…Không gian rộng lớn, lưu chuyển

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Trang 67)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1.2. …Không gian rộng lớn, lưu chuyển

Không gian lưu lạc phiêu bạt của một đứa bé mồ côi lang thang trong

Giã biệt bóng tối không được miêu tả chi tiết mà chỉ được tác giả lướt qua như để gợi, nhằm khái quát nên một bức tranh hiện thực chung về cuộc sống thành thị cũng như ở nông thôn đều ngổn ngang những cạm bẫy địa ngục của quỷ sa tăng mang mặt người.

Không gian thứ nhất là không gian chuyển động theo bước chân lang thang đi đánh giầy của cậu bé mồ côi vào các ngõ ngách, quán xá: “Ngày bà tôi mất… cũng là ngày tôi trở thành đứa trẻ lang thang, vô gia cư. Đầu tiên tôi theo bọn trẻ đánh giầy. Ban ngày tôi len lỏi đến khắp các ngõ ngách, quán xá, mắt cứ chăm chăm nhìn xuống dưới, bắt chước những đứa bạn, hễ thấy ai đi giầy là gạ gẫm bất kể giầy của họ có cần đánh hay không”. Câu chuyện có lẽ dừng ở đấy nếu như không gặp bà lớn với lời ngon ngọt lẫn dọa nạt thuê “tôi” với món tiền kếch sù “lớn hơn bất cứ tài sản nào mà bà ngoại tôi có”. Nhưng rốt cuộc, “tôi” không nhận lại được đồng nào, mặc dù bà lớn tỏ ra rất đáng tin tưởng khi đồng ý cầm hộ tiền công với giấy trắng mực đen rõ ràng. Bỗng nhiên “một gã đàn ông mặt hầm hố, sẹo ngang sẹo dọc khắp cơ thể đúng kiểu dân đâm thuê chém mướn” ở những xóm liều xuất hiện với vẻ mặt dữ tợn dọa “biến” khỏi khu phố đồng nghĩa với việc số tiền công bị quỵt. Khu phố đó đã dạy cho “tôi” một bài học rằng: không nên đặt niềm tin ngây thơ vào ai đó, mặc dù số tiền đó chẳng thấm tháp vào đâu so với đáng mặt bà lớn.

Tuân lệnh biến mất tăm khỏi khu phố với nghề đánh giầy, “tôi” phiêu dạt tới một khu phố khác, “khu phố ổ chuột – như mọi người vẫn gọi – tôi lại xuýt rơi vào một cái cạm bẫy khác. Lần này là của đám dắt gái cho người nước ngoài”. Rốt cuộc, “tôi” đã phải vớ lấy cái chai làm vũ khí, liều mạng thoát khỏi ông Tây mắt xanh mũi lõ, mặt trắng bệch dâm dê, như lời bà ngoại dặn khi gặp bước đường cùng. Nhưng chưa hết, ngày hôm sau “tôi lại được yêu cầu biến mất tăm” bởi “một bà cao to như đàn ông, giọng cũng ồm ồm và xăm đầy mình những hình tục tĩu”, một người đàn bà đầy hãnh diện và coi ta đây là danh giá, sung sướng khi làm nghề làm đĩ cho Tây “đưa tay vào cạp quần như định tụt quần ra thật khiến tôi ngượng chín mặt, cắm cổ bỏ chạy”. Nhân vật “tôi” nhận ra rằng, thành phố là môi trường vật chất chứa đầy cạm bẫy, nguy hiểm mà một đứa bé lang thang, nghèo hèn như nó dễ dàng sa chân.

Ý định thử đổi nghề đánh giầy sang nghề khác đã đưa chân “tôi” đến làm một chân bưng bê ở một quán bia. Tiêu chí kinh doanh của ông chủ quán bia là “Chỉ cần chúng nó cũng vui vẻ chấp nhận ngồi ngay trên nắp cống nước thải hoặc gần lối vào toa lét nốc thật lực, xì tiền ra thật nhiều là đúng với tinh thần kinh doanh của tao rồi”. Vì sơ ý, “tôi” vấp vào chân một ông khách và ngã nhào vào một người đàn bà ăn mặc sang trọng ở chỗ tế nhị.

