Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên

Một phần của tài liệu phát triển tín dụng cá nhân tại ngân hàng tmcp ngoại thương việt nam – chi nhánh nha trang (Trang 107)

Trong mỗi hoạt động của một ngân hàng, đội ngũ nhân viên là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng.

Qua điều tra khảo sát ý kiến đánh giá của khách hàng thì biến năng lực của cán bộ tín dụng (cụ thể là am hiểu đầy đủ các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng) chưa được đánh giá cao.

Mục tiêu của Vietcombank Nha Trang là xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ tín dụng cá nhân chuyên nghiệp trong phong cách làm việc, thông thạo về nghiệp vụ, chuẩn mực trong đạo đức kinh doanh và nhiệt tình phục vụ khách hàng. Công tác nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên được thực hiện thông qua một số giải pháp điển hình như:

 Lên kế hoạch phát triển nhân sự phù hợp với nhu cầu công việc để tuyển dụng chính xác và hợp lý số lượng lao động nhằm hạn chế tình trạng thiếu nhân sự không giải quyết hết công việc hoặc thừa nhân sự gây lãng phí nhân lực.

 Xây dựng bản mô tả công việc cụ thể cho từng nhiệm vụ, trách nhiệm và yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc một cách rõ ràng, súc tích nhằm chuẩn hóa từng công việc của các bộ phận.

 Vietcombank Nha Trang cần phải xây dựng một quy trình tuyển dụng rõ ràng, khách quan và hợp lý nhằm tuyển dụng được những nhân viên thực sự có trình độ và phù hợp với yêu cầu công việc nhằm giảm bớt thời gian đào tạo và chi phí đào tạo lại chuyên môn.

 Thực hiện bổ nhiệm, điều động nội bộ phù hợp với sở trường, năng lực của cán bộ tín dụng và yêu cầu của hoạt động tín dụng cá nhân.

 Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về nghiệp vụ tín dụng và các nghiệp vụ có liên quan (kế toán, thẻ tín dụng, ngân hàng điện tử...) cùng kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng, bán hàng…cho đội ngũ cán bộ tín dụng. Đồng thời, lập kế hoạch cử cán bộ trẻ có trình độ, năng lực đi đào tạo chuyên sâu nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, làm nòng cốt cho nguồn nhân lực trong tương lai.

 Tổ chức các cuộc thi, trò chơi về nghiệp vụ ngân hàng, pháp luật, các chủ đề mới về tình hình kinh tế, tài chính ngân hàng nhằm tạo cơ hội, động lực để cán bộ tự rèn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng và những kiến thức mới. Đồng thời, qua đó chọn ra những nhân viên có kỹ năng giao tiếp và chuyên môn tốt để qui hoạch vào các chức danh quản lý của chi nhánh.

 Vietcombank Nha Trang cần có chính sách hỗ trợ chi phí đối với những cán bộ tự học tập để nâng cao kiến thức chuyên môn (đặc biệt là cán bộ học tại nước ngoài). Có chính sách khen thưởng rõ ràng đối với cán bộ tín dụng tiếp thị được nhiều khách hàng vay mang lại dư nợ cao cho ngân hàng. Bên cạnh đó, Vietcombank Nha Trang cần có chế tài yêu cầu tất cả các cán bộ tín dụng tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và quy trình nghiệp vụ tín dụng nhằm hạn chế rủi ro tác nghiệp.

 Tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ quản lý điều hành, quản trị như về phương pháp lãnh đạo, kỹ năng đàm phán, giải quyết vấn đề, phân công công việc…

 Chính sách đề bạt vào các vị trí lãnh đạo phải dựa trên năng lực thực sự của từng nhân viên nhằm tạo sự bình đẳng và khuyến khích tối đa khả năng làm việc của mỗi người. Đối với cán bộ quản lý không hoàn thành nhiệm vụ trong ba năm liền Vietcombank Nha Trang cũng cần xem xét điều chuyển vị trí, hạ cấp bậc để tạo cơ hội cho những nhân viên tiềm năng khác.

 Tham gia và kiến nghị với trung ương nghiên cứu sửa đổi cơ chế tiền lương, tiền thưởng hiện nay của Vietcombank theo nguyên tắc gắn lợi ích với trách nhiệm, kết quả, năng suất và hiệu quả công việc của từng nhân viên. Cụ thể trong tổ chức chấm điểm đánh giá từng CBTD hàng tháng cần đưa ra nhiều tiêu chí rõ ràng hơn, như khối lượng công việc, dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng, tiếp thị khách hàng mới, kế hoạch và thực hiện...

Một phần của tài liệu phát triển tín dụng cá nhân tại ngân hàng tmcp ngoại thương việt nam – chi nhánh nha trang (Trang 107)