Nhân vật tự ý thức, sám hối:

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Trang 39)

6. Cấu trúc luận văn

2.1. Nhân vật tự ý thức, sám hối:

Nhân vật trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh có xu hướng chiêm nghiệm lại,

nhận thức lại. Ý thức tự vấn trở thành nỗi ám ảnh nghệ thuật trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh khiến người đọc không ngừng phải suy ngẫm một cách nghiêm túc về bản chất của con người. Kiểu nhân vật tự ý thức này xuyên suốt trong những sáng tác tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn khác nhau, nhà văn lại đem đến một cách nhìn mới mẻ, không lặp lại. Nếu như ở những sáng tác đầu tay (Khúc dạo đầu, Lão Khổ), tác giả thường để cho nhân vật tự quay về quá khứ, nhìn nhận lại mình như một sự chiêm nghiệm, tổng kết cuộc đời thì những tiểu thuyết về sau (Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật, Giã biệt bóng tối), nhà văn hướng nhân vật trở về nhận thức ngay trong đời sống hiện tại đang chảy trôi, ở thì chưa hoàn thành. Tự ý thức cả những việc đang diễn ra, chưa kết thúc cũng là một quá trình để con người hoàn thiện nhân cách, đấu tranh với chính mình để khẳng định sự tồn tại của cái tôi bản thể.

Tiểu thuyết Lão Khổ là một trong những tác phẩm được Tạ Duy Anh sáng tác ở thời kỳ đầu thể hiện một cách đầy đủ nhất quá trình tự ý thức qua

hình tượng lão Khổ. Đi qua gần hết những biến cố, thăng trầm của cuộc đời, lão Khổ (tiểu thuyết cùng tên) đủ từng trải để cảm nhận, đánh giá được những việc mình đã làm. Lội ngược về quá khứ tội lỗi của mình, lão vừa tự kết tội, vừa tự biện minh cho những hành động sai lầm của mình. Bao nhiêu ngày đêm, lão sống trong đau khổ và dằn vặt. Lão ân hận vì suốt đời “hình như lão chỉ mang nỗi khổ trút lên vợ lão”, vì “mù quáng mà gây tội lỗi”, cứ tưởng vì nhân dân mà thực ra lại làm khổ nhân dân. Lão hoang mang vô độ khi đối diện với quá khứ: Lão từng gây ra hận thù cho dòng họ Tạ chi Ất, từng tiếp tay cho thù hận bằng cách kéo cả tập thể cô lập bố con lão Tự. Chính lão cũng từng đè bẹp ước mơ và tình yêu của đứa con trai mình, đẩy nó vào bước đường cùng phải bỏ làng ra đi… Mang mặc cảm tội lỗi từ quá khứ, lão tự giao nộp mình cho tòa án lương tâm mong tìm được chút an ủi cuối cùng. Lão nhận ra rằng, dường như, suốt thời trai trẻ, người ta chỉ lao vào tranh đấu, giành giật, chém giết và thù hận… mà không có thời gian để nhìn lại, kiểm điểm lại những hành động của mình, để đến lúc cuối đời, mới muộn mằn nhận thức lại những việc mình đã làm, chiêm nghiệm và để sám hối. Đó là lão Khổ, là Tạ Bông… với số phận chìm nổi theo từng bước thăng trầm của bánh xe lịch sử nghiệt ngã, bị cuốn phăng đi theo bão tố của dòng thời cuộc. Khi có dịp nhìn lại mình để đánh giá những được mất, đúng sai trong cuộc đời thì cũng là lúc lão phải đối diện với tòa án lương tâm mà lão tự mở ra và kết tội cho mình: “Ngẫm lại đời bố cũng làm được đôi ba việc, như đẻ ra tụi mày. Còn thì vô nghĩa tất” [2,tr.168].

Trong khi Lão Khổ đi vào xu hướng nhận thức lại một cách tổng thể, bao quát cả cuộc đời, mang ý nghĩa tổng kết cho cả một thời đại, thì từ Thiên thần sám hối trở đi, nhà văn hướng đến nhận thức lại hiện thực ngay trong cuộc sống đương đại, ở thì hiện tại chưa hoàn thành. Tác giả đặt các nhân vật của mình trong trạng thái luôn tự ý thức, không ngừng nhận thức lại hiện thực

bởi đời sống đương đại là một hiện thực đầy phức tạp, xô bồ, khó kiểm soát và thay đổi đến chóng mặt. Đây là xu hướng chung của văn học Đổi mới, tiểu thuyết “dòng ý thức”, mà Tạ Duy Anh là một trong những cây bút đặc sắc.

