6. Cấu trúc luận văn
3.1.1.1. Không gian khép kín, tù đọng
Không gian làng Đồng trong Lão Khổ là không gian điển hình của nông thôn Việt Nam. Tạ Duy Anh đã tạo nên một làng Đồng nửa thực nửa hư với những định kiến lạc hậu, lỗi thời, trì trệ và quẩn quanh trong vòng thù hận như thù hận cá nhân, thù hận dòng họ, thù hận thế hệ, thù hận truyền kiếp… như bủa vây, bao bọc, trùm kín lấy số phận của những người nông dân. Từ không gian làng Đồng nhỏ bé mở ra không gian lớn hơn của những làng quê Việt Nam hướng đến mong muốn cải tạo cái cũ, lạc hậu để tiếp cận với cái mới, cái văn minh.
Từ trong nhà ra ngoài ngõ, một không khí luôn bao trùm lấy cuộc sống của con người nơi đây là không khí ảm đạm, thù hằn, luôn rình rập tai họa tai bay vạ gió, vạ lây từ các phe phái. Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ đều thu mình vào một góc chờ đợi một tai họa sắp sửa ập đến. Không ai dám ra ngõ, không dám bàn tán, hội họp, mà nếu có cũng chỉ là họp kín, chỉ thì thầm rỉ tai nhau và luôn trong tâm lí đề phòng sợ tai vách mạch rừng. Một không khí cảnh giác cao độ, căng thẳng bao trùm lấy làng Đồng nhỏ bé giống như giờ giới nghiêm thời chiến tranh, tất cả rút vào hoạt động bí mật. Quần ngư tranh thực thì lão Phụng càng có cơ hội để trục lợi. Ở giữa các phe phái, một phần, lão là kẻ xúi bẩy, một kẻ cơ hội chủ nghĩa, chơi nước cờ đôi, bên nào mạnh thì theo, khi bên này lúc bên kia để trục lợi, được tha hồ uống rượu, kiếm cái bỏ vào mồm; mặt khác, lão Phụng đã góp phần thúc đẩy mối xung đột của làng Đồng lên đến đỉnh điểm, căng thẳng tột độ. “Gieo gió gặt bão”, lão Phụng đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình và cho đến lúc chết lão vẫn bị ám ảnh bởi lũ âm binh đang kéo đến. “Hạng người như lão, vì đói khát, cam phận… mất hết cả năng lực gìn giữ ký ức”. Sau cái chết của lão Phụng, nguy cơ một cuộc chiến nảy lửa sắp sửa nổ ra giữa các dòng họ, chỉ có thể giải quyết mâu thuẫn bằng máu, một mất một còn. Để chuẩn bị cho trận quyết đấu, hai bên đã chuẩn bị một lực lượng hùng hậu bằng hàng loạt sự kiện. Tư Vọc trở về làng cùng một món tiền lớn với món nợ máu ấp ủ bao nhiêu năm, giao cho Năm Cận tổ chức họp họ với đầy đủ chi trên chi dưới, cho ăn uống no nê thả cửa, ngồi la liệt từ trong ra ngoài, kể cả những người chưa từng gặp bao giờ. Cùng lúc đó, tin đồn và sự trở về của con trai lão Khổ, một người học hành thành đạt và đầy bản lĩnh đã từng dám bỏ làng ra đi. Tất cả đều sẵn sàng cho một cuộc quyết đấu đến cùng thì xảy ra án mạng, đó là cái chết của Tư Vọc trong nhà Năm Cận, tác phẩm kết thúc ở đấy. Một không khí căng thẳng chẳng khác gì bão táp cách mạng ngay giữa thời bình.
