Giọng điệu trữ tình:

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Trang 87)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.3.1. Giọng điệu trữ tình:

Có thể nói, khi nhắc đến Tạ Duy Anh, người ta không thể không nhắc đến giọng văn, bởi chính giọng văn làm nên bản sắc rất riêng trong phong cách nhà văn. Có thể thấy chất giọng chủ đạo trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh là giọng bỗ bã, thô nhám, chua chát, lạnh lùng nhằm miêu tả hiện thực như bản chất vốn có của nó. Tuy nhiên, ở đâu đó, hay trong sâu thẳm tâm hồn nhà văn vẫn vẳng lên những giai điệu êm ái, du dương và thơ mộng của những vẻ đẹp trong trẻo, thanh khiết. Chính chất giọng trữ tình này tuy hiếm hoi nhưng đã tạo nên khoảng sáng đẹp đẽ đáng được nâng niu, gìn giữ và hướng tới.

Trong tiểu thuyết cùng tên, lão Khổ “từ khi đi ở chăn trâu, rồi chuyển sang chăn vịt cho chánh tổng, gã dường như quên mất tuổi của mình”. Gặp

nhau trong cảnh ngộ cùng đường, cô hàng xén đã đánh thức giấc mơ về một mái ấm, khát khao hạnh phúc mà bấy lâu ngủ quên trong tiềm thức: “Gã chân sào nóng bừng mặt. Có một khối lửa ngủ im trong gã từ thời các bà mụ nặn gã, bị cô hàng xén cời vào thổi cháy ngún trong lồng ngực. Toàn thân gã run bắn như lên cơn sốt, mồ hôi tháo ra ào ào. Ô, hóa ra gã đã ở cái tuổi có thể làm chồng” [2,tr.25].

Khi nhà văn miêu tả nhân vật con Tâm (Lão Khổ): Con Tâm càng lớn càng xinh… Chị em nó chỉ ăn hoa, lá mà đứa nào cũng xinh như tiểu thiên thần” [2, tr.82]. “Giữa cái vũng lầy lội ấy, con bé Tâm càng nổi trội lên ở vẻ đẹp thánh thiện. Từ hơi thở của nó cũng thơm lừng. Đêm đêm nó ngồi đan một chiếc áo để đến ngày giỡ ra. Nó vẫn không bỏ được thói quen ăn hoa. Hình như con bé sống ở một cõi khác hẳn. Với một nhân loại sôi sục của làng Đồng thì con bé đích thị là điên hay mắc nghiệp chướng gì đó… có người quả quyết đã thấy con bé trần truồng tắm, toàn thân trong suốt và ở ngực có hai hạt ngọc hồng hồng” [2, tr.161]… Con Tâm như đến từ một thế giới hoàn toàn khác biệt, lạc lõng và gần như trong suốt như không có hình, không có thực. Đó chỉ là những ảo tưởng của tác giả về một vẻ đẹp không có thực.

Miêu tả nhân vật thiên thần (Thiên thần sám hối), nhà văn miêu tả một thế giới hoàn toàn khác “Cô sinh ra ở một vùng quê xinh đẹp và thơ mộng. Cô cam đoan rằng trên thế gian kia không có bất cứ nơi nào đáng yêu hơn cái làng nép mình dưới chân núi của cô. Trong khi đó một con suối lại ôm phía trước mặt làng, tạo ra những khúc ngoặt đẹp mê hồn. Mỗi buổi sáng mặt trời lên, mặt suối như dát bạc. Hàng trăm loài chim thi nhau hót. Suốt những năm tuổi thơ cô đã chân trần lội dưới suối bắt những con ốc đá, vỏ như ngọc, ánh lên ngũ sắc khi đặt ra nắng. Chiều nào cũng vẳng lên tiếng chuông nhà thờ của xóm đạo bên cạnh. Cuộc sống thật hiền hòa, tươi tốt và

nên thơ” [6, tr.102-104]. Cuộc sống ở đây như một bức tranh nên thơ, đầy ý vị. Đó cũng chính là mơ ước của nhà văn về một cuộc sống thanh bình, không hề vướng bận lo toan, và cũng không bị kéo theo guồng máy cơ chế thị trường nghiệt ngã, đầy hiểm nguy, bất trắc.

