I. THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI 1 Khái niệm
4. Các điều kiện cần thiết để thực hiện chính sách kinh tế-xã hộ
a) Chính sách phải khoa học
Điều kiện này được xác định ngay từ quá trình hoạch định chính sách và phụ thuộc vào quá trình đó.
Một chính sách được coi là khoa học khi: - Phù hợp với những quy luật khách quan.
- Xác định đúng vấn đề, đúng đối tượng của chính sách - Xác định đúng mục tiêu ưu tiên cho chính sách.
- Xác định đúng các giải pháp để thực hiện mục tiêu.
- Xây dựng được chương trình hành động - tức là chính sách đó phải được cụ thể hoá thông qua các chương trình lớn và nhỏ.
b) Phải có nền hành chính đủ hiệu lực, có khả năng thích nghi cao và trong sạch để thực hiện các chính sách công
Để thực hiện thành công một chính sách kinh tế - xã hội, điều kiện rất quan trọng là phải có hệ thống thực hiện chính sách từ trung ương đến tận cơ sở hoạt động một cách đồng bộ, kịp thời và một đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực và phẩm chất để làm nhiệm vụ này. Hệ thống đó chính là nền hành chính công.
Ở nước ta, cùng với những cải cách kinh tế, Đảng và Nhà nước đang tiến hành cải cách nền hành chính với 3 nội dung quan trọng là:
- Cải cách thể chế nền hành chính cho phù hợp với cơ chế thị trường theo định hướng XHCN, bảo đảm dân chủ và kỷ cương xã hội, trong đó khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính.
- Xây dựng bộ máy hành chính gọn nhẹ, thống nhất và thông suốt theo nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc pháp quyền.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Người chủ yếu và trực tiếp thực hiện chính sách kinh tế - xã hội là các cơ quan Nhà nước, suy cho cùng là các công chức làm việc trong bộ máy này. Do đó, đây là điều kiện quyết định sự thành bại của công tác thực hiện chính sách, đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống. Thực tế cho thấy khi thực hiện chính sách cũng như công vụ, có người chỉ quan tâm tới quyền lợi cá nhân, không vì lợi ích quốc gia, lợi ích công dân. Do đó, cải cách nền hành chính quốc gia không chỉ cải cách hệ thống cơ cấu tổ chức thể chế, mà còn phải làm thay đổi cả tư tưởng, phong cách và nâng cao đạo đức cũng như năng lực của công chức. Đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc tực thi chính sách thì mới có thể đưa chính sách đi vào cuộc sống. Để có được một đội ngũ cán bộ như vậy, đối với Việt Nam hiện nay cần coi trọng công tác đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ, coi trọng cả đức và tài.
c) Sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo
Chính sách kinh tế xã hội bao giờ cũng thể hiện quan điểm chính trị, lợi ích giai cấp. Vì vậy, rất có thể một chính sách đưa ra sẽ vấp phải sự phá hoại, sự chống đối của các lực lượng thù địch trong và ngoài nước, cũng sẽ không tránh khỏi những khó khăn phức tạp do nhiều yếu tố ảnh hưởng trong quá trình thực hiện. Điều đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo đất nước những nhân vật quan trọng trên chính trường, những người có quyền quyết định chính sách cũng như quyết định thực hiện chính sách phải cương quyết, có đủ quyết tâm
và bản lĩnh để thực hiện chính sách đến thắng lợi cuối cùng nếu thấy rằng đó là một chính sách đúng đắn và hợp lòng dân.
d) Phải tạo được niềm tin và sự ủng hộ của đại đa số quần chúng nhân dân
Các chính sách được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân là những chính sách phục vụ cho lợi ích chính đáng của đa số. Tuy nhiên đôi khi người dân không ủng hộ chính sách vì họ chưa hiểu đúng chính sách. Để có được sự ủng hộ của nhân dân cần phải:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, hướng dẫn chính sách một cách đầy đủ và kịp thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các tổ chức đoàn thể, làm cho mọi người hiểu biết về nội dung chính sách.
- Thực hiện cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
- Thực hiện các biện pháp khuyến khích bằng vật chất và tinh thần đối với công dân trong việc thực hiện chính sách.
Từ những điều kiện nói trên, có thể nhận thấy rằng: điều kiện thực hiện chính sách công có liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều chủ thể khác nhau:
- Những cơ quan, những nhà hoạch định chính sách - Những cơ quan, những người quyết định chính sách - Những cơ quan, những người thực hiện chính sách
- Dân chúng và những đối tượng chịu ảnh hưởng chính sách
Vì vậy, để thực hiện thắng lợi chính sách công cần có sự phối hợp giữa các cơ quan (chủ thể) này, phát huy sức mạnh tổng hợp cả trung ương lẫn địa phương, sức mạnh của cả hệ thống chính trị.