Đám đông trong quán bia được dịp cười khoái trá, không ít kẻ “nói ông ổng rằng giá kể là bàn tay họ thì hay biết mấy” khiến người đàn bà điên tiết trút vẻ mặt tức giận vào “tôi”, liên tục nhổ nước bọt và nhìn tôi từ đầu đến chân, buông một câu: “của nợ” rồi lại nhổ nước bọt lần nữa. Mãi sau, như chợt nhớ ra, bà lạnh lùng bảo: - Gọi thằng chủ của mày ra đây”… “ngắn gọn thôi… bồi thường! tiếng bà lớn lạnh lùng nhưng rõ ràng, như rơi từng từ trong khi mặt bà hơi cong lên – đơn giản như đan rổ vậy thôi”. Câu chửi thề của lão chủ quán sau đó đã lột tả hết những điều tác giả muốn đạt tới “ Mẹ kiếp, tưởng trông nó mỹ miều, mỏng mảnh mệnh phụ phu nhân thế mình mới mạnh mồm… ai ngờ nó và lũ bạn tranh thủ không mất tiền ăn uống như thuồng luồng, toàn những cua rang muối, cá hồi nướng, ngẩu pín hầm thuốc bắc… món nào cũng khét lẹt cả”. Không những không cảm thấy bị mất thể diện mà còn nhân cơ hội để thỏa mãn lòng tham đã chứng tỏ những người được coi là giới thượng lưu quyền quý ấy cũng thấp kém và tiểu nhân không khác gì đám đông hạ lưu trong quán bia. Kết cục, “tôi” bị đuổi ra khỏi quán và ông chủ cũng quên luôn số tiền công của tôi. Tác giả không miêu tả kỹ lưỡng không gian nhưng chính những con người nơi đây đã dựng nên một không gian sống động của giới thượng lưu trí thức sang trọng nhưng đầy ô trọc, tham lam, cơ hội.

Đối lập với không gian sống của tầng lớp trên, chỉ diễn ra ở một gốc cây bên hè phố là không gian sống của những kẻ dưới đáy, bị cả xã hội khinh

rẻ, miệt thị. Đối lập với những kẻ đạo mạo, con nhà giàu có, có tiền rủng rỉnh nhưng đạo đức giả, nhỏ nhen, ích kỷ là những kẻ lang thang, là những cô gái điếm bán trôn nuôi miệng nhưng lại chất chứa tình người cao đẹp. Từ đâu xuất hiện một đứa lang thang chiếm mất chỗ làm ăn, mặc dù rất bực tức nhưng trong sâu thẳm người đàn bà bán trôn nuôi miệng này lại thương cảm cho tình cảnh của đứa bé. Không những cô gái điếm không đuổi cậu bé khỏi gốc cây, chỗ làm ăn của mình, dù sự có mặt của nó đã làm mất khách hàng, mà còn cảm thấy thương và hỏi nó “đã có tiền ăn sáng chưa?”. Trước khi quay đi, cô gái điếm còn dặn dò cậu bé “giữ (tiền) cho cẩn thận. Trộm cắp, cướp giật nhiều như rươi ấy”. Sáng ra, “chị ta còn cầm theo gói xôi, không giấu được vẻ lo lắng trên khuôn mặt chả còn tí dấu vết nào của người đàn bà đêm qua. Nhìn kỹ thấy chị ta còn có nét hiền hậu là đằng khác. Sau khi tiếp tục lục lọi, chị đến bên gốc cây, đưa tay rờ rờ lên chỗ tôi nằm ngủ…” rồi đi về phía những người tập thể dục sáng với hy vọng có ai đó trông thấy tôi. Cô gái điếm đã hét lên và mặt tái nhợt đi khi nghe một người đàn ông ngồi cạnh người đàn bà trung niên trả lời là thằng bé đó đã chết. Cô còn nài nỉ quỳ xuống xin ông ta nói rõ hơn là “ông ta có thấy tôi chết thật không, chết vì sao và ai mang tôi đi, mang đi đâu, chị có thể hỏi ai để nhận xác… thì nhận được câu trả lời một cách vô sự “ tôi nói đại thế chứ thật ra tôi có biết gì đâu”. Cô gái điếm đã không tránh khỏi tức giận trút lên đầu người đàn ông trung niên lời hằn học, rủa sả khinh miệt: “Không biết sao ông dám ác khẩu nói bừa? Ông coi mạng người rẻ như chó thế sao?”… “các vị tưởng mình cao giá lắm chắc? Một lũ đạo đức giả thối thây chứ hơn gì?”. Cô đã không vì sự mặc cảm thân phận, chịu sự miệt thị khinh rẻ, sự nhạo báng thô tục của đám đông, sắp sửa gánh chịu tai họa để đàng hoàng đứng ra bênh vực cho đứa bé. Từ đâu đó sâu thẳm trong trái tim cô gái điếm vẫn còn ánh lên tình người ấm áp, tình mẫu tử. Bằng một không gian nhỏ hẹp nhưng Tạ Duy Anh đã làm một phép đối sánh để lột tả

