- Lợi ích thu được trực tiếp từ các giao dịch: lợi ích này phản ánh rõ ràng ở doanh thu mà nhà tạo lập thị trường nhận được. Như đã trình bày ở phần trên, nhà tạo lập thị trường sẽ tiến hành giao dịch với khách hàng, đóng vai trò đối ứng hoặc tìm một lệnh đối ứng. Khi trực tiếp giao dịch, khoản lợi mà một nhà tạo lập thị trường nhận được chính là khoảng chênh lệch giữa mức giá chào mua và chào bán. Khi tìm lệnh đối ứng cho giao dịch, nhà tạo lập thị trường sẽ đóng vai trò môi giới và nhận phí môi giới từ giao dịch. Số lượng giao dịch mà nhà tạo lập thị trường thực hiện càng lớn, khả năng tạo chênh lệch càng cao thì lợi nhuận của nhà tạo lập thị trường sẽ càng lớn.
- Lợi ích từ những ưu đãi và hỗ trợ của nhà nước: năng lực về vốn của các tổ chức khi tham gia với vai trò tạo lập thị trường luôn là một hạn chế, đặc biệt đối với thị trường trái phiếu. Các nhà tạo lập thị trường luôn có nhu cầu huy động vốn để đáp ứng cho các giao dịch, nhu cầu vốn thường tuỳ thuộc vào khối lượng giao dịch trung bình thị trường, trong khi thời gian là ngắn hạn do bản chất giao dịch thường xuyên. Đây là những tiêu chí rất khó đối với một tổ chức thông thường. Tuy nhiên, nhà nước thường có ưu đãi về nguồn huy động, về lãi suất với nhà tạo lập thị trường. Đây là một lợi thế rất lớn đối với các nhà tạo lập thị trường.
- Lợi ích từ việc tiếp cận thông tin: thông thường, nhà tạo lập thị trường có quyền truy cập vào những hệ thống tin riêng hạn chế trong phạm vi nhất định, mà không phải bất kỳ thành viên nào tham gia trên thị trường cũng có thể tiếp cận được. Những nguồn thông tin này cho phép nhà tạo lập thị trường có thể dự báo tốt nhất tình hình thị trường, từ đó có những phương án điều chỉnh giá, khối lượng các chào mua, chào bán, điều chỉnh lượng chứng khoán "trong kho", ước lượng vốn cần thiết… Có được thông tin, mỗi nhà tạo lập thị trường sẽ biết cách sử dụng tốt nhất để tối đa hoá lợi ích của mình.