a) Về thu hút nhân tài:
Ngay từ đầu thế kỷ XX, Mỹ đã quan tâm đến việc phát hiện trẻ em năng khiếu bằng cách sử dụng bộ trắc nghiệm để đo chỉ số phát triển trí tuệ (IQ) ở học sinh. Từ đó, lựa chọn những em có năng khiếu để có những hình thức giáo dục cho phù hợp hoặc “mua” nhân tài từ khi còn là học sinh phổ thông và đây là một “tuyệt chiêu”, là chính sách của Mỹ nhằm “bòn rút” cạn kiệt nhân tài của các nước.
Hiện nay, nước Mỹ muốn có ngày một nhiều hơn đội ngũ nhân tài, vì vậy Mỹ tìm mọi cách để thu hút nhân tài trên toàn thế giới. Năm 1998, Mỹ thông qua Luật về sức cạnh tranh, đây là bộ luật nhằm chuẩn bị nhân tài cho nước Mỹ. Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Mỹ là thu hút nhân tài trên toàn thế giới về Mỹ làm việc. Tính riêng tại Mỹ, trong những năm 1960 đã thu hút khoảng 15.000 bác sĩ từ các quốc gia Châu á, Châu Phi và Mỹ la tinh,
13.000 kỹ sư từ Châu á (chủ yếu là từ Trung Quốc, ấn Độ, Philipin), 5.500 nhà khoa học tự nhiên từ các nước nghèo trong số đó 2/3 có nguồn gốc từ Châu á, Châu Phi. Theo dự báo đến năm 2010, Mỹ cần 2,5 triệu lao động làm việc trong ngành công nghệ thông tin nhưng Mỹ chỉ đáp ứng được 1/2 nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do vậy, trong những năm gần đây Mỹ khuyến khích nghiên cứu sinh nước ngoài đến Mỹ học tập qua các con đường tài trợ từ các quỹ, ngân sách các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ. Kết quả là tỷ lệ nghiên cứu sinh người nước ngoài có mặt tại Mỹ hàng năm tăng 8,6% (trong khi người Mỹ gốc chỉ tăng 1,1%). Hơn 44% nghiên cứu sinh là người nước ngoài sau khi tốt nghiệp xin ở lại làm việc tại Mỹ vì được trả lương cao và được tạo điều kiện tốt để tiếp tục nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, Mỹ còn có chính sách khuyến khích các nhà khoa học có trình độ cao sang thực tập, hợp tác nghiên cứu, dưỡng bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho họ định cư tại Mỹ, trả lương cao cho các nhà khoa học này nếu có ý định ở lại Mỹ lâu dài. Từ năm 2000 - 2005 Mỹ đã thu hút khoảng 150.000 chuyên gia khoa học từ một số nước khác tới Mỹ làm việc mà không mất công đào tạo. Với Luật về sức cạnh tranh của Mỹ thực chất là đang chiếm đoạt nhân tài trên thế giới, nhất là nhân tài ở các nước đang phát triển.
Mỹ đã thực hiện chính sách cấp học bổng cho lưu học sinh đến học và trả lương cộng với tiền thưởng cao để thu hút nhân tài trên toàn thế giới đến Mỹ học tập và nghiên cứu. Trong đó, đặc biệt ưu tiên những người nghiên cứu về các môn khoa học cơ bản và khoa học công nghệ cao. Vì vậy, tính trung bình số cán bộ khoa học không phải quốc tịch Mỹ ở lại Mỹ chiếm 52%[8]. Mỹ đã thực hiện chính sách trả lương cao cho các nhà khoa học là người nước ngoài đến làm việc tại Mỹ, ví dụ: lương của giáo sư đại học ở Việt Nam khoảng 2500 USD/ năm thì giáo sư đại học ở Mỹ khoảng 50.000 USD đến 150.000 USD/ năm - một mức lương qúa chênh lệch. Vì vậy, nếu có cơ hội thì các giáo sư ở các nước có thể sẽ sang Mỹ để giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Nhìn vào con số các nhà khoa học nước ngoài làm việc và nghiên cứu tại Mỹ có thể giải đáp phần nào câu hỏi tại sao trong nhiều năm nước Mỹ luôn đứng đầu thế giới. Với chính sách thu hút nhân tài trên thế giới đến Mỹ làm việc đã tạo cho nước Mỹ vị trí số một trên thế giới trong những năm cuối thể kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI.
