6. Cấu trúc luận văn
3.1.2.2. Thời gian phi lý
Phi thời gian với xu hướng nhòe mờ dần và mất đi ranh giới xác định là đặc trưng kiểu thời gian nghệ thuật ngày càng đậm trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh. Sự việc trong Đi tìm nhân vật diễn ra ở một nơi mơ hồ về địa danh và trong một thời gian không xác định, như thể nó có thể diễn ra ở bất cứ đâu trên thế giới này và ở bất cứ thời điểm nào. Qua đoạn đối thoại giữa nhân vật “tôi” và bà chủ quán nước, con người dường như mất khả năng tự tri về mặt thời gian: Vụ án cậu bé đánh giày bị giết xảy ra hôm kia, hôm qua hay cách hôm nay một, hai ngày… nếu không cái này cũng là cái kia hoặc cứ cho là ngày hôm kia thì buổi chiều hay buổi sáng cũng không thể nào xác định được. Dường như cùng với sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống thời buổi kinh tế thị trường, mối liên hệ giữa con người với con người cũng bị xóa nhòa, con người cũng mất hẳn khả năng thức nhận về mặt thời gian.
Ở đây, phi thời gian bị đẩy đến mức tuyệt đối. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, từ chỉ thời gian xuất hiện đậm đặc, mà có tới 9 lần lặp lại “hôm kia” mà chính chủ thể lời nói cũng không xác định được hôm kia là hôm nào. Nó gợi cho chúng ta liên tưởng đến câu chuyện trong Đợi Godot của Beckett diễn ra tại một xứ “chẳng của riêng ai”. Thậm chí cả thời gian cũng có lúc trở thành thời gian tuyệt đối, không có quá khứ cũng không có tương lai, chỉ có hiện tại ngưng đọng. Nếu như tác phẩm của Sammuel Beckett gợi lên một triết lý chua chát là thời gian ngưng đọng – thế giới ngừng hoạt động và tàn cuộc, cái chết đang xâm lấn nhân vật thì Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh mang dấu ấn
của văn học phi lý đậm nét: Nhân vật không đi đến một kết quả nào! Cuộc kiếm tìm của nhân vật chỉ là một cuộc tìm kiếm vô vọng.
Từ thời gian đồng hiện, tới thời gian lắp ghép và cắt gọt dần đến mức thời gian cũng nhuốm màu phi lý mà không thể cắt nghĩa, lý giải. “Hình ảnh bác thợ già, vài cây phượng xơ xác cùng với cái không gian gần như đứng im đến nỗi thời gian cũng không buồn dịch chuyển… đã ăn sâu vào ký ức tôi. Mỗi khi nhớ lại tôi thấy bảng lảng một nỗi u hoài, pha chút buồn bã. Nó cho tôi cảm giác sâu hun hút khi nhìn về quá khứ”. Quá khứ như đứng im bất động, mang một màu sắc u hoài; đặc biệt thời gian hiện tại thì đang quẫy cựa, vận động một cách mãnh liệt nhưng rốt cuộc lại chỉ xoay quanh trong một vòng luẩn quẩn, trùng lặp và tưởng chừng như cũng đang đứng im; tương lai bị khống chế bởi hiện tại. Tất cả đồng hiện trong thế giới hiện tại bề bộn, xáo trộn, bất định.
Thời gian trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh như những tiểu tiết không đáng kể, tác giả không miêu tả cụ thể, mà ngắn gọn, chỉ nêu mà không tả. “Thế rồi gần 30 năm sau… một hôm vào ban trưa, …ngày xưa… Cứ thế, tôi miên man lạc vào biển sương mù quá khứ và thiếp đi trong cảm giác bị thời gian nhấn chìm xuống tận đáy”. Nhân vật “tôi” như người mộng du sống đời sống hiện tại, xa lạ, lạc lõng, cảm giác đi bên ngoài rìa, không can dự gì vào dòng chảy của cuộc sống thực tại, mất khả năng tri nhận thực tại, không phân biệt được đâu là thực, đâu là mộng, đâu là quá khứ, đâu là hiện tại, và đâu là tương lai, và cả “cái ý nghĩ “thực ra tôi có phải là tôi không” bám chặt lấy tôi như một điều phi lý nhất cứ tồn tại. “Có thể khung cảnh đã khác nhưng tôi vẫn nguyên vẹn của mấy chục năm trước, chỉ bị thời gian phủ dầy hơn? Có thể thằng bạn tôi còn lưu lại hình ảnh ở một ngăn nào đó trong ký ức tôi và đúng lúc ấy nó tuột ra ngoài ý muốn. Tôi vội nắm lấy phao cứu sinh… toàn bộ lý lẽ
của tôi chả khác gì việc tôi giãy giụa thoát khỏi một chiếc hố mà sự thật tôi đang đi tìm nằm ở dưới đáy” [5, tr.83-84].
Nói tóm lại, cùng với cảm quan phi lý khi quan sát hiện thực, không thời gian trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh cũng bắt đầu có hơi hướng phản ánh cái phi lý ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống hiện đại. Trong văn học hậu hiện đại phương Tây, phi lý đã trở thành một trào lưu văn học phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, ở Việt Nam thì chỉ mới có một số ít tác giả đi theo khuynh hướng này. Có thể trước khi viết những cuốn tiểu thuyết này, Tạ Duy Anh chưa từng đọc tác phẩm của Kafka, hay kịch của Ionesco, nhưng rõ ràng ở đây có sự gặp gỡ, và là tất yếu khi văn học phản ánh những vấn đề mang tính thời đại, nhân loại. Đề cập đến tính phi lý nhưng không có nghĩa là thiên về cái nhìn bi quan, tuyệt vọng mà nhà văn muốn hướng người đọc đến sự thức nhận biết mình biết ta để tự khẳng định mình và đừng đánh mất đi cái bản ngã, cái tôi riêng biệt mang ý nghĩa triết lý nhân sinh cao cả.