạp), “bánh tẻ”(khăn lượt) “bánh rợm”(khăn nhiễu),“treo hai chân lên cổ”,“yêu vỏ quạnh”[53, 563].
Trong Hà Nội lầm than, Trọng Lang sử dụng nhiều tiếng lóng của gái nhảy, cô đầu, nhà thổ. Qua quá trình xâm nhập thực tế trong các nhà thổ, tác giả dường như đã sử dụng thành thạo tiếng lóng của họ. Có những đoạn phóng sự được sử dụng tiếng lóng đậm đặc, góp phần mô tả rất chân thực đời sống, ngôn ngữ riêng dùng cho gái nhà thổ. Đoạn văn sau là một ví dụ: “Tôi mất rất nhiều thì giờ và một đồng bạc, mới tìm được hai ông “quân sư quạt mo”: một anh “cá sấu” nghĩa là : người chuyên có nghề “ma cô” và “làm chồng” thuê cho tụi “đĩ lậu”; và một anh chuyên làm “thư ký riêng” và “nhân tình hờ” của đám nhà thổ. Tôi tìm được hai ông “quạt mo” ấy ở trong
Nguyễn Thị Định 110
hai tiệm thuốc nấu và thuốc chín. Với từng người, tôi vỗ vào túi cho kêu lên những tiếng của xu, hào và chỉ nói một câu: - Đi “săm”, kiếm một “con hổ”(đĩ lậu), “trô” và “hất”(ngủ). Có “lòng” thì “tòng”. Tôi đã dùng gần đủ tiếng lóng của tụi càn long, mà đời ăn chơi đã tóm lại trong một khẩu hiệu: “tòng, mổ, rịch, tẩy và oác” theo ăn, ngủ, nói xấu và hót nịnh. Vì hai anh “quạt mo” này, đã từng là càn long. Nói tiếng lóng của họ, để không phân biệt giai cấp giữa chốn bùn lầy này và để tỏ lòng tôi không phải là một anh “que”(ngốc)!”[53, 186]. Trong phóng sự viết về thành thị, với các tệ nạn xã hội tiếng lóng được Trọng Lang sử dụng rất tài tình với lối tả chân thực góp phần phản ánh trung thực tình trạng xã hội Việt Nam giai đoạn này.
Như vậy, việc sử dụng khẩu ngữ tiếng lóng phù hợp với từng loại nhân vật, từng đặc trưng nghề nghiệp không chỉ chứng tỏ vốn hiểu biết sâu rộng của Trọng Lang đối với đối tượng miêu tả mà còn góp phần xây dựng tính cách nhân vật, cá thể hóa nhân vật làm cho nhân vật hiện lên rõ nét hơn.