b) Về sử dụng nhân tài:
Nguyên tắc cơ bản trong chính sách sử dụng nhân tài của Mỹ là dựa vào thành tích học tập, quá trình công tác và kết quả hoàn thành công việc. Lương của công chức tuỳ thuộc vào năng lực thực tế và tăng theo niên hạn hàng năm, ngoài ra có sự tăng giảm lương căn cứ vào kết quả kiểm tra thành tích cũng được tiến hành hàng năm. Việc phân loại kết quả hoàn thành công việc theo ba mức: Tốt, khá, kém. Loại tốt là hoàn thành vượt mức quy định công việc được tăng thêm 1 bậc lương, loại khá là hoàn thành công việc giữ nguyên lương, loại kém là không hoàn thành công việc bị hạ lương, hạ bậc, miễn chức. Nhờ cách quản lý này mà số công chức ở Mỹ đều nỗ lực và tự giác làm việc và kết quả hoàn thành tốt công việc ở Mỹ hàng năm đạt 98%.
Về chính sách đối với những người qua đào tạo thì người có bằng cấp và trình độ cao được hưởng mức lương cao, mới tốt nghiệp đại học đựơc xếp ở bậc 3, nhưng có bằng tiến sĩ được xếp bậc 11. Việc xếp bậc lương còn tuỳ thuộc vào mức độ tốt nghiệp. Ví dụ: Người tốt nghiệp đại học loại giỏi xếp lương bậc 5, tốt nghiệp loại ưu xếp lương bậc 7. Ngoài tiền lương, cán bộ công chức Mỹ còn có tiền thưởng và tiền trợ cấp tuỳ theo thành tích và điều kiện công tác.
Việc nâng cấp, đề bạt chức vụ ở Mỹ được chia làm hai loại, một là nâng cấp nội bộ, hai là nâng cấp bên ngoài, có nghĩa là cho phép cả người ngoài cơ quan được tham gia thi nâng bậc, trường hợp xuất sắc được thăng chức. Nếu như việc quyết định thăng chức của thủ trưởng các ngành không công bằng hoặc mưu cầu lợi ích cá nhân, nhân viên hoặc công chức có thể gửi đơn tố cáo hoặc khiếu nại lên uỷ ban bảo hộ thành tích để uỷ ban này thẩm tra quyết định hoặc cho cải chính.
Đối với các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và các trường học, trong quá trình sử dụng lao động, Mỹ áp dụng chế độ thi tuyển rất nghiêm ngặt, ký hợp đồng, thường xuyên xem xét, đánh giá kết quả lao động, theo sự cống hiến và giá trị tri thức được ứng dụng. Nước Mỹ hiện có hơn 720 cơ sở thực nghiệm phát triển KH&CN thuộc các viện nghiên cứu liên bang, đây là lực lượng nghiên cứu phát triển lớn thứ hai sau các trường đại học ở Mỹ. Tại đây các cán bộ nghiên cứu được trả lương theo kết quả nghiên cứu được ứng dụng, hoặc tính theo phần trăm lợi nhuận của các sản phẩm đựơc ứng dụng mà kết quả nghiên cứu mang lại, nhờ đó mà thu nhập thực tế của các nhà khoa học Mỹ rất cao.
Với cách thức sử dụng các cán bộ khoa học và các công chức theo nguyên tắc công khai, chặt chẽ, minh bạch, nước Mỹ đã tạo ra động lực để những người tài năng luôn quan tâm đến việc đạt kết quả cao và phấn đấu suốt đời vì sự nghiệp khoa học. Chính nhờ chính sách sử dụng nhân tài tốt đã tạo nên môi trường thi đua lao động sáng tạo của các nhà khoa học. Vì vậy, từ năm 1990 đến năm 1998 các nhà khoa học Mỹ đã đạt 54 giải thưởng Nobel và những năm gần đây các giải Nobel khoa học chủ yếu được trao cho những người mang quốc tịch Mỹ, trong số các giải thưởng này có nhiều nhà khoa học là người gốc nước ngoài định cư ở Mỹ. Điểm đặc biệt ở Mỹ là trọng dụng tất cả những người tài thuộc các màu da, các tôn giáo.