6. Cấu trúc luận văn
2.3.1. Nhân vật cô đơn
Nhân vật cô đơn vì cô đơn như một sự tiền định, ấn định từ trước. Từ khi sinh ra đến lúc chết đi, con người luôn sống trong tình trạng cô đơn. Vòng thù hận truyền kiếp, từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ ông sang cha, từ cha sang con và từ con sang cháu “Thực hiện bản di chúc do cụ nội tôi để lại, được ông tôi và bố tôi tuân thủ nghiêm ngặt, cái bản di chúc khủng khiếp mà rồi đến lượt tôi phải ký tên vào trước khi trao cho con trai tôi… Và cứ như thế, xoay quanh một vòng luẩn quẩn không thể nào vượt thoát ra được. Thậm chí, nhân vật không hiểu sao mình lại hành động tuân theo một điều vô lý như vậy nhưng cũng không có cách nào cưỡng lại nổi, bị trôi theo quán tính, bị sức nặng của định kiến ngàn đời đè nặng và đẩy đi.
Cũng như lão Khổ trong tác phẩm cùng tên, nhân vật “tôi” (Đi tìm nhân vật), không biết hận thù từ đâu, chỉ biết từ khi lớn lên đã được kế thừa nó và phải có trách nhiệm hoàn thành. Trong Đi tìm nhân vật, “khi tôi thử lội ngược về quá khứ để cố lần ra đầu mối của tấn bi kịch trong đó cụ nội, ông nội, bố tôi – và cứ theo logic ấy – sẽ bao gồm cả tôi bị đẩy ra sân khấu”. Trong tấn bi kịch đó, tôi có lờ mờ cảm thấy, dự cảm về một sự trục trặc, không ổn nào đó từ phía lịch sử. Nhưng thay vì tìm được bằng chứng lịch sử để phản ứng lại, “tôi” lại bất lực nhìn mình “bị tước hết vũ khí để chống lại nỗi cô đơn” [5, tr.43]. Cả cuộc đời, lão Khổ như con thiêu thân lao vào vòng vay trả hận thù, được mất, để đến lúc cuối đời lão nhận ra, nỗi cô đơn mới là điều khủng khiếp nhất.
Chính vì vậy, cô đơn như một sự trừng phạt nặng nề nhất. Bởi thế, khi tòa tuyên án hình phạt “bắt về trần sống tiếp”, lão Khổ đã sợ toát hết mồ hôi, “hù lên một tiếng kinh hãi”. Hóa ra, địa ngục không đáng sợ bằng kiếp sống bị đày đọa ở trần gian. Dường như không chịu đựng nổi, lão Khổ quay vào lay gọi con trai: “Con ơi, dậy, dậy thôi. Đời người ngắn lắm!... Dậy con! Dậy
uống với bố chén rượu. Bố thấy cô đơn quá. Ai lại chỉ toàn thấy ma quỷ, bóng tối, chết chóc…Sao trời lâu sáng thế hả con. Bố thấy sợ quá. Trần gian cứ tối tăm mãi thế này thì khủng khiếp quá” [2,tr.168]. Nếu như, điều mà Chí Phèo (Nam Cao) sợ hãi nhất không phải là đói rét hay bệnh tật, mà chính là nỗi sợ sự cô đơn, cô đơn vì sợ cộng đồng tẩy chay, không thừa nhận quyền làm người của hắn và hắn vĩnh viễn trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Còn trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, nỗi sợ sự cô đơn lại diễn ra ngay trong cõi trần gian đầy rẫy tai họa mà con người không có chỗ nương thân, thậm chí con người cô đơn với chính mình.
Nhân vật tiểu thuyết của Tạ Duy Anh cô đơn còn vì sự lạc lõng, lạc loài. Lão Khổ đơn thương độc mã, sống theo cách của lão, vẫn giữ cho mình một niềm tin vào bản chất con người mà không biết sống lựa theo chiều nên lão bị cô lập, sống lạc lõng giữa muôn chiều của thời cuộc. Đến lượt lão lại là kẻ dồn kẻ thù của mình vào chân tường, rơi vào tình thế bị cộng đồng cô lập, để rồi đi đến sự diệt vong cả một chi họ. Tạ Tự, kẻ thù của lão phải chết vì bị cô lập và cái án chung thân “đời cha ăn mặn” đó lại tiếp tục đổ lên đầu những đứa trẻ vô tội như chị em con Tâm. Vì chung thủy, một mực chờ đợi sự trở về của người yêu, Hai Duy, mà con Tâm trở thành kẻ lạc loài giữa làng Đồng tăm tối thù hận, bị đẩy ra sống ở rìa làng. Cùng với đó, những nhân vật “thiên thần” cũng như những vật thể lạ sống lạc loài, lạc lõng, không có thực, tồn tại bên ngoài cộng đồng. Nhân vật “tôi” (Đi tìm nhân vật) đã phá cách bằng bài tham luận, lật ngược lại cách nghĩ truyền thống áp đặt lập tức bị đám đông nguyền rủa, trù dập. Như vậy, nhân vật cô đơn còn vì dám lựa chọn sự khẳng định mình, dám nói lên chính kiến của mình ngược lại với số đông. Dù con đường đó còn gian nan, phải chấp nhận sự cô đơn, bị cô lập, nhưng Tạ Duy Anh luôn khích lệ con người hãy can đảm lên và chỉ như vậy, chúng ta mới không bị đánh mất mình, bảo vệ cái bản thể riêng biệt không bị hòa lẫn, rập
khuôn. Chính vì vậy, cô đơn cũng là một nét đẹp trong quá trình hoàn thiện nhân cách.