“Tôi” trong Đi tìm nhân vật luôn day dứt và bị ám ảnh tội ác về cái chết của con chim bồ câu và oan hồn cô gái bất hạnh với những giọt máu trinh trắng. “Tôi” có một quá khứ tội ác khi đẩy cô gái câm đến cái chết. “Tôi” chỉ muốn gào lên trong hổ thẹn: “Sao em không là quỷ sứ để tâm hồn tôi có nơi trú ngụ”. Đặc biệt, Tạ Duy Anh chú ý đến sự tự ý thức, sám hối nhân vật trong hiện tại hay cụ thể là những cảm giác tức thời ngay sau những hành động vừa xảy ra. Ngay sau hành động thô bạo của mình, lập tức “tôi” cảm thấy rõ mình vừa làm một việc tội lỗi, và “cảm giác mạnh mẽ nhất với tôi lúc đó là cảm giác hổ thẹn” [5]. Hổ thẹn vì đã sống một cuộc sống nhạt nhẽo,vô nghĩa và bản năng đến mức bệnh hoạn. Đây là biểu hiện đầu tiên của quá trình tự ý thức, sám hối, mà từ đó, càng ngày cảm giác đó càng lớn dần và trở thành một sự ám ảnh thường trực trong nhân vật nhắc nhở con người tránh tái lặp lịch sử.

Khi hất cẳng thằng bé đánh giầy, trên đường đến chỗ hẹn với Thảo Miên, “tôi” thấy xa lạ với chính hành động của mình “bằng một sự ghét bỏ mà tôi chưa từng thấy xuất hiện ở tôi bao giờ. Có thể từ một tình huống tương tự thế này mà một thằng bé đánh giầy nào đó bị đâm chết. Tôi nghĩ một cách lạnh lùng… Mặt nó khá ngộ nghĩnh. Nó ngã xuống, khuôn mặt kia sẽ tối lại, y như một ngọn nến bị thổi tắt” [5]. Có thể thấy, nhân vật tiểu thuyết của Tạ Duy Anh luôn tự đẩy mình ra xa, tạo khoảng cách để tự phân tích, mổ xẻ từng hành vi của mình. Ý thức được những thay đổi tinh vi trong chính hành động của mình cũng là quá trình nhân vật đi tìm chính mình.

Cùng với sự biến động của đời sống hiện đại, bản chất con người cũng không ngừng bị tác động. Dù vô tình hay hữu ý, hành động thể hiện sự vô

cảm trước đồng loại đó cũng có thể dẫn đến tội ác. “Tôi” nhận ra, nguồn gốc của tội ác không ở đâu xa mà ở ngay trong chính bản thân mỗi con người, từ những việc cỏn con vẫn xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Nó luôn len lỏi trong những góc khuất, nếu con người không tự ý thức, không tự kiểm soát được bản thân thì nó, tội ác, ngay lập tức có cơ hội bùng phát và gây ra những tai họa không thể lường trước. “Tôi” có thể gây ra cái chết cho thằng bé đánh giầy nào đó chỉ bằng cái hất cẳng tương tự như thế. Trên hành trình con người đi tìm chính mình, nhận thức lại là một quá trình để hoàn thiện nhân cách. Nhân vật “tôi” mắc sai lầm nhưng lập tức ngay sau đó, anh ta tự ý thức được hành động của mình và sám hối. Cũng chính việc tự tri đó đã giúp cho nhân vật “tôi” tránh được những tội ác tiếp theo. Nhân tính gục ngã hay đứng dậy được hay không là nhờ vào những khoảnh khắc con người tự thức tỉnh, tự điều tiết được cán cân giữa lương tâm và trách nhiệm của chính những con người trong cuộc. Nhà văn kêu gọi con người phải biết làm chủ đồng thời đặt ra vấn đề cần không ngừng nhận thức hiện thực và nhận thức chính mình.

