- Dịch vụ cung ứng thuyền viên:
2.3.1.Phân tích môi trường kinh tế
2.3.1.1. Phân tích ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng GDP
Tốc độ tăng trưởng GDP có tầm quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân quyết định tầm quan trọng này là sự tăng trưởng GDP tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu khác như tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống của người dân...
Ngày 2/4/2008, Cơ quan đại diện thường trú của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo thường niên của ADB về Triển vọng Phát triển Châu Á 2008, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo báo cáo, nhờ sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân và FDI đã giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh nhất trong khu vực Châu Á với mức tăng trưởng 8,5% trong năm 2007 – năm đầu tiên Việt Nam
gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. ADB cũng dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ giảm tốc “vừa phải” và tăng trưởng ở mức 7% năm 2008, nhưng rất có triển vọng tăng tốc trong trung và dài hạn và đạt 8.1% vào năm 2009. Theo giá hiện hành, tỷ lệ đầu tư/GDP ước đạt trên 42% trong năm 2008 (năm 2007 tỷ lệ này là 40,4%).
Bảng 2.2: Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2005 - 2008
Năm 2005 2006 2007 2008 (dự kiến)
Tốc độ tăng trưởng (%) 8,1 8,0 8,5 7,0
(Nguồn: Báo cáo thường niên của ADB về Triển vọng phát triển Châu Á từ năm 2006 đến 2008)
Năm 2008, do tác động từ “hai cơn bão” về lạm phát và suy giảm kinh tế toàn cầu đã khiến cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại nhưng chỉ là ngắn hạn. Các chuyên gia của ADB cho rằng so với sự giảm tốc của các nền kinh tế khác trong khu vực, “mức tăng trưởng 7% không phải là kém” (ADB dự báo mức tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ chậm lại ở mức 5,7% trong năm 2008).
Theo ADB, động lực cho nhu cầu trong nước có thể sẽ được duy trì thông qua tăng trưởng bền vững của luồng vốn FDI, luồng kiều hối và các khoản thu từ du lịch. Báo cáo cũng cho rằng sự chuyển đổi ổn định của Việt Nam sang nền kinh tế thị trường và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm thu hút đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực với 21,3 tỉ đô la Mỹ FDI cam kết trong năm 2007 – năm kỷ lục thu hút vốn FDI của Việt Nam. Có thể nói, con số 21,3 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2007 là kết quả tổng hòa của tất cả những nỗ lực trong 20 năm đổi mới – 20 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, đặc biệt là 10 năm trở lại đây. Đây là thời kỳ đơm hoa kết trái sau những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư của nước ta trong những năm qua. Việc áp dụng thống nhất Luật Đầu tư đối với cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài - phù hợp hơn với thực tiễn của đất nước và với thông lệ quốc tế, đã tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, theo đó, loại hình doanh nghiệp được mở rộng, đa dạng dễ dàng cho nhà đầu tư lựa chọn phù hợp với ý định kinh doanh của mình. Đây cũng là thời kỳ mà cơ sở hạ tầng đầu tư trong những năm qua đã bước đầu phát huy được tác dụng.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng cao hơn nhiều với việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Mặt khác, việc tăng cường phân cấp đã giúp cho các địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác vận động thu hút và quản lý hiệu quả hoạt động đầu tư nước ngoài. Việc cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai đồng bộ trong bộ máy quản lý hoạt động đầu tư ở các địa phương theo cơ chế liên thông một cửa và đã đạt kết quả bước đầu: thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư được rút ngắn.
Trên cơ sở quan điểm tiếp nhận nguồn vốn FDI phù hợp với khả năng tiếp nhận của nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch của cả nước và quy hoạch của từng địa phương, vùng lãnh thổ, Việt Nam đặt ra kế hoạch thu hút 15 tỷ USD vốn FDI, tập trung vào các dự án giúp Việt Nam giảm khoảng cách về phát triển với các nước trên thế giới (dự án về công nghệ cao, công nghệ nguồn, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, ...). Tất cả những điều này đã thể hiện vị thế và vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và thế giới, là một trong những tiền đề giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định và bền vững trong tương lai.
Trong bối cảnh đó ngành dầu khí cũng ảnh hưởng nhất định từ việc tăng trưởng GDP. Theo các chuyên gia, một trong những tác động tới phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2008-2012 chính là biến động giá dầu trên thị trường thế giới; giá dầu tăng có tác động hai chiều đến nền kinh tế Việt Nam do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nhưng lại là nước nhập khẩu các sản phẩm tinh chế như xăng dầu. Bên cạnh đó, các nhân tố như: tốc độ phát triển kinh tế của các đối tác thương mại, nguồn vốn đầu tư nước ngoài... đều là những biến động khó lường tác động lớn đến phát triển kinh tế trong nước.
Tốc độ tăng trưởng GDP cao đã thúc đẩy các Doanh nghiệp trong lĩnh vực Dầu khí hoạt động hiệu quả hơn. Các Công ty dầu khí nước ngoài ngày càng quan tâm và tăng cường đầu tư thăm dò và khai thác các mỏ dầu khí mới của Việt Nam. Công ty TNHH Tàu Dịch vụ Dầu khí là đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ cho ngành thăm dò, khai thác dầu khí, nên việc tăng trưởng GDP chính là cơ hội cho Công ty để cung cấp nhiều hơn các dịch vụ hiện có của mình cho các khách hàng
trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tàu dịch vụ dầu khí. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thách thức đối với ngành dầu khí trong nước nói chung và trong lĩnh vực tàu dịch vụ dầu khí nói riêng vì sự tham gia ngày càng nhiều các công ty dầu khí lớn của nước ngoài, công ty liên doanh dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Tóm lại: Việc tăng trưởng GDP tạo điều kiện tốt cho ngành thăm dò, khai thác và xuất khẩu dầu khí, là cơ hội cho Công ty PTSC Marine phát triển mạnh hơn.