Nhật Bản là nước bại trận sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với nền kinh tế kiệt quệ bởi chiến tranh tàn phá, 34% thiết bị máy móc, 25% cơ sở hạ tầng, 81% tàu biển bị phá huỷ, lạm phát gia tăng, giả cả đắt đỏ, trên 13 triệu người thất nghiệp[10, tr 19], cộng với điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt và hầu như không có khoáng sản. Nhưng nhờ chiến lược phát triển đất nước đúng đắn, đó là dựa vào khoa học kỹ thuật, công nghệ, mà cốt lõi là dựa vào trí thức, dựa vào nhân tài mà nền tảng là phát triển giáo dục, đến nay Nhật Bản không những là nước có tiềm lực kinh tế lớn mà còn có tiềm lực khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại vào loại bậc nhất, nhì của thế giới.
a) Về thu hút nhân tài:
Cùng với cuộc chạy đua với Mỹ và một số nước phát triển khác về thu hút nhân tài, Nhật Bản đang đẩy mạnh thực hiện “Kế hoạch lĩnh vực mới của
nhân loại”, phấn đấu thực hiện mục tiêu thu hút từ nước ngoài với số lượng
bằng 1/3 nhân tài mà họ đang thiếu hụt.
Nhật Bản tăng số học bổng để thu hút cán bộ trẻ có triển vọng sang đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ và có chính sách ưu đãi về lương và điều kiện làm việc để thu hút số lưu học sinh này sau khi đào tạo ở lại Nhật Bản làm việc. Trong chính sách tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