Nhân vật “ác quỷ”:

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Trang 48)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Nhân vật “ác quỷ”:

Trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, đối cực với kiểu nhân vật “thiên thần” là kiểu nhân vật “ác quỷ”. Nếu như, nhân vật trong tiểu thuyết giai đoạn đầu của Tạ Duy Anh là những kiểu nhân vật đa diện, đa tính cách, tức là trong bản thân mỗi con người đều có mặt tốt, mặt xấu tồn tại đan xen thì càng những tiểu thuyết về sau, nhà văn đi sâu vào phản ánh một kiểu dạng nhân vật

đặc thù được đặt tên là “ác quỷ”. Đây là kiểu nhân vật đã hoàn toàn biến chất và sự tồn tại của chính họ là một mối hiểm họa cho nhân loại.

Xã hội hiện đại đã sản sinh ra một kiểu loại nhân vật chỉ chuyên đi hãm hại người khác, thỏa mãn, sung sướng khi nhìn thấy đau khổ của người khác dạng như gã Mặt Đen trong Đi tìm nhân vật.“Hắn thường rình có cơ hội tốt là chơi tôi từ phía sau. Chúng tôi vẫn gọi hắn là Mặt Đen là kẻ báo điềm gở”. Nhân vật “tôi” đã ví Mặt Đen như một con mèo rình vồ chuột, mà tôi giống như con mồi trong tầm tay hiểm ác của hắn. Hắn có những biểu hiện ác thú khác người như “hắn cười khi người khác khóc… thích bóng tối… đã từng tự tay giết chết những con chó đực vào mùa phối giống… khi bọn cẩu đực chết khi khoái cảm với bạn tình đang lên cao độ: con thì vỡ đầu, con thì đứt cổ, con thì cháy hết dương vật… hắn bố trí cho hai thằng bạn cưỡng dâm một cô bạn gái để đứng ngoài quan sát “biểu hiện thú vật của con người”…” [5, tr.55]. Bản chất thực của hắn có lúc được che đậy tinh vi dưới vỏ bọc tri thức dưới hình thức trợ giảng cho một vị giáo sư có tiếng, mà qua đó, hắn đã tạo được hình ảnh, tên tuổi, một vị thế nhất định khiến nhiều người ngộ nhận. Phải đến khi “cái kim trong bọc lâu ngày thò ra” thì “Người ta dần dần nhận chân ra Mặt Đen như một kẻ chuyên đi hãm hại người khác, một gã mắc bệnh thị dâm và hám lợi”[5, tr.56].

Để thể hiện triệt để mảng tối khuất lấp của bờ vực bên kia, mà ở đó, cái ác như một sự thắng thế, nhân vật ác quỷ hiện lên với một bộ mặt mới, mang màu sắc huyền thoại. Tạ Duy Anh đã xây dựng nhân vật bóng tối đầy uy lực, ranh mãnh, kiêu ngạo và vô cùng nham hiểm. Bóng tối dựa vào điểm yếu của con người là nỗi sợ để thể hiện uy quyền của mình, để thâu tóm quyền lực và dần dần kiểm soát, chế ngự thế giới. Mượn cớ thực hiện những điều ước của “tôi” (Giã biệt bóng tối), một đứa trẻ mồ côi lang thang chịu bao nỗi cùng cực, đói rét, bị xua đuổi hay bị hành hạ của đám người vô nhân tính, để bóng

tối tha hồ gieo rắc tội ác. Nắm bắt được điểm yếu này, bóng tối ra sức hoành hành mà ngay cả “tôi” với những nguyền rủa theo phản xạ cũng không lường trước được hậu quả. “Tôi nghe mà toát mồ hôi, nhưng sau đó toàn thân lạnh và rung bấn lên. Quả là những người chết trong thời gian qua ở làng Thổ Ô đều là những kẻ bức hại tôi và đều bị tôi nguyền rủa, lúc nói ra mồm, lúc nghĩ ra đầu, thậm chí hình như có lúc cái ý nghĩ mới chỉ thoáng qua, ngay bản thân tôi cũng không chắc chắn.” [6, tr.130]. Như vậy, bóng tối, hiện thân của cái ác, đã thắng thế, và gần như nắm chắc phần còn lại, vì hắn có ưu thế là nắm bắt được điểm yếu của con người chính là nỗi sợ. “Tôi hoang mang và kinh sợ” khi biết được những gì gã bóng tối nói là thật và nhận ra “tôi sinh ra không phải để trở thành công cụ cho kẻ khác giết người… gieo rắc tai họa cho người khác” [6,tr.140]. Nhân vật “tôi” cảm thấy sự khó khăn, bất lực trước sự cố gắng để không buông ra một lời nguyền rủa nào có thể dẫn đến những cái chết thê thảm của những kẻ đã từng hành hạ “tôi”. Có thể nói, bóng tối đã tràn ngập, đã bao phủ và vây hãm cả loài người trong vòng vây của tội ác.