Từ việc nhìn nhận lại những việc mình đã làm trong quá khứ, nhân vật tiểu thuyết của Tạ Duy Anh luôn sống trong mặc cảm, day dứt, cảm giác tội lỗi. Những vò xé nội tâm, những mặc cảm tội lỗi như mũi dao khía vào da thịt lão Khổ. Lão gần như không giao tiếp với ai, ngoài những mẩu đối thoại rời rạc với vợ, người bạn đời chung thủy của lão nhưng cũng không hiểu hết con người lão. Dường như tâm trí lão đặc quánh trong dòng hồi ức. Lão rơi vào nỗi cô đơn khủng khiếp. Những linh hồn, những cơn ác mộng bất chợt hiện về khiến cho tâm trí lão lúc nào cũng thấp thỏm, không yên, thường trực trong lão một nỗi dằn vặt, tự vấn lương tâm. Lão ở trong một tình trạng căng thẳng tột độ, nghe ngóng những câu chuyện của người khác xem người ta có nói gì về lão không. Lão vẫn không hiểu được lão đã sai ở chỗ nào. Trong bản chất, lão vẫn còn một sự kiêu ngạo cố thủ bởi vì chỉ có những người như lão đã trải

qua hết biến động thăng trầm của cuộc đời, có lúc lên voi, có lúc nhục nhã không bằng kiếp chó mới có được khí chất như vậy. Nên trước phiên tòa, lão vẫn luôn giữ một tư thế ngạo mạn, bất cần. Để cuối cùng lão nhận ra rằng, sự cô đơn mới là nỗi sợ hãi lớn nhất của loài người.

Trên cơ sở nhận thức lại và cảm giác ăn năn, hối lỗi, nhân vật của Tạ Duy Anh đi đến mong muốn và cố gắng tìm cách sửa chữa, bù đắp lại những sai lầm. Từ những ám ảnh về tội lỗi khiến nhân vật tôi (Đi tìm nhân vật) tránh được những sai lầm tiếp theo. Từ những câu chuyện sám hối của các bà mẹ, nhân vật người mẹ (Thiên thần sám hối) cảm thấy ân hận, hối lỗi vì đã có lúc từ chối đứa con, và khao khát được làm mẹ, được sinh con, được nhìn thấy con trên cuộc đời này. Đã có lúc bà bỏ cuộc, thậm chí, kiến thức y học cùng kinh nghiệm nhà nghề của bác sĩ Nhân từ bó tay với trường hợp đẻ khó này, nhưng với một niềm tin, một tình thương và ước muốn sửa chữa những lỗi lầm đã khiến cho bà có một niềm hy vọng, một linh cảm tốt lành rằng “tôi” - bào thai sẽ ra đời. Bà đã cố gắng đợi, thuyết phục mọi người bằng niềm tin vĩnh cửu của mình về sự sống hồi sinh, biết chắc rằng cuối cùng tính người cao cả cũng sẽ chiến thắng. Bà là nguồn cổ vũ, động viên sự dũng cảm đương đầu, dám chấp nhận thử thách để được làm người.

Sự trong trắng, ngây thơ và tình cảnh nổi trôi đầy éo le, bất hạnh của đứa bé lang thang cơ nhỡ đã khiến nhân vật cô gái điếm (Giã biệt bóng tối) động lòng trắc ẩn. Đằng sau cái vẻ chao chát, nanh nọc của cô gái kiếm ăn trên đường phố như một vũ khí lợi hại để sinh tồn, để phòng thân, là tình người, tình mẫu tử thiêng liêng vẫn ẩn nấp đâu đó trong sâu thẳm. Đứa bé nhắc cô nhớ về kí ức, về một đứa con cũng trạc tuổi nó mà cô đã đánh rơi lạc mất lúc còn trẻ. Khát khao làm mẹ, khát khao chuộc lại lỗi lầm, khát khao được bảo vệ đứa bé đã thức dậy ở cô gái điếm ước muốn hoàn lương, trở về với cuộc sống của loài người từ nơi mà loài người đã vứt bỏ cô như một thứ

rác rưởi. Hành động quyết liệt của cô gái điếm khi nghe thấy những lời vô cảm, lạnh lùng và độc địa từ miệng một người đàn ông trung niên và có vẻ trịch thượng về sự sống chết nhẹ như lông hồng của một con người, nhất là một đứa trẻ, đã cho thấy, mặc dù cô đã rơi xuống bùn đen nhưng vẫn khát khao được hi sinh thân mình để che chở cho linh hồn bé nhỏ, những con người yếu đuối, chưa có khả năng để bảo vệ mình. Việc làm đó là hoàn toàn tự nguyện, và cô còn cảm thấy tự hào về hành động của mình bảo vệ chính nghĩa cao đẹp, thực hiện sứ mệnh cao cả là bảo vệ loài người. Về mặt nào đó, cô đáng là một “người hùng”. Cô đã dám vỗ vào mặt những ông to, bà lớn đạo mạo, trịch thượng nhưng chỉ là những kẻ đạo đức giả, lật tẩy bộ mặt thật bỉ ổi, lòng lang dạ sói của đám người luôn cảm thấy mình hơn người.

