6. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Nhân vật “thiên thần”:
Tạo nên một sự tương phản, đối lập với những nhân vật ác quỷ xấu xa là những con người trong sáng đến thánh thiện, toát lên một nhân cách cao đẹp như Tâm trong Lão Khổ, như thiên thần, như hài nhi trong Thiên thần sám hối - những vẻ đẹp trong suốt, tinh khiết và thánh thiện. Với kiểu dạng nhân vật đẹp đến mức thánh thiện đó, tác giả muốn gửi gắm khát vọng thức tỉnh và gìn giữ cái đẹp của giá trị người với tình thương và lòng bao dung.
Phần lớn nhân vật “thiên thần” đều là nhân vật phụ nữ và trẻ em. Nhà văn luôn đặc biệt quan tâm thâm nhập vào chiều sâu tâm hồn, phát hiện những vẻ đẹp nội tâm và ưu ái bênh vực cho loại nhân vật này.
Nhân vật con Tâm trong Lão Khổ như một sinh vật sống lạc loài giữa làng Đồng với đầy những nanh vuốt. Gánh chịu hậu quả “đời cha ăn mặn”, tuổi thơ con Tâm sống trong sự hắt hủi, ghẻ lạnh, ngược đãi của mọi người, lủi thủi sống trong một thế giới chỉ có hương hoa đến nỗi cơ thể nó cũng trong suốt, nhưng không vì thế mà vẻ đẹp của nó bị phai mờ, càng ngày nó càng xinh ra như một thiên thần. Khi lớn lên, nó đã dũng cảm vượt qua tất cả những định kiến, những hận thù và cả những miệng lưỡi độc ác, tàn nhẫn của người dân làng Đồng để bảo vệ tình yêu, một mực chờ đợi, chung thủy và tin tưởng sẽ có ngày Hai Duy trở về. Tình yêu có một sức mạnh phi thường, giúp con người vượt qua mọi lực cản và vừa là phương tiện để cứu chuộc.
Nhân vật Thảo Miên (Đi tìm nhân vật), cô gái điếm sa chân vào vũng lầy của nhà chứa nhưng vẫn còn lưu giữ được một tâm hồn đẹp đẽ, trong trắng đến thánh thiện, và đâu đó vẫn ánh lên tia hy vọng sám hối, hoàn lương. Đã có lúc “nàng” sa chân vào địa ngục của quỷ dữ, một phần do hoàn cảnh phi nhân tính đã xô đẩy nàng sa chân vào lầm lỗi, nhưng cũng có lúc chính nàng đã tự giao nạp mình cho quỷ dữ, bóng tối. Nhưng hơn hết, sâu thẳm trong tâm hồn, nàng vẫn khao khát quay trở lại, mà tình yêu của nhân vật tôi như là một cơ hội để cứu chuộc cuộc đời nàng, đánh thức khát vọng sống ở nàng. Ngược lại, trong sự “đày ải vô tận của kiếp người”, nhân vật “tôi” nhận ra Thảo Miên là hiện thân của sự cứu rỗi. “Cô còn trẻ, cặp mắt rợp một nỗi u buồn và vì thế nó cũng khá bí ẩn. Tôi có cảm giác cho dù dìm cô xuống bùn đen thì tâm hồn vẫn tỏa hương trinh trắng”. Cặp mắt “như chứa đựng nỗi buồn vĩnh cửu, vừa như vực tối sâu hút, vừa le lói tận nơi đáy sâu thứ ánh sáng của niềm cứu rỗi”. Vì vậy, dù bị lạc dần trong thế giới của những bản sao, thì nhân vật “tôi” vẫn còn một hi vọng để tiếp tục tìm kiếm cái bản thể: Đó là tình yêu của Thảo Miên. “Nàng sẽ đưa tôi tới niềm an lạc không còn thù hận, giết chóc mà chỉ còn ánh sáng và tình yêu”. Đó là thứ tình yêu thanh lọc, cứu rỗi con người về mặt linh hồn, “vượt qua xác thịt để trở về thanh sạch trong cõi sáng láng, cứu chuộc tội lỗi”. Nó không có ý nghĩa giải thoát về mặt thân xác. Dù cuộc hẹn với nhân vật tôi ở Cổng Vòm bị lỡ khiến cho con đường trở về hoàn lương của “nàng” bị đoạn tuyệt, nhưng “nàng” cũng không thể quay lại tiếp tục sống cuộc sống tăm tối, vì vậy, “nàng” đã chọn ngọn lửa để giải thoát khỏi kiếp trầm luân với một khao khát làm người rực cháy. Cái chết của Thảo Miên gần như một sự phục sinh, sự trở về của một đấng thiên sứ, nó mang thông điệp về sự hi sinh và tinh thần xả thân.
Bên cạnh những nhân vật phụ nữ, Tạ Duy Anh còn đặc biệt quan tâm, thấu cảm đối với các nhân vật trẻ em. Nhân vật “tôi” – đứa trẻ mồ côi lang
thang trong Giã biệt bóng tối như một thiên thần giữa bầy ác quỷ. Lưu lạc khắp thôn cùng ngõ hẻm, làm đủ mọi nghề mà người ta thuê nó làm từ đánh giày, bưng bê, đến hót phân để kiếm kế sinh nhai, cho đến việc phải hứng chịu biết bao sự đối xử bất công, bóc lột tàn nhẫn, hứng chịu những trận đòn vô cớ, thậm chí bị đánh cắp sức lao động một cách hèn hạ… Nhưng tất cả cũng không làm mất đi ở nó vẻ đẹp tâm hồn của lòng bao dung và sự tha thứ. Cũng có những lúc nó không kìm được sự căm ghét, thù hận vì bị chà đạp bất công bởi bọn mặt người dạ quỷ, lòng lang dạ sói. Cũng có lúc nó bị gã bóng tối mua chuộc, tìm cách trả thù cuộc đời. Nhưng cuối cùng nó đã nhận ra rằng, chỉ có lòng khoan dung và sự tha thứ mới có thể giúp con người không rơi vào cạm bẫy của vực thẳm. Tâm hồn ngây thơ, trong sáng hết sức cao đẹp của đứa trẻ đã có sức cảm hóa mãnh liệt đối với những con người tưởng như không còn khả năng cải tạo thành người như cô gái điếm và anh Bính cửu vạn. Hơn thế, nó đã đánh thức ở họ khát vọng hoàn lương, khát vọng được sửa chữa sai lầm, được cứu rỗi linh hồn.
Những con người này mang một vẻ đẹp hiếm hoi còn sót lại trong cái thế giới người đã bị tha hóa xuống cấp trầm trọng. Mặc dù, chỉ là những ánh sáng yếu ớt, chưa đủ sức để cải tạo thế giới nhưng cũng từ đó, từ những nhân vật thiên thần này, nhà văn muốn đánh thức bản tính người cao đẹp, kêu gọi tình thương yêu đồng loại và lòng bao dung.