Cảm quan về cái phi lý:

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Trang 32)

6. Cấu trúc luận văn

1.3. Cảm quan về cái phi lý:

Tạ Duy Anh luôn trăn trở với thời cuộc, với hiện thực “đa sự” của đời sống: Từ đời sống công trường thủy điện Hòa Bình những năm 80, quá khứ gần của cải cách ruộng đất 1952 – 1954 đến quá khứ xa của một tập tính nông thôn như một bản sắc mang tính dân tộc, những khao khát đời sống trần tục hàng ngày đến cái bóng của một “quyền lực tuyệt đối vắng mặt” phủ trùm… Ý thức trực diện của Tạ Duy Anh với đời sống còn thể hiện ở cách tiếp cận đời sống từ cái nhìn phi lý, ở chiều sâu bản thể. Tính phi lý trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh càng về sau càng quyết liệt và thể hiện triệt để ở mọi cấp độ.

Cuộc đời này là một sự tồn tại phi lý. Hiện thực đời sống đầy rẫy cái ác, những con người phi nhân tính, mọi giá trị đạo đức chuẩn mực bị đảo lộn. Bao kiếp người làng Đồng, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cha truyền con nối, quẩn quanh trong vòng u tối của thù hận, lời nguyền dòng họ; bi kịch của cuộc đời lão Khổ là chìm nổi tùy hứng theo dòng thời cuộc của lịch sử (Lão Khổ).

Xã hội càng hiện đại, giá trị người càng bị rẻ rúng đến mạt hạng. Nếu từng có Một con người ra đời, được Gorki miêu tả: đứa trẻ được sinh ra trong hoàn cảnh bi đát của người mẹ, một mình đau đớn, vật vã trong bụi cây ven đường, và hình ảnh đoàn người đói, nhếch nhác đi tha phương cầu thực với viễn cảnh đầy gian truân… nhưng không vì thế mà đứa bé không được chào

đón. Khi tiếng khóc vỡ òa chào đời, cả thiên nhiên như ngập tràn niềm vui, hân hoan niềm hứng khởi chào đón sinh linh, chim chóc hót ca, sóng biển vỗ rì rào, không gian như bừng sáng để chào đón một thiên thần đẹp đẽ chào đời, với niềm vui khôn xiết của người mẹ đón đợi đứa trẻ mà quên đi những cơn đau quằn quại như một ân huệ mà cuộc đời ban tặng. Giá trị người được ôm ấp, nâng niu, vượt lên mọi hoàn cảnh.

Nếu như trước đây, vì hoàn cảnh cứu chồng, phải bán con, bán chó cho nhà địa chủ nhưng chị Dậu, trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, đau đớn như đứt từng khúc ruột, xé gan và nuốt nước mắt vào trong để tránh ánh mắt chan chứa yêu thương, ngoan ngoãn hiếu thảo đang khẩn thiết cầu cứu mẹ của cái Tý. Chị không còn cách nào khác trong hoàn cảnh nguy kịch, khi sự sống cái chết của chồng phụ thuộc vào món tiền sưu phải nộp. Ngoài ra, còn có một điều có thể an ủi chị trong hoàn cảnh lúc này, là khi bán con cho nhà địa chủ chị còn có chút hi vọng, ít ra nó cũng có miếng cơm mà ăn, và có thể sống sót, mặc dù biết trước những nỗi cơ cực và nhục nhã vì bị đối xử không bằng kiếp chó… Sâu thẳm trong trái tim người phụ nữ, tình mẫu tử vẫn sáng ngời lên, đáng trân trọng và thiêng liêng gìn giữ.