Ý thức làm người thức tỉnh, khao khát hoàn lương đã tiếp thêm nghị lực để cô bình tĩnh đón đợi còng số tám, bị bắt đi cải tạo với hi vọng một ngày nào đó được trở về, nguyện làm một người mẹ để chăm sóc đứa trẻ trọn đời, như một sự chuộc lại lỗi lầm của cả cuộc đời mình. Lúc bị áp giải, là lúc cô có cơ hội để trốn thoát khỏi vòng tù tội, cái án chung thân mà mọi tội nhân đều chạy trốn nhưng cô đã không lựa chọn con đường đó, bới nếu tiếp tục lao vào con đường tội lỗi thì cô không còn cơ hội nào để trở về với cuộc sống, để bù đắp những tổn thương trong tâm hồn đứa bé mồ côi, để chuộc tội với lương tâm mà chỉ rơi vào ngõ cụt, đẩy cô đi xa hơn khát vọng hoàn lương. Có sự lựa chọn như vậy là vì cô tin rằng chỉ có con đường chấp nhận vào trại cải tạo như vậy mới mong có một ngày cô thoát khỏi bùn lầy, mới có hi vọng trở lại cuộc sống lương thiện, chính là cuộc sống đầu tiên mà cô đã từng có nhưng cô đã đánh mất.

Từ một nông dân thuần phác, Bính (Giã biệt bóng tối) đã bị cơ chế thị trường, với những cám dỗ của đời sống thành thị xa hoa kéo tuột ra khỏi mảnh ruộng, con trâu. Tham vọng được đổi đời, hưởng thụ cuộc sống phè

phỡn, giàu sang nhanh chóng mà không phải tốn sức lao động đã biến gã thành một kẻ mất hết nhân cách, đánh mất lòng tự trọng đàn ông để trở thành một gã điếm, rồi từ đó trở thành thằng ăn cắp bị vạch mặt. Gã đã trở thành đúng cái con người mà những kẻ có tiền muốn thấy, muốn khinh miệt, muốn biến thành. Gã đã trở thành thứ đồ chơi trong tay người đàn bà góa có tiền, dâm dục tha hồ tiêu khiển, để lúc chán thì vứt ra như một đống cặn bã, hết công dụng. Cuộc sống thành phố với những cạm bẫy, bả hư vinh đã nhào nặn gã thành một kẻ tâm thần, có vấn đề về thần kinh trầm trọng. Cuộc sống cứ đẩy gã trượt xuống dốc mãi mãi nếu như không có sự gặp gỡ với cô gái điếm và đứa bé lang thang.

Đồng cảnh ngộ, nên khi gặp cô gái điếm, giấc mơ gia đình từ thời trai trẻ, tình yêu muộn mằn của gã được đánh thức. Gã hành hạ đứa bé, một kẻ yếu thế, không có khả năng tự bảo vệ như một cách để trả thù đời, nguyền rủa cuộc đời, nhưng chính đứa bé đã dạy cho gã bài học làm người. Sự khoan dung và lòng tha thứ cao cả của một đứa trẻ từng bị gã hành hạ đã làm cho gã cảm phục, khiến cho gã hồi tỉnh, sám hối về những hành động của mình. Lúc đứa bé ốm nặng, trong cơn nguy kịch, gã mới cảm thấy hối hận biết bao, ngày ngày túc trực nấu cháo bón cho đứa bé ăn. Chỉ có sự sống của đứa bé mới chuộc lại được lỗi lầm của gã; chỉ lúc đó gã mới có cơ hội để sửa chữa sai lầm mà cả cuộc đời gã đã gây nên để hoàn lương. Trong tâm hồn gã Bính đã nhen nhóm một tình thương, một mái ấm đơn sơ của những con người bất hạnh trở về, trong đó có gã, cô gái điếm và đứa bé mồ côi.

Qua dạng nhân vật tự ý thức, sám hối, nhà văn không có ý định dựng lại bức tranh quá khứ đau khổ, đầy lầm lẫn hay một hiện tại đầy cạm bẫy, biến báo. Mục đích mà nhà văn muốn hướng tới, chính là những số phận khốn khổ, tăm tối và nguồn gốc lầm lỗi của nó. Trong đó, quá trình tự ý thức là một con

đường gian nan để đi tới sự sám hối, mong muốn sửa chữa sai lầm và khát vọng bảo vệ tính người vĩnh cửu.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)