Bóng tối là cách nói hình ảnh, dùng biểu tượng, ám chỉ quyền năng của phần bóng tối chính là phần ẩn khuất trong tầng sâu ở mỗi con người, phần thú tính đằng sau linh hồn người mà bất cứ lúc nào cũng có thể biến tướng thành tội ác. Nếu không cảnh giác, loài người sẽ chìm sâu trong cái vòng tội lỗi, vòng trầm luân của tội ác. Kết thúc tác phẩm là sự tàn lụi của bóng tối khẳng định sự chiến thắng của phần người đẹp đẽ: “Tôi nhớ là mình đã nhẹ nhàng nằm xuống trong cái ý thức bóng tối tàn lụi. Tôi biết chắc như vậy không phải vì tiếng con gà nào đó sẽ cất tiếng gáy như mọi hôm mà nhờ vào tiếng bước chân xa dần của kẻ giấu mặt. Ông ta và dàn đồng ca của ông ta chẳng còn việc gì để làm khi cuộc sống chỉ còn lại lòng tha thứ, khi mỗi chúng tôi biết chắc chúng tôi là ai, trước mặt chúng tôi là gì và khi ánh sáng

tràn đến…” [6, tr.257]. Qua cuốn tiểu thuyết này, Tạ Duy Anh đã đề xướng một giải pháp để chế ngự cái bản năng, đó chính là lòng bao dung và sự tha thứ. Chỉ có như vậy mới có thể vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình trước sự rợn ngợp của đời sống hiện đại đầy bất trắc, cảm hóa được người khác cũng như góp phần cải tạo xã hội tốt đẹp hơn.

Tội ác, theo Tạ Duy Anh, là có nguồn gốc từ sự tăm tối, ngu muội và thù hận, nhưng đôi khi cũng ẩn sâu mơ hồ trong tiềm thức của con người, đeo bám con người, là một thứ ngón tay trỏ luôn chỉ đạo, dẫn dắt con người mà họ không thể cưỡng lại được như nhân vật ngón tay trỏ, gã thợ săn…

Nếu như Phạm Thị Hoài nhấn mạnh nguy cơ con người bị triệt tiêu cá tính, bị sơ đồ hóa đến cạn kiệt khả năng cảm xúc, yêu thương; Bảo Ninh chỉ ra thảm hoạ của những ảo tưởng vinh quang và căn bệnh duy ý chí thì Tạ Duy Anh đi sâu vào trạng thái con người mấp mé giữa lằn ranh Thiện – Ác, con người bị lưu đày trong cô đơn và tha hóa thành những bản sao. Tạ Duy Anh đã từng khẳng định: “Tôi là người thích đi mấp mé ở bên bờ vực của cái ác và cái thiện với hy vọng có thể soi rọi vào đó những phần khuất lấp ít người chạm tới và sau đó, nếu có thể là chiếm lĩnh bờ bên kia của cái thiện và cái ác như tưởng tượng của Nietzsche. Những gì tôi mô tả có thể xem như kết quả của quá trình khám phá đó”.

Chính vì vậy, Tạ Duy Anh không ngần ngại khi xây dựng những nhân vật ác quỷ xấu xa, có những hành động, suy nghĩ đáng ghê tởm. Có những nhân vật được nhà văn đặc tả chi tiết nhưng cũng có những nhân vật, chỉ vài nét phác họa sơ sài nhưng có thể thấy được sự tha hóa, mục ruỗng về nhân cách trong xã hội hiện đại. Nếu như ở Lão Khổ, nhà văn còn bị ám ảnh bởi quá khứ thì đến Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối, tác giả lại ráo riết bày tỏ nỗi bất an trước cái ác, sự băng hoại của nhân ính con người ở thời điểm hiện tại. Ham muốn bản năng, lối sống thực dụng, đồng tiền đã làm vấy bẩn

con người. Con người bị tha hóa và trở thành con thú lớn nhất. Loạn luân, giết người, lừa đảo, tình già, tình trẻ… đều mang bộ mặt người. Có người bố cho con uống thuốc sâu, đặt tên con là Trần Văn Khốn Nạn. Có một gái điếm khi bị “một thằng chó nó lừa” đã trả thù: “Tao dắt con gái tao, tức con gái hắn đến cho hắn”, “thằng dê cụ ấy vồ lấy, xơi ngay mà không biết hắn đang loạn luân”. Có một bà mẹ sung sướng khi được bồi thường bốn triệu đồng mà chỉ phải kí giấy xác nhận đồng ý cho người ta ngâm cồn những đứa con chưa thành người của mình”. Người ta khuyên nhau: “Trẻ con à? Nếu nó bị dị dạng? Chuyện ấy quá đơn giản: “tống cổ nó ra rồi làm đứa khác. Nó có khác gì trứng vịt lộn đâu. Nếu cần anh sẽ chén luôn, thế là chẳng bỏ đi đâu tí nào. Của Sê-da lại trả cho Sê-da”. Nhân vật trở nên tha hóa, hoàn toàn mất nhân tính, biến dạng về nhân cách, bán linh hồn cho quỷ dữ.

