6. Cấu trúc luận văn
3.1.2.1. Thời gian lắp ghép phi tuyến tính
Những tiểu thuyết thời kỳ đầu của Tạ Duy Anh như Khúc dạo đầu, Lão Khổ, cơ bản vẫn nằm theo mạch tiểu thuyết truyền thống. Nghĩa là thời gian không có sự biến động nhiều mà vẫn tuân theo trật tự tuyến. Nhưng càng ngày, nhà văn càng khẳng định xu thế chung của tiểu thuyết hiện đại trong sáng tác của mình bằng cách lắp ghép, tạo dựng các mảnh cốt truyện rời rạc, các mảnh tâm trạng không theo trình tự thời gian mà ngổn ngang, đảo ngược theo ý đồ của tác giả, tạo ra “truyện trong truyện”. Những tình huống, cảnh ngộ, biến cố như không quan hệ, liên hệ với nhau lại được xích lại gần với nhau. Điều này chứng tỏ, bản thân nhà văn luôn có ý thức sáng tạo và nỗ lực đổi mới cách viết tiểu thuyết để tiếp cận sâu hơn, đa chiều hơn về cuộc sống đương đại đầy biến động.
Tiểu thuyết Tạ Duy Anh ngày càng được viết một cách tự nhiên, không bị ràng buộc bởi thi pháp truyền thống. Thời gian bị cắt vụn, xé mảnh đến mức chỉ là sự nêu gợi để cho dòng chảy của ý thức tha hồ tung tẩy. Ở Lão Khổ, những mốc sự kiện lịch sử như cuộc cách mạng lật đổ chế độ thực dân phong kiến, hay cải cách ruộng đất chỉ như que đóm châm mồi lửa, tác giả không chú ý miêu tả mốc thời gian, diễn biến sự kiện mà chỉ là phông nền cho
số phận đầy sóng gió của nhân vật nổi lên. Trong Thiên thần sám hối, mốc thời gian 72 giờ cuối của cuộc thai nghén chỉ là điểm tựa cho hài nhi trải nghiệm những câu chuyện góp nhặt được trong phòng chờ đẻ của một bệnh viện phụ sản. Kể cả trong Đi tìm nhân vật và Giã biệt bóng tối, thời gian cũng chỉ là những mẩu, những mảnh được lắp ghép tình cờ, ngẫu nhiên vào nhau mà không tuân theo một thứ tự nào, cho nên mỗi người khi đọc tác phẩm của Tạ Duy Anh cũng có thể có can thiệp vào tác phẩm bằng cách đảo vị trí cho nhau, sắp xếp hợp lý tuân theo logic của riêng mình.
Từ những mẩu, những mảnh thời gian bị cắt vụn đó, thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai lại cùng đồng hiện trong thì hiện tại. Hiện tại là điểm tựa để hồi nhớ về quá khứ, ngưỡng vọng về tương lai. Từ trong nỗi cô độc, tĩnh lặng ở hiện tại, bởi những người cùng thời đã dần mai một trở về với cát bụi, không còn ai có thể đối thoại, để cắt nghĩa những biến cố trong cuộc đời lão, lão Khổ tự tìm đến sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời mình cùng những bi kịch chìm nổi vừa mới xảy ra ngày hôm qua mà giờ đã chìm sâu vào quá khứ. Trải nghiệm lần lượt qua các tâm trạng tự vấn, sợ hãi, dằn vặt, sám hối về những được mất suốt cuộc đời mình, lão cảm thấy thời thế đã thay đổi, một thời thế đầy hận thù, tranh giành, đấu đá, chém giết, sát phạt… đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp. Tương lai đã được đặt vào tay thế hệ trẻ như Hai Duy, như Tâm. Sự thúc giục con trai: “dậy, dậy đi con” không phải chỉ vì sợ nỗi cô đơn, mà lão Khổ muốn đánh thức con trai tỉnh dậy, vượt thoát khỏi vòng kiềm tỏa của cái đêm trường trung cổ mà suốt đời lão đã phải trả giá. Rốt cuộc, hiện tại mới là cái đáng quan tâm, đáng để chúng ta sống, trong khi quá khứ đã lùi xa, tương lai thì còn xa.
Nói tóm lại, việc sử dựng thủ pháp thời gian phi tuyến tính, có sự phân mảnh, lắp ghép, đảo lộn trật tự để cuối cùng đi đến thống nhất là đề cao cuộc sống thực tại. Tuy nhiên, khác với truyền thống, tác giả là người biết trước,
dẫn dắt người đọc đi từ đầu đến điểm cuối con đường, thì Tạ Duy Anh chỉ dừng lại ở hiện tại, mà tương lai phải để chính độc giả tự tìm lấy, tự làm chủ bởi mỗi người có một cách lựa chọn cuộc sống riêng của mình, không ai giống ai, và đừng đánh mất chính mình.