6. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Nghệ thuật cấu trúc văn bản:
Ở những tiểu thuyết đầu tay như Khúc dạo đầu, Lão Khổ, Tạ Duy Anh vẫn chưa thoát khỏi cấu trúc của tiểu thuyết truyền thống, tuy có sự xuất hiện yếu tố hồi ức, giấc mơ nhưng cơ bản vẫn chưa định hình theo phong cách của tiểu thuyết hiện đại. Phải đến những tiểu thuyết về sau như Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối, Giã biệt bóng tối, sự cách tân về cấu trúc văn bản nghệ thuật mới có bước đột phá mạnh mẽ. Trong giới hạn luận văn, chúng tôi đi
sâu làm sáng rõ những nỗ lực đổi mới tiểu thuyết đáng ghi nhận của nhà văn ở phương diện cấu trúc văn bản nghệ thuật.
Kristjana Gunnars cho rằng: “chúng ta không thể nào nhìn thấy được trạng thái toàn thể của sự vật, và nhãn quan của chúng ta được nhận biết bởi chính bản chất phân mảnh của thời gian. Tính toàn thể là một cái gì đó mà chúng ta tự tái thiết cho chính mình thông qua tất cả những mảnh vỡ này, vì chính mảnh vỡ này là những cái đem lại sự hữu hình. Chỉ sau này khi tất cả những mảnh vỡ đó hợp nhất lại, bức tranh lớn mới lộ diện” [29]. Cấu trúc lắp ghép (tiếng Anh: montage) là những mảnh kí ức quá khứ được ghép lại với hiện tại nhờ sự hồi nhớ và liên tưởng. Tuy có sự đảo lộn trật tự thời gian đan xen giữa quá khứ và hiện tại nhưng vẫn có thể phân biệt được ranh giới.
Trong “22 sự kiện chính, 22 mảnh vỡ của cuộc đời nhân vật lão Khổ” [49], chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự đan xen thời gian quá khứ, hiện tại ngay trong tiêu đề các chương: tác giả đã phá vỡ hình thức, văn bản truyện trùng khít với trật tự thời gian tuyến tính của cốt truyện”. Nhưng về cơ bản, mạch truyện vẫn chạy theo một vòng tròn khép kín, điểm đầu và điểm cuối trùng khít. “Thời gian ở đây vẫn là thời gian nguyên cấp” [49], vì vậy, nó mang tính lắp ghép. Kết cấu này nhằm đem lại giả thuyết về vấn đề thân phận và bản chất người nông dân với một niềm tin vào con người, vào cuộc đời.
Cấu trúc phân mảnh là những mảnh vỡ được xếp cạnh nhau, xóa nhòa ranh giới về mặt không, thời gian. Cấu trúc này mở ra tối đa để người đọc trực tiếp tiếp cận với văn bản. Đến đây chúng tôi có thể lý giải vì sao độc giả cảm thấy khó hiểu khi đọc Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh.
Thời gian của Đi tìm nhân vật là phi xác định, chỉ là những mảng hồi ức, sự hồi nhớ và những mảng ý nghĩ chợt đến chợt đi như không hề có sự sắp đặt nào cả, đôi khi không rõ đấy là thời gian hiện tại hay quá khứ. Không có mối quan hệ nhân quả, không tuân theo trật tự thời gian, từng mảnh đời nhân
vật bị chia cắt ra, bị phân tán vào kí ức lộn xộn, chắp nối rời rạc. Cốt truyện là một bức tranh lập thể, được lắp ghép bằng những mảnh vỡ bị đảo tung lên, lật nhào mọi thứ tự và vị trí ban đầu của nó. Tác giả dùng cả thủ pháp huyền thoại để cắt nghĩa nhân vật, để thấy hết được các tầng vỉa của tâm hồn. Cho nên, Đi tìm nhân vật là một sự dồn nén, chồng chéo của hàng loạt vấn đề của đời sống hiện thực vào thế giới nội tâm vô cùng phức tạp trong cùng một thời điểm. Thậm chí trong cùng một nhân vật có nhiều nhân vật cùng lúc nhập đồng và cái bi đát được nhìn từ nhiều chiều, đa diện.
Cấu trúc vòng tròn là nhiều câu chuyện cùng hướng vào vòng tròn xoáy tâm, đó cũng là cấu trúc của Thiên thần sám hối và Giã biệt bóng tối.
Thiên thần sám hối là một tiểu thuyết nhỏ gọn, mỗi phần tự nó có thể đứng độc lập như một truyện ngắn, vì mỗi phần có một chủ đề riêng mà các phần sau càng mở rộng ra càng tiến gần tới thông điệp tác giả muốn gửi gắm. Các phần được gối lên nhau như những dụ ngôn được kể trong nhà thờ và cùng hướng về một tâm điểm. Những câu chuyện mà hài nhi nghe được trong ba ngày cuối cùng trong bụng mẹ đều xoay quanh những cái chết của những em bé chưa được làm người, bị chết khi sinh ra, bị giết ngay từ khi còn trong bụng mẹ, những thói loạn luân, vật dục, kém hiểu biết, vô trách nhiệm, cái xấu, và cái ác… Đó là tất cả lý do mà hài nhi muốn từ chối chào đời. Nhưng đến giây phút cuối cùng của giai đoạn bào thai, hài nhi đã đi đến lựa chọn là quyết định ra đời và chấp nhận hiện thực phi nhân tính. Tác phẩm như một sự cổ vũ loài người hãy can đảm lên, đừng sợ.
Giã biệt bóng tối mở đầu bằng câu chuyện ở làng Thổ Ô và kết thúc tác phẩm cũng là ở câu chuyện làng Thổ Ô. Nếu như Lão Khổ được cắt theo chiều ngang thì Giã biệt bóng tối được cắt theo trục dọc, mà ở đó có sự lan tỏa, mở đi mọi hướng, có thể phát triển đến vô cùng. Nhưng trên trục chính vẫn là câu chuyện phiêu dạt của cậu bé mồ côi lang thang từ mọi ngóc ngách
của đường phố tới mọi thôn cùng ngõ hẻm của vùng quê. Ở đâu cũng có những bức tranh hiện thực xô bồ, nghiệt ngã bởi những điều trái khoáy, những chuẩn mực đạo đức bị đảo ngược hoàn toàn. Nhà văn lựa chọn một cậu bé mồ côi lang thang để lựa chọn một góc nhìn khách quan nhất từ ngay bản tính ngây thơ, chân thực của trẻ con. Và cũng ở góc nhìn đó, nhà văn muốn hướng đến khát vọng tình người, cổ vũ con người hãy vượt lên hoàn cảnh, đứng cao hơn hoàn cảnh để thể hiện lòng bao dung và sự tha thứ, đồng thời có ý thức làm chủ mình trước mọi cám dỗ cũng như cạm bẫy.
Sự thâm nhập các thể loại khác vào tiểu thuyết cũng là một nhân tố làm co giãn cốt truyện. Trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh có sự xuất hiện của nhiều thể loại trong chính nó: nhật ký, chuyện kể, thơ, thư từ, tham luận khoa học… huyền thoại, điển tích, cổ tích. Đó là một cách nhà văn tận dụng triệt để mọi hình thức nhằm đạt được cái nhìn đa diện về đời sống hiện thực đương đại chưa hoàn thành, chưa cắt nghĩa được hoàn toàn và đầy biến động.