Cũng là một không gian làng quê thuần nông, làng Thổ Ô trong Giã biệt bóng tối, cũng xáo động không kém làng Đồng, vì sự hoang mang, xáo động vì có hàng loạt cái chết bất đắc kì tử chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, như một ám khí báo hiệu tai họa sắp sửa bất ngờ đổ ập xuống đầu bất kì ai trong làng. “Người dân làng Thổ Ô đang vô cùng hoảng loạn khi phải chứng kiến những sự kiện lạ lùng xảy ra liên tiếp trong vòng có vài tuần lễ”. Đó là cái chết của ông Tung, bị sét đánh khi sang làng bên mua rượu. Một tuần sau thì anh San chuyên nghề chôm chỉa, đột nhiên lăn từ bụng vợ xuống tắt thở. Sự việc vẫn chưa dừng ở đó, cái chết của ông Thìn vì một lí do rất vớ vẩn là dẫm vào bó rau muống trượt chân, ngã sấp xuống mặt đường mà chết.Rồi cái chết kỳ lạ đầy bí ẩn của mụ Hường béo trong tư thế lõa lồ. Mọi người chưa hết hoang mang về cái chết không toàn thây của ông Phụng khi đang ròng tang giếng cùng mấy đứa con, “Những tin đồn được thêu dệt chưa kịp ra khỏi làng thì ông Định… đang luyện võ trên sân thượng của ngôi nhà ba tầng ông mới xây, thì tự nhiên như bị ai bốc đít liệng qua hàng lan can lao xuống đất, gãy cổ…” [5,tr.15-18]. Từ những sự việc này, những tâm lý mê tín, dị đoan, tin vào thần thánh, ma quỷ chi phối cuộc sống của con người có dịp trỗi dậy, bao trùm, vây ám lên cả làng Thổ Ô. Ngay giữa thời đại văn minh, khoa học kĩ thuật phát triển rầm rộ thì làng Thổ Ô như trở lại chính cái thời nguyên thủy, mông muội của loài người. Với tư duy ấu trĩ, con người chưa có kiến thức khoa học để giải thích các hiện tượng của thiên nhiên nên đã dựa vào các lực lượng siêu nhiên để lý giải. “Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, rất nhiều người dân làng Thổ Ô thi nhau mời thầy cúng về trấn trạch, yểm bùa, làm lễ dâng sao giải hạn… đa số vẫn tin rằng long mạch của làng bị động chạm hoặc có kẻ ác độc nào đó dùng phép thuật yểm vào chỗ hiểm… người ta bắt đầu phanh phui xem đức độ họ ra sao mà phúc phận lại mỏng làm vậy, vừa xúc phạm những người đã chết, vừa gây nên tình trạng mâu thuẫn trong
làng” [5,tr.18]. Như vậy, trong khi xu hướng toàn cầu hóa đang đưa nhân loại tiến đến cuộc sống văn minh, khoa học thì người dân làng Thổ Ô lại quay ngược trở về cái thời mông muội, nguyên thủy lí giải các hiện tượng bằng ma quỷ và thần thánh. Cái không khí ảm đạm, chết chóc với những con người mê muội trong mê tín dị đoan đã biến làng Thổ Ô thành một ốc đảo hoàn toàn biệt lập ngập chìm trong những tư tưởng ấu trĩ và lạc hậu. Tạ Duy Anh đã tạo được một kiểu không gian nghệ thuật đặc sắc với những làng Đồng, làng Thổ Ô điển hình cho một làng quê cổ sơ, tù túng. Ở đó, con người vẫn còn bị vây bọc, bao trùm bởi màn đêm của đêm trường trung cổ. Từ không gian hiện thực sống động đó, Tạ Duy Anh khao khát cải tạo xã hội, cải tạo môi trường sống cho con người, giúp con người đủ sức “Bước qua lời nguyền”…
Không gian căn phòng trong khu tập thể của Chu Qúy là một không gian nhỏ hẹp nhưng cũng như bao căn phòng khác của một bộ phận thanh niên có cách sống buông thả, bệnh hoạn và mang lối sống vô nghĩa đáng lên án, đáng cảnh báo. Cuộc sống càng hiện đại càng trở nên nghèo nàn về ý nghĩa, nhàm chán, đơn độc. Con người làm việc như một cái máy và ham muốn không gì hơn ngoài những ham muốn bản năng đến mức bệnh hoạn. Hơn bao giờ hết nhà văn muốn cảnh báo tình trạng suy đồi đạo đức, đánh mất ý nghĩa cái tôi bản thể, lý tưởng sống cao đẹp. Từ một không gian nhỏ hẹp, tác giả khái quát thành một không gian lớn chứa đựng ý nghĩa nhân sinh.