được bản chất thực của con người mà ở đó tác giả phát hiện ra rằng những con người thấp hèn ở tầng lớp dưới đáy lại đáng được trân trọng hơn.

Bị lôi tuột khỏi vỉa hè bởi một gã cổ trâu, “tôi” lại bị ném vào không gian một ngôi nhà cổng kín cao tường của những gã con trai mà “qua cách ăn mặc, nói năng, tiêu sài tôi biết ngay đây là những gã công tử mới – như cách mọi người vẫn gọi đám con ông cháu cha chán hết mọi trò, kể cả sống một cách bình thường”, “những kẻ nghiện hút một loại thuốc gây nghiện và tạo ảo giác ma quái” mà “người say thuốc lên cơn điên loạn”… khi hút vào, người hút rất muốn được chứng kiến nỗi sợ hãi của người khác… nếu tôi càng sợ hãi thì những gã con trai kia càng thích thú” [5,tr.80-81]. “Tôi” bị rơi vào nỗi khiếp đảm tận cùng nhất của con người bởi những màn tra tấn man rợ tưởng chừng như không có lối thoát trong một mê cung địa ngục nếu như không có bài học về sự sinh tồn của người bà mách bảo.

Trước khi trở về nông thôn, thành phố là một không gian đầy cạm bẫy, với bao nhiêu tầng địa ngục ngay giữa trần gian, và không có lấy một chốn dung thân cho một đứa trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ. Nhưng ngay cả khi trở về vùng quê xa lánh cuộc sống thành thị phồn hoa cạm bẫy, vốn là nơi có cuộc sống yên bình sau lũy tre làng thì cậu bé lang thang cũng không có lấy một chốn yên thân. Ngôi miếu hoang bị lời nguyền ma ám của dân làng về một con chuột thành tinh khiến không ai dám bén mảng tới tưởng như là chỗ nương náu của “tôi” nhưng rốt cuộc chốn nương thân cuối cùng đó cũng bị chiếm đoạt trắng trợn. Ngay cả những đồng tiền bòn góp được bằng sức lao động làm thuê, làm mướn của nó, bằng mồ hôi, nước mắt và đau đớn của những trận đòn vô cớ từ những người thuê mướn nó cũng bị đánh cắp mà thậm chí lão Định, kẻ ăn cắp món tiền dành dụm của nó lại là một kẻ giàu có vừa xây xong ngôi nhà ba tầng.

Từ những mảnh không gian rời rạc đó, Tạ Duy Anh đã phác họa nên một bức tranh chung về hiện thực xã hội đương đại, từ thành thị phồn hoa, giàu sang, thừa mứa vật chất với những ông to bà lớn đạo mạo đầy quyền uy, với thế lực của đồng tiền đến chốn quê nghèo, nông thôn thanh bình trì trệ bởi những tư tưởng ấu trĩ, lỗi thời, mê tín dị đoan… đều không có lấy một chốn yên bình cho những đứa trẻ mồ côi đáng thương như “tôi” được nương náu, dung thân mà luôn phải sống trong sự sợ hãi nguy hiểm và tai họa luôn rình rập bao quanh nó.