Qua cách xây dựng kiểu loại nhân vật này, nhà văn muốn tạo nên một sự tương phản rõ nét và nhấn mạnh sự thắng thế của phần bóng tối, phần khuất lấp, cái ác đang dần xâm lấn, bào mòn, chiếm lĩnh hiện thực và vươn lên địa vị thống lĩnh chi phối cả phần ánh sáng. Bên cạnh đó cũng thể hiện một khát vọng thay đổi, cải tạo thế giới để cho cái đẹp vươn lên, ánh sáng được tỏa chiếu tuy có phần yếu ớt, mỏng manh, ảo tưởng. Từ sự kêu gọi thức nhận đúng sự thật, đối diện và chấp nhận hiện thực để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cần thức nhận hiện trạng đáng cảnh báo với nguy cơ tha hóa xuống cấp của đạo đức nhân cách, đánh thức bản thể khẳng định sự tồn tại mà không để bị lấn át, hòa tan trong cái hỗn tạp của đám đông xô bồ.

2.3.Nhân vật cô đơn, phi lý:

Nhân vật cô đơn, phi lý là kiểu dạng nhân vật đặc trưng của Tạ Duy Anh. Khi trở về với cuộc sống đời thường, con người quay về cái tôi cá nhân cũng có nghĩa là đối diện với nỗi cô đơn của chính mình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng con người rơi vào sự cô đơn, không muốn giao tiếp,

tự thu mình biệt lập, khép kín, từ đó, sợ hãi ngay cả nỗi cô đơn của chính mình. Một mặt, xã hội càng phát triển đa phương diện càng khiến cho con người có cảm giác nhỏ bé, không có đủ khả năng nhận thức được hiện thực, hay nói cách khác, hiện thực đã vượt quá tầm kiểm soát, chiếm lĩnh của con người. Con người trở nên ngơ ngác trước cuộc đời chứ không còn là con người “biết tuốt” như trước đây. Con người hoàn toàn bị đẩy vào trạng thái bị động, bị chi phối, thậm chí là bị biến dạng. Mặt khác, văn hóa của người Việt là luôn gắn bó với cộng đồng, không tách rời cộng đồng nên khi bị rơi vào tình trạng bị cô lập thì con người càng có cảm giác rợn ngợp, hoang mang, hoài nghi và bất tín. Thực tại xô bồ, phức tạp làm cho con người có cảm giác rợn ngợp, cô đơn, nhưng có lúc con người lại cô đơn không phải từ một lý do có thật mà từ một lý do rất vớ vẩn, tưởng tượng ra, không tồn tại, thậm chí đến mức phi lý hoặc một sự việc tưởng như không có thật nhưng lại diễn ra một cách hiển nhiên, hàng ngày như một nghịch lý. Những nỗi cô đơn này luôn vây ám con người, mà có lúc, vì sợ hãi nhân vật đã quay sang hoài nghi, bất tín, thậm chí đánh mất bản thể của chính mình. Nhà văn đã nâng vấn đề lên tầng sâu triết lý nhân sinh gần với triết lý hiện sinh của các tác gia phương Tây.

Xây dựng kiểu nhân vật cô đơn, phi lý là cách để Tạ Duy Anh đặt ra vấn đề tự tra vấn của con người hiện đại. Nhân vật cô đơn thường xuất hiện ở những tiểu thuyết thời kỳ đầu của Tạ Duy Anh như Khúc dạo đầu, Lão Khổ. Ở những tiểu thuyết giai đoạn sau, Tạ Duy Anh đẩy nỗi cô đơn lên đến mức đỉnh điểm của sự phi lý. Do đó, kiểu dạng nhân vật của tiểu thuyết giai đoạn này là kiểu nhân vật phi lý. Tuy mức độ thể hiện đậm nhạt khác nhau, nhưng trong suốt quá trình sáng tác tiểu thuyết của nhà văn, các kiểu nhân vật này đều có sự gắn kết, nhất quán với nhau. Điều đó tạo nên nét độc đáo trong phong cách của Tạ Duy Anh.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)