Chỉ số chứng khoán là thông tin thể hiện giá chứng khoán bình quân hiện tại so với giá bình quân thời kỳ gốc đã chọn.
Giá bình quân thời kỳ gốc thường được lấy là 100. Khi thông báo về thị trường chứng khoán như chỉ số VN-index ngày 17/10/2011 là 410.84 điểm cũng chỉ ngụ ý nói về chỉ số giá cổ phiếu của ngày này so với gốc đã chọn là ngày 28/7/2000 với giá gốc là 100. So sánh giá trị chỉ số giữa 2 thời điểm khác nhau ta được mức biến đổi giá giữa 2 thời điểm đó. Nếu trị giá chỉ số VN-index ngày 18/10/2011 là 407.44 thì có nghĩa là thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh 3.4 điểm trong ngày 18/10/2011. Nếu đem số này so với giá đóng cửa hôm trước và nhân với 100 thì ta có sự biến đổi theo % ( (3.45/410.84) x 100 = 0.83%).
Chỉ số gía cổ phiếu được coi là phong vũ biểu thể hiện tình hình hoạt động của thị trường chứng khoán. Đây là thông tin rất quan trong đối với hoạt động của thị trường, đối với nhà đầu tư và đánh giá kinh tế. Tất cả các thị trường chứng khoán đều xây dựng hệ thống chỉ số giá cổ phiếu cho riêng mình.
Chỉ số giá cổ phiếu được tính cho:
- Từng cổ phiếu và có thông báo trên báo chí.
- Tất cả cổ phiếu thuộc thị trường của một quốc gia, như chỉ số giá Hangseng của Hồng Kông; chỉ số giá cổ phiếu tổng hợp của Hàn Quốc (KOSPI)…
- Từng ngành, nhóm ngành, như chỉ số giá cổ phiếu ngành công nghiệp của Mỹ (DJIA)
- Thị trường quốc tế như chỉ số Hangseng Châu á (HSAI), chỉ số Dow Joness quốc tế (DJWSI) …
Chỉ số chứng khoán phản ánh toàn bộ tình hình thị trường chứng khoán của một nước, vì vậy nó được coi như một “hàn thử biểu” để đo lường “sức khoẻ” của nền kinh tế tài chính. Chức năng:
- Là tiêu chuẩn đánh giá ổn định, hưng thịnh hay bất ổn của thị trường chứng khoán, nhờ đó dự báo tình hình kinh tế tài chính của đất nước đó.
- Là tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng hoạt động kinh doanh của công ty - nhờ đó các nhà đầu tư lựa chọn danh mục đầu tư sao cho có lợi nhất.