Không gian ảm đạm, nhếch nhác của đám thanh niên lũ lượt từ nhà quê ra thành phố kiếm việc làm, ngồi la liệt trên hè phố và sẵn sàng làm bất cứ việc gì người ta sai gọi “ngồi la liệt ở trên vỉa hè, nơi ngã ba ngã tư, bến xe bến tầu, công trường xây dựng, đứa nào tự tin hơn thì mon men gần những nhà hàng khách sạn… để ai gọi là chen nhau chí chết mong chiếm được một công việc gì đó”. Những cám dỗ vật chất đã đồng hóa con người, biến họ thành kẻ nô lệ của đồng tiền.

Không gian quán trà là những gương mặt mà “ tôi phải thấy họ quá nhiều: Qua tivi, báo chí, những cuộc gặp mặt, hội thảo, míttinh… Tóm lại do tôi thấy họ ở khắp nơi. Hình như toàn bộ guồng máy khổng lồ bao gồm: quyền lực, mafia, giá cả… được vận hành bởi những con người này. Bàn số một là bàn của mấy ông vua ô tô bãi rác; bàn số ba thâu tóm toàn bộ những xác chết đưa ra từ các bệnh viện; bàn số bốn đang thảo luận giảm giá khách sạn” và những con người này được đánh số hoặc bằng những kí hiệu như Ngài X ngồi ở bàn số hai, ngài Y ngồi ở bàn số bốn, ngài S bữa nay có vẻ không được khỏe…”

Từ một điểm xác định, không gian mở ra nhiều chiều kích, tầng tầng lớp lớp mà mỗi câu chuyện là một gợi ý về không gian được hé lộ và tất cả đều nằm trong cái nhìn bao quát của không gian lớn.Vòng tròn xoáy tâm: tâm

là A thì mỗi không gian trong mỗi câu chuyện có khả năng mở thêm dài rộng mãi 1,2,3,4,5… như câu chuyện của nàng Xêradat trong Nghìn lẻ một đêm

của Ả rập mà mỗi độc giả với kinh nghiệm của mình có thể liên tưởng tới trường câu chuyện từ những kinh nghiệm va chạm ngoài đời, độc giả cũng là người sáng tạo, không ngừng phát triển câu chuyện theo cách riêng của mình.

Lấy không gian thành thị, nông thôn là không gian “gốc” từ đó tách dần, lan tỏa ra theo những cụm không gian khác như những căn phòng của bọn me Tây dâm dục, phòng kín khép chặt bằng những bức tường tăm tối như địa ngục của nhóm thanh niên thác loạn, làng Đồng với một ám khí đầy sự chết chóc, ảm đạm, ngôi miếu (Giã biệt bóng tối) hay không gian ở một bệnh viện phụ sản (Thiên thần sám hối)… được mở rộng ra theo những câu chuyện về những mẩu cuộc đời bi kịch. Nhưng cuối cùng tất cả những không gian đơn lẻ ấy đều châu tuần, quy tụ về một không gian trung tâm là bức tranh sinh động phản ánh hiện thực cuộc sống của xã hội hiện đại xô bồ, phức tạp trong đó cái xấu, cái ác có phần thắng thế; cái tốt đẹp, cái lương thiện có nguy cơ bị đè bẹp, lu mờ, biến mất khỏi nhân loại.

Có thể nhận thấy một xu hướng nghệ thuật ngày càng rõ nét trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh đó là xu hướng phản ánh cái phi lý cả trong mối tương quan về không gian và thời gian. Về mặt không gian, lúc đầu nhà văn thường đi vào những không gian cụ thể, xác định; sau đó tạo nên một bước dịch chuyển từ không gian này tới không gian khác, có thể thu hẹp và chia tách ra các khoảng không gian riêng lẻ để khám phá chiều sâu, hoặc có thể cô đọng lại trong một không gian bao quát nhất; nhưng càng về sau, xu hướng không nhấn mạnh về mặt không - thời gian, mà chỉ mang tính chất nêu gợi, tạo nên sự nhạt nhòa, không còn ranh giới xác định, mất dần đường nét phân định về bối cảnh xuất hiện cốt truyện, nhằm thể hiện cảm quan về cái phi lý đang dần lấn át, xâm thực, bào mòn cái vốn được xem là quy luật bất di bất

dịch. Qua đó, nhà văn thể hiện sâu sắc hơn mặt trái của cuộc sống đương đại đang ở thì hiện tại chưa hoàn thành.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)