Thực tại phi nhân tính, đầy cạm bẫy, không có chỗ cho bước chân mệt mỏi của đứa bé mồ côi, lang thang như thằng Thượng dừng chân, nên nó phải tìm đến niềm an ủi từ những kí ức xa xôi về bà ngoại. Những kí ức đẹp đẽ về người bà nhân từ như một khoảng sáng trong tác phẩm, khiến người đọc có khoảng lặng để chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời ở chiều sâu ý nghĩa nhân sinh. Mong ước được đến trường đi học và khao khát tình mẹ ấm áp của nhân vật “tôi”, không khỏi làm cho chúng ta xúc động. Khao khát tình người, tình mẹ tình cha của đứa bé mồ côi, tưởng như rất giản đơn nhưng chỉ có trong tưởng tượng của nó mà thôi. Xưa nay, nó chỉ toàn nhận được sự hắt hủi, mắng nhiếc, đánh đập nên chỉ cần nghe thấy giọng ông Thìn ngọt nhạt, mặc dù nó không biết đó là giả dối (với mục đích muốn dùng lời đường mật để đuổi nó ra, giành lấy ngôi miếu hoang, địa điểm lý tưởng không bị ai dòm ngó để làm trò trai gái chim chuột), nhưng qua đó thấy được sự khao khát tình người cháy bỏng và luôn thường trực trong tâm hồn trẻ thơ. “Giọng ông xót thương, che chở, cảm thông. Đã từ lâu lắm, từ ngày bà ngoại mất, nó mới lại cảm nhận được chút tình người ấm áp như vậy. Nó muốn nép sát vào người đàn ông cỡ tuổi bố nó, thèm khát được yêu thương. Nó muốn kéo dài mãi giây phút khiến trái tim nó được đập những nhịp vô cùng bình an” [6, tr.101-102].

Người mà nhân vật “tôi” gắn bó nhất, yêu thương nhất và như một bà tiên nhân từ, luôn xuất hiện bên cạnh nó trong những hồi ức và giấc mơ là bà ngoại. Có thể nói, bà ngoại là người thức dậy niềm tin yêu cuộc sống cho đứa bé. Từ những bài học phòng thân, tự chữa bệnh để sinh tồn mà bà ngoại đã thấy trước những hiểm nguy, chông gai trên đường đời mà nó sẽ gặp phải, và

bà đã chuẩn bị trước hành trang vào đời cho nó, khi chỉ còn lại mình nó, không có bà bên cạnh để chở che. Những kỉ niệm về người bà như là một giọt nước mát lành xoa dịu những vết thương mà cuộc sống mưu sinh đã va đập vào nó, như ngọn lửa sưởi ấm trái tim bé thơ đầy khát khao yêu thương, và tình người mà luôn bị người đời chà đạp và vùi dập. Vì thế, mỗi lúc gặp khó khăn, đường cùng, hay cạn kiệt sinh lực, điều đầu tiên mà nó nghĩ tới, nhớ tới và mơ tới là hình ảnh người bà hiền hậu, điều đó tiếp thêm sinh lực cho nó bước tiếp mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn. Do đó, những hồi ức đẹp đẽ luôn thường trực, hiện về đan xen với thực tại như chính bà đang xuất hiện bên cạnh “tôi”, luôn đi bên cạnh cuộc đời “tôi”. Nhưng rồi, nó vẫn phải quay về với thực tại cô đơn, bơ vơ và đối mặt với cuộc sống mưu sinh, từng ngày từng giờ và nhận ra rằng những kí ức đó chỉ là giấc mơ mà lúc cô đơn, đau khổ và tuyệt vọng nhất nó thường tìm đến. “Những bước chân lang thang vô định của nó tiếp tục in dấu lên những con đường lẩn dưới bóng cây, lên từng thảm cỏ, lên lớp cát pha mịn và mát. Đôi khi nó dừng lại ngửa cổ nhìn sao, cảm thấy hơi thở vọng lại từ xa xôi. Đó là tiếng của mùa màng mà chỉ những người cả đời gắn bó với đất như bà nó mới có thể nghe được” [6, tr.103]

Những đoạn trữ tình ngắn ngủi toát lên một vẻ đẹp trong sáng đến mức thánh thiện xuất hiện hiếm hoi trong các tác phẩm của Tạ Duy Anh không đủ sức để lấn át hiện thực nghiệt ngã đầy rẫy cái xấu xa, bỉ ổi, vô lương tâm, thậm chí là phi nhân tính. Tuy nhiên, nó là sự tương phản để làm nổi bật mặt đối lập là cái hiện thực ác quỷ, để nhằm cảnh báo tình trạng đánh mất bản ngã; và ở một mặt khác, nhà văn cũng thể hiện khát vọng cải tạo xã hội, hướng tới giá trị nhân đạo của nhà văn.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)