Du lịch là hoạt động gắn trực tiếp với con người nên nhân lực cần có chất lượng cao, số lượng đủ, có kỹ năng nghiệp vụ để phục vụ du khách với tâm lý, nhu cầu, ngôn ngữ, văn hóa… rất khác nhau; cần có phong thái, bản sắc, ấn tượng riêng để tạo thương hiệu. Kỹ năng lao động phải được du khách thừa nhận. Theo kết quả đánh giá của du khách, có 67 % cho rằng chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ của khách du lịch.
Lĩnh vực chủ yếu tạo nguồn và có ảnh hưởng trực tiếp quyết định chất lượng nguồn nhân lực du lịch chính là công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Vì vậy
đào tạo du lịch là đào tạo nghề, không nghiêng về đào tạo năng khiếu, đào tạo nhân tài. Đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ, và tin học đều gắn với thực hành. Đây là giải pháp cơ bản nhất và có ý nghĩa lâu dài đối với quá trình phát triển nguồn nhân lực của ngành. Để đào tạo thực sự là phương tiện đắc lực nhất tạo ra nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành theo hướng hội nhập quốc tế, ngành du lịch Cửa Lò cần tập trung vào giải quyết một số vấn đề sau:
a) Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo
Để làm được điều này, ngành du lịch Tỉnh Nghệ An nói chung và thị xã Cửa Lò nói riêng cần cơ cấu lại mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch, trong đó một mặt vừa chú trọng mở rộng đào tạo du lịch trình độ Đại học và sau Đại học tại các cơ sở đào tạo du lịch hiện có, mặt khác mở rộng phát triển đào tạo nghề ở các địa phương trực thuộc thị xã. Điều này sẽ góp phần đảm bảo phù hợp với sự phát triển và khai thác tiềm năng du lịch của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu đào tạo du lịch của toàn xã hội.
- Đầu tư về mọi mặt cho các cơ sở đào tạo chuyên về du lịch hiện có trên địa bàn làm hạt nhân đào tạo nhân lực ngành du lịch ở tất cả các cấp đào tạo. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các trường đào tạo du lịch khác.
- Có cơ chế để khuyến khích mở các cơ sở đào tạo du lịch ở các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoài công lập và các cơ sở có vốn đầu tư của nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hoá các loại hình trường, lớp, trung tâm và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch trên địa bàn thị xã.
- Đổi mới hình thức đào tạo, ưu tiên cho thực hành nghề nhiều hơn (chiếm 2/3 thời gian đào tạo), chú trọng vào nghiệp vụ hướng dẫn, lữ hành, bàn, buồng, bar.
b) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các cở sở có đào tạo nhân lực du lịch ở thị xã
- Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên du lịch đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng để đáp ứng nhu cầu đào tạo, tăng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và giáo viên cho các cơ sở đào tạo du lịch bằng nhiều hình thức, cả ở trong và ngoài nước; thu hút các công chức, viên chức, các nhà quản lý, các nhà khoa học có trình độ, các doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, các công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia đào tạo; tiếp tục đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên du lịch và sử dụng hiệu quả đội ngũ này trong đào tạo nhân lực ngành du lịch.
- Đẩy mạnh đào tạo sau đại học về du lịch. Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy để giảng viên, giáo viên và đào tạo viên du lịch đủ khả năng giảng dạy, tự nghiên cứu, trao đổi chuyên môn trực tiếp với chuyên gia nước ngoài, tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong nước và học tập, tu nghiệp ở nước ngoài. Thực hiện chế độ bồi dưỡng luân phiên cho giáo viên, giảng viên, đào tạo viên và thẩm định viên du lịch.
c) Phát triển chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch
- Xây dựng chương trình đào tạo toàn diện đáp ứng các yêu cầu của ngành và tiêu chuẩn (tập trung vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề) phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế tạo để điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch. Quá trình xây dựng chương trình, nội dung đào tạo nên tham khảo các chương trình đào tạo của nước ngoài, các chương trình đào tạo của các tập đoàn, các chuỗi khách sạn nhằm đảm bảo tính cập nhật và nâng cao.