Thiên thần sám hối, giữa con người với nhau không còn chỗ cho khái niệm tình người. Quan hệ giữa con người với con người không còn tồn tại, thay vào đó là quan hệ hàng hóa. Con người trở nên dã man và bản năng thú vật, thậm chí cả trong tình mẫu tử. Những người làm cha, làm mẹ chối bỏ đứa con, giọt máu của mình ngay từ khi còn trứng nước, coi như là “tội nợ” đáng nguyền rủa. Thậm chí, bào thai được ví như một quả “trứng vịt lộn” có thể ăn được, hoặc như một món hàng có thể để bán rất có lời và người mẹ còn ao ước sinh thêm vài bọc nữa để kiếm đủ tiền về quê xây một cái nhà thật khang trang, sống đàng hoàng (Thiên thần sám hối). Ở đây, Tạ Duy Anh có sự gặp gỡ với Nguyễn Huy Thiệp trong Tướng về hưu. Nghịch cảnh sao đổi

ngôi, từ một anh hùng chiến trận với những chiến công vẻ vang với những tấm huân, huy chương treo đầy trên ngực áo, Tướng về hưu trở thành kẻ sống lạc điệu, lỗi thời trước thời buổi kinh tế thị trường, đồng tiền có sức mạnh biến hóa kì ảo, làm tha hóa con người và sự tha hóa đó diễn ra từng ngày từng giờ và trong từng người con trong gia đình. Ông không chịu nổi khi bắt gặp trong nồi cám nấu cho chó ăn là những hài nhi chết yểu, với đầy đủ hình hài được cô con dâu làm ở bệnh viện đem về nhà nuôi chó giống. Từ đàn chó này có thể kiếm được một món rất hời và là nguồn thu nhập chính mang lại cuộc sống sung túc cho cả gia đình. Hơn bao giờ hết, giá trị người bị chà đạp, rẻ rúng.

Trong Đi tìm nhân vật, cái ác mang bộ mặt người đang ngày càng trở nên nhan nhản, phổ biến, trở thành mục đích sống của con người. Điển hình là gã Mặt Đen. Từ thành thị cho tới nông thôn, lối sống ích kỷ, vụ lợi đã trở thành phương châm sống. Sống là tàn nhẫn, là chà đạp lên kẻ khác bằng mọi cách. Thậm chí, loại người này còn có sở thích man rợ là lấy nỗi sợ hãi, khiếp đảm tận cùng nhất của con người làm trò vui, trò tiêu khiển như đám thanh niên con nhà giàu thừa mứa vật chất, ăn chơi, nghiện ngập trong Giã biệt bóng tối.

Tính phi lý còn thể hiện ở sự tồn tại vô nghĩa của con người. Xã hội hiện đại sản sinh ra một thế hệ chỉ biết sống một cuộc sống vô nghĩa, sống không có mục đích lý tưởng, chỉ biết trượt theo quán tính, bản năng dạng như Chu Quý trong Đi tìm nhân vật, hay anh Bính cửu vạn trong Giã biệt bóng tối...

Nếu như trước đây, trong chiến tranh, con người luôn sống vì cộng đồng, luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết và cống hiến hết mình cho lý tưởng giải phóng dân tộc với mong muốn thay đổi cuộc đời tốt đẹp hơn, thì nay, thời buổi kinh tế thị trường đã vật chất hóa cuộc sống của con người, ngay cả trong mục đích, lý tưởng sống cũng bị tầm thường hóa thành những ham

muốn vật chất, hư danh, hưởng thụ và bản năng.

Trong tiểu thuyết của mình, Tạ Duy Anh dường như đã thống kê những cái chết và mô tả đủ các kiểu chết rùng rợn khác nhau. Trong Lão Khổ là cái chết của lão Phụng, cái chết của Năm Cận, những lựa chọn cách chết đau đớn nhất của lão Khổ như treo cổ, chết đường Thiên thần sám hối là những cái chết ngay khi chưa kịp sinh ra của các hài nhi do quả báo, do lá thuốc làm sẩy thai của dân tộc... Trong Đi tìm nhân vật là cái chết của vợ chồng Tiến sĩ N, ông Bân, cha của Chu Quý, thằng bé đánh giầy, Thảo Miên, cô gái câm… Trong Giã biệt bóng tối là những cái chết bất đắc kỳ tử ở làng Thổ Ô như lão Phụng, mụ Hường, lão Tung, cái chết của gã ăn mày… và ngay cả tiêu đề tiểu thuyết mà nhà văn dự định xuất bản cũng thể hiện một nghịch lý “Sinh ra để chết”… Cái chết được tác giả trần thuật bằng giọng tưng tửng, lạnh lùng đến mức tàn nhẫn. Rốt cuộc, sự sinh ra và chết đi của con người cũng như sự tồn tại của chính họ, không đọng lại một chút ý nghĩa nhân sinh cao cả và thiêng liêng nào mà chỉ là hư vô, là cát bụi. Không những cuộc đời này là vô nghĩa lý, mà chính sự tồn tại của con người cũng là một sự tồn tại phi lý.

Không những thế, tiểu thuyết của Tạ Duy Anh còn đạt đến chiều sâu triết lý nhân sinh. Tác giả gióng lên tiếng chuông cảnh báo tình trạng con người đang tự đánh mất ý thức về sự tồn tại của bản thể, sự vong bản, có nghĩa là phủ định ngay cả sự tồn tại của chính mình. Đây là nỗi lo âu mang tính thời đại, mang tính nhân loại. Từ đó, nhà văn muốn kêu gọi, lay thức con người tìm lại và khẳng định giá trị người cao đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà quan điểm nghệ thuật của Tạ Duy Anh có sự tương đồng với các tác giả văn học hiện sinh phương Tây mà chính là có sự gặp gỡ về cảm quan hiện thực nhạy bén của một nhà văn.

Tiểu thuyết Đi tìm nhân vật xoay quanh nhân vật Chu Quý, một nhà báo luôn quan tâm đến những vấn đề về cái chết… Tác giả để cho các nhân vật của mình nếu không rơi vào lạc lõng thì cũng buộc phải chấp nhận cái chết (vợ tiến sĩ N, nhà văn Bân, Thảo Miên…). Điều đó khẳng định, nếu chấp nhận không còn cá tính, cuộc sống sẽ đơn điệu rồi tự diệt; nếu cố gắng xác lập một vài giá trị cá nhân riêng lẻ, thì y như rằng, hành vi đó sẽ bị cộng đồng cô lập, trở thành kẻ cô đơn, thậm chí dị thường, đối nghịch và cuối cùng vẫn là tự diệt. Đó là mai hậu của sự sống phi lý này.

Xã hội không thừa nhận sự tồn tại của cá nhân riêng biệt mà cá nhân bị đồng hóa thành một loại người nào đó, thậm chí là một loại đồ vật nào đó chứ không phải là chính nó. Trong Đi tìm nhân vật, kể cả “nàng” (Thảo Miên) là người thân thuộc, gần gũi với nhân vật “tôi” nhưng cũng không thể nhận diện ra “thằng tôi” quen thuộc đó. “Họ quyết định tôi là một gã điên, một kẻ thất tình, một thằng dở hơi, một gã say rượu… Chỗ này tôi là món chính. Chỗ khác tôi là gia vị.”[3,tr.214]… Không còn ai nhận ra “tôi”, “kể cả thằng Mực mà tôi tin hắn có năng khiếu săn người bẩm sinh nhớ thằng tôi hôm nọ”…[3,tr.217]. Qua cuộc đối thoại với gã bán thuốc rong, bản thân cái thằng tôi cũng bị biến dạng, không phân biệt đâu là thật đâu là giả, mà có khi giả thành thật mà thật lại trở thành giả một cách phi lý. “Rút cục thì mặt mình là mặt thật hay bịa?”[3,tr.226]… Nỗi băn khoăn này cứ ăn sâu dần, trở thành ý nghĩ hàng ngày của tôi và từ lúc nào, tôi hoàn toàn tin vào nó” [3,tr.227].

Nếu như nhân vật Hộ trong Sống mòn của Nam Cao bị cuộc sống cơm áo gạo tiền, đời sống vật chất tầm thường làm cho tha hóa nhưng vẫn còn giữ lại được một chút ý thức về sự sống mòn của mình. Thì nay, ý nghĩa “tôi có phải là tôi hay không?” cũng không thể lý giải được nữa. Giờ đây, cái tôi ý thức sau cùng cũng bị biến mất hoàn toàn. Câu hỏi được nâng lên tầm triết lí nhân

sinh. Hơn bao giờ hết, cái bản thể cần phải được đánh thức. Nhận thức đúng bản chất hiện thực, biết chấp nhận nó để từ đó vươn lên khẳng định bản thể. Tiểu thuyết Tạ Duy Anh khích lệ con người: dũng cảm lên, đừng sợ…

Như vậy, qua tiểu thuyết của mình, nhà văn đề cập đến một câu hỏi về giá trị sống, sống như thế nào, và đề cập đến tính nhân bản, đâu là giá trị người, là giá trị phải lưu giữ và giữ gìn nó như thế nào để không bị đánh mất mình. Đối mặt với hiện thực chứ không núp dưới bóng hào quang, biết chấp nhận sự tồn tại của hiện thực để từ đó cải tạo mình, cải tạo môi trường sống xung quanh mình, để thích nghi nhưng không hòa tan vào nó. Đây là tiếng kêu cứu của cái tôi nhân bản mang ý nghĩa phản tỉnh về giá trị người đích thực và khích lệ sự can đảm, vứt bỏ nỗi sợ hãi, đương đầu với những hiểm nguy để khẳng định mình và kêu gọi nhân quần thức tỉnh tìm lại những giá trị người đang bị “phần con” lấn át.

Tính phi lý ở đây thấm đẫm vị chua xót, đắng cay và đáng ghê sợ bởi những tội ác dã thú. Nhưng tiểu thuyết Tạ Duy Anh không vì thế mà tỏ ra quá tuyệt vọng mà luôn đặt ra câu hỏi cho mỗi người đọc, mỗi người đọc sẽ tự cảm thấy có trách nhiệm tìm lấy câu trả lời của riêng mình, khẳng định sự tồn tại của mình. Do vậy, trong lời kể của nhà văn luôn có một khoảng trống để người đọc tham gia vào như một nhân vật mà nhà văn không cho trước đáp án.

Tiểu kết chƣơng 1

Đời sống hiện thực sau chiến tranh trở về đúng với quy luật đời thường của nó. Sau những khoảng thời cuộc đầy giông bão, sau một khoảng lùi, con người có xu hướng nhận thức lại, đánh giá lại hiện thực, chiêm nghiệm và tự vấn quá khứ. Thực tế đó đã để lại những dấu ấn đậm nét trong tiểu thuyết Tạ Duy Nhà văn xót xa cảm nhận sự “vớ vẩn”, “đong đưa” của thời cuộc đã biến số phận con người thành trò chơi, “trò đùa số phận”. Đời sống vật chất lên ngôi làm đảo lộn mọi giá trị chuẩn mực. Đạo đức xuống cấp trầm trọng và con người chạy theo lối sống vụ lợi, ích kỷ. Chính bối cảnh đời sống phức tạp, xô bồ đó đã đẩy con người rơi vào trạng thái hoang mang, sợ hãi, thậm chí hoảng loạn đến đánh mất ý nghĩa của sự tồn tại của chính mình. Sự tồn tại vô nghĩa của hiện thực, của con người hay chính sự tồn tại của bản thể là cảm quan phi lý đang dần lên ngôi trong văn học đổi mới. Nếu như ở những tiểu thuyết đầu, Tạ Duy Anh mới chỉ cảm nhận tính chất phi lý của thời cuộc, của lịch sử, thì càng về sau, đặc biệt từ Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối cảm quan về cái phi lý ngày một sâu đậm. Chính cảm quan nghệ thuật này đã chi phối mạnh mẽ cách xây dựng thế giới hình tượng cùng những thủ pháp nghệ thuật khắc họa nhân vật trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh.

Chƣơng 2

THẾ GIỚI NHÂN VẬT

TRONG TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH

Những nội dung thẩm mỹ ở chương 1 được thể hiện một cách sinh động và độc đáo qua thế giới nhân vật phong phú và đa dạng trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh. Khảo sát qua tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, chúng tôi nhận thấy có các kiểu dạng nhân vật tiêu biểu sau:

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)