I. TỔNG QUAN VỀ PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘ
6. Cơ sở thông tin của phân tích chính sách kinh tế-xã hộ
Để phân tích chính sách, việc thu thập, phân tích và xử lý thông tin có vai trò quan trọng. Người phân tích chính sách phải biết khai thác các nguồn thông tin, hiểu biết được tính chất, công dụng của các nguồn thông tin đó trong tiến trình chính sách.
Những nguồn thông tin quan trọng nhất bao gồm:
- Thông tin kinh tế - xã hội : là các số liệu phản ánh những diễn biến và thực trạng diễn ra trong đời sống kinh tế - xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới tiến trình chính sách.
- Thông tin chính trị: chính sách là sản phẩm của các đường lối chính trị nên những sự kiện, những diễn biến về chính trị có thể dẫn đén những thay đổi về chính sách.
- Thông tin quy phạm: Là hệ thống những văn bản pháp luật có hiệu lực đang điều hành các mối quan hệ kinh tế - xã hội. Những văn bản đó là công cụ để thực hiện các chính sách và là cơ sở cho quá trình phân tích chính sách.
- Thông tin phản hồi: Là những thông tin rất cần thiết cho quá trình phân tích ở giai đoạn thực thi và kiểm tra chính sách. Từ nguồn thông tin này, các nhà phân tích sẽ biết được thái độ của các chủ thể kinh tế - xã hội đối với chính sách đã ban hành, biết được uy tín của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước khác, biết được tiến độ thực hiện chính sách và ảnh hưởng của nó. Trên cơ sở thông tin phản hồi, các nhà phân tích chính sách sẽ đưa ra các kiến nghị để các nhà quản lý, lãnh đạo và các nhà chính trị điều chỉnh, đổi mới chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế.
- Thông tin dự báo: Là chất liệu quan trọng trong phân tích nhằm hoạch định chính sách. Khai thác được nguồn thông tin này và biết xử lý nó có nghĩa là đã đi trước thời gian, tăng nhanh tốc độ phát triển, tạo được thế mạnh trong cạnh tranh và phát triển trong cơ chế thị trường.
Ngoài những thông tin trên, quá trình phân tích chính sách còn sử dụng các nguồn thông tin khác như: thông tin bên trong và thông tin bên ngoài; thông tin chính thức và thông tin không chính thức…
Thu thập, xử lý các nguồn thông tin phục vụ cho tiến trình chính sách nói chung và phân tích chính sách nói riêng là khâu rất quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả của các chính sách. Trong khoa học chính sách thông tin là chất liệu để phân tích hoạch định chính sách. Để thực hiện được vai trò quan trọng đó, các dòng thông tin trong phân tích chính sách phải đảm bảo được các yêu cầu sau:
- Thông tin phải đầy đủ. Nếu không đủ lượng thông tin thì quá trình phân tích, đánh giá sẽ méo mó, sai lệch, kết quả không đúng với thực tế.
- Thông tin phải chính xác trung thực khách quan.
- Thông tin phải kịp thời (tính cập nhật của thông tin). Thông tin càng nhanh nhạy kịp thời thì hiệu quả càng nhanh và ngược lại.
- Thông tin phải đảm bảo thiết thực. Phải biết lựa chọn những thông tin tối ưu, loại bỏ những thông tin không cần thiết, những thông tin nhiễu gây ảnh hưởng đến quá trình phân tích.
Bảo đảm những yêu cầu trên về thông tin là điều kiện quan trọng giúp cho quá trình phân tích chính sách thành công.