- Chương trình đào tạo phải đảm bảo tính liên thông lên trình độ cao hơn, tránh học lại những kiến thức kỹ năng mà người học đã được học ở bậc thấp hơn, gây lãng phí và tốn kém cho người học và cho xã hội. Các cơ sở đào tạo cần mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo mới cho lĩnh vực nghề nghiệp mới xuất hiện theo sự phát triển ngành.
- Cơ sở giáo dục đại học cần tích cực xây dựng các chương trình liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học. Các cơ sở đào tạo cần có sự hợp tác trong việc thực hiện các chương trình đào tạo liên thông, tạo cơ hội học tập ở trình độ cao hơn cho người học.
- Huy động các chuyên gia, giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo tại các cơ sở đào tạo cùng sự tham gia của doanh nghiệp phối hợp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, nhằm đảm bảo tính thực tiễn, khả dụng và tiên tiến. Đặc biệt phải bảo đảm tính thống nhất để các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thực hiện một cách đồng bộ.
- Các cơ sở đào tạo và các cơ quan chức năng quản lý về đào tạo nhân lực du lịch của thị xã Cửa Lò cần thường xuyên rà soát nội dung, chương trình đào tạo để cập nhật điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
d) Tăng cường cơ sở vật chất đặc biệt là cơ sở thực hành cho các cơ sở đào tạo
- Tăng cường ngân sách nhà nước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo đặc biệt là các cơ sở thực hành, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển cho các cơ sở đào tạo chuyên về du lịch.
- Nâng cấp và đầu tư mới cơ sở vật chất phục vụ dạy và học đặc biệt là cơ sở thực hành cho phù hợp với thực tế nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động sau khi tuyển dụng. Các cơ sở đào tạo phải đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ dạy học tối thiểu cho các ngành nghề đào tạo.
- Tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo du lịch thành lập cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ phù hợp ngành nghề đào tạo để học sinh, sinh viên có điều kiện thực hành đồng thời tạo thêm kinh phí đào tạo cho nhà trường.
- Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp góp phần giải quyết tình trạng thiếu cơ sở thực hành của các cơ sở đào tạo.
g) Có kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên đang công tác trong ngành thuộc các khu vực Nhà nước, liên doanh và tư nhân
- Tiếp tục tiến hành điều tra phân loại trình độ nghiệp vụ của toàn bộ cán bộ nhân viên và lao động hiện đang công tác & tham gia hoạt động kinh doanh du lịch trên phạm vi thị xã. Kết quả điều tra sẽ cho phép đưa ra một kế hoạch đào tạo cụ thể các cấp trình độ chuyên ngành (bao gồm cả đào tạo lại và đào tạo mới) đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay của du lịch Cửa Lò.
- Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo lại (đào tạo bổ túc, tại chức) lao động trong ngành du lịch Nghệ An ở các cấp trình độ, chuyên ngành khác nhau.
- Khuyến khích đào tạo chính quy về du lịch trình độ đại học và trên đại học về nghiệp vụ du lịch. Đây sẽ là lực lượng cán bộ quản lý nòng cốt góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành du lịch của Cửa Lò trong tương lai.
- Có kế hoạch cử các cán bộ trẻ có trình độ và các sinh viên có năng lực đến các địa phương có nền du lịch phát triển để đào tạo trình độ đại học và sau đại học cũng như để thực tập nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên ngành du lịch.
- Tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm thông qua các chuyến công tác, khảo sát và tham gia hội nghị, hội thảo khoa học ở các tỉnh trong nước và nước ngoài có ngành du lịch phát triển.
h) Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (tài chính, công nghệ, công sức và kinh nghiệm) trong và ngoài nước cho đào tạo nhân lực ngành Du lịch
Đây là nhiệm vụ tạo kinh phí, kinh nghiệm và công nghệ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, được thực hiện thông qua việc: