năm 2020
3.1.4.1. Quan điểm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khối dịch vụ du lịch thị xã Cửa Lò
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được các cấp, các ngành ở thị xã Cửa Lò chú trọng. Với định hướng phát triển chủ đạo ngành du lịch dịch vụ như hiện nay (chiếm tỷ trọng 60 – 65% trong cơ cấu phát triển kinh tế), việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn lực (quản lý điều hành cũng như phục vụ) dịch vụ du lịch là rất cần thiết. Hiện Cửa Lò đang có nhiều lợi thế để thực hiện khâu đột phá này khi cận kề TP.Vinh, một trung tâm đào tạo lớn ở Bắc Trung bộ và đang được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của Bắc Trung bộ. Mặt khác, Cửa Lò đã có một hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, liên thông từ trung cấp đến sau đại học và trong thời gian tới sẽ là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng dạy nghề, các viện nghiên cứu tầm cỡ vùng và khu vực. Tiếp tục hình thành các hành lang kinh tế, các
cực tăng trưởng, các phân khu chức năng làm nền tảng cho phát triển các ngành dịch vụ (khu, cụm công nghiệp ở Nghi Thu; trung tâm nghiên cứu khoa học ở Nghi Hải; khu các trường đại học và cao đẳng, khu thương mại du lịch cao cấp tại Nghi Hương, Nghi Thu; khu nghỉ dưỡng, du lịch tại Thu Thủy, các khu vui chơi, giải trí cao cấp ở đảo Ngư, đảo Lan Châu, khu vực Cửa Hội…). Tiếp tục xây dựng con người, xây dựng nhiều nhà hàng, cơ quan, trường học, ngõ phố văn minh tạo thành những điểm nhấn đối với từng lĩnh vực dịch vụ.
Xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ phát triển của ngành du lịch Cửa Lò trong tình hình mới, phát triển nhân lực khối dịch vụ du lịch Cửa Lò cần dựa trên các quan điểm sau:
- Nâng cao cạnh tranh của du lịch Cửa Lò với các vùng du lịch biển khác trong nước thì cần thiết phải nâng cao trình độ phát triển nhân lực du lịch.
- Gắn kết thị trường lao động du lịch Cửa Lò với trong tỉnh cũng như với thị trường lao động du lịch quốc gia.
- Hình thành nhân lực ngành du lịch đủ số lượng, có chất lượng, cũng như năng lực nhanh chóng thích ứng với nhu cầu phát triển du lịch trong nước. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển đào tạo nhân lực du lịch dựa trên cơ cấu ngành nghề đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo tồn văn hóa của các địa phương.
- Chú trọng gắn kết nhiều giữa hoạt động đào tạo và sử dụng nhân lực trong ngành. Phải thống nhất quan điểm dựa trên nguyên tắc quy mô, chất lượng đào tạo nhân lực ngành du lịch phải do yêu cầu phát triển ngành du lịch quyết định (gắn đào tạo với nhu cầu xã hội). Coi trọng đào tạo nghề, quan tâm hơn đến đào tạo truyền nghề, tạo chỗ và ưu tiên phát triển nhân lực đặc thù: nhân lực khoa học-công nghệ, nhân lực lãnh đạo, quản lý nhà nước và kinh doanh, nhân lực trình độ cao trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhân lực cho phát triển du lịch.
3.1.4.2. Mục tiêu phát triển nhân lực khối dịch vụ du lịch Cửa Lò giai đoạn 2013- 2015 và định hướng đến năm 2020
Mục tiêu tổng quát
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An có Nghị quyết về xây dựng và phát triển Cửa Lò trở thành đô thị du lịch đến năm 2015, có tính đến năm 2020.Nghệ An xác định mục tiêu “xây dựng và phát triển Cửa Lò theo hướng khai thác tối đa tiềm năng về dịch vụ-du lịch, có cơ cấu kinh tế hợp lý, phát triển nhanh và bền vững”.
Được xác định là vùng trọng điểm đầu tư của Tỉnh; là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển kinh tế nhất là dịch vụ du lịch, Đảng bộ Thị xã Cửa Lò tập trung xây dựng thị xã trở thành Thành phố du lịch biển xanh - sạch - đẹp, giàu mạnh, văn minh; kinh tế phát triển nhanh và bền vững; kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Phấn đấu đến năm 2015, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 17 - 18%. Tổng GTSX đạt 3.700 - 3.800 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với 2010, bình quân đầu người đạt 65 - 70 triệu đồng (tương đương 3.000 - 3.200 USD), cơ bản không còn hộ nghèo, thu ngân sách tăng 15 - 18%/năm. Đến năm 2020, Cửa Lò cơ bản giải quyết đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và cơ cấu trình độ, ngành nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực du lịch trên địa bàn và các địa phương trong tỉnh; khẳng định nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững ngành du lịch Cửa Lò, góp phần đưa Cửa Lò trở thành một trong những trung tâm du lịch biển hàng đầu của Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể: Mục tiêu đến năm 2015 ngành du lịch Cửa Lò (Nghệ An) đề ra đó là phấn đấu đón 4.300.000 lượt khách lưu trú, tăng bình quân 10,2%/năm; trong đó có 200.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu dịch vụ du lịch: 2.300 tỷ đồng, tăng bình quân 20,4%/năm. Năm 2020 đạt 5,2 triệu lượt khách trong đó có khoảng 1,4 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 1.173 triệu USD. Tạo việc làm cho 113.000 người, trong đó lao động trực tiếp là 38.000 người và lao động gián tiếp là 75.000 người.
Về đào tạo mới: phấn đấu năm 2015 ngành du lịch thị xã có 112 người có trình độ trên đại học; 4659 người có trình độ đại học và cao đẳng; 2705 người có trình độ trung cấp; 998 người đạt trình độ sơ cấp. Đến năm 2020 toàn ngành có 165 người có trình độ trên đại học; 8249 người có trình độ đại học và cao đẳng; 4515 người có trình độ trung cấp; 1.650 người đạt trình độ sơ cấp.
Về đào tạo lại: đến năm 2015, 100% công chức hành chính được trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ và có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao; trang bị kiến thức về văn hoá công sở; trách nhiệm và đạo đức công chức cho công chức các ngạch; Bồi dưỡng, đào tạo bảo đảm có đủ số lượng giám đốc doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp du lịch có kiến thức và kỹ năng quản lý, kinh doanh đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; Tăng số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên và đào tạo viên du lịch các cấp đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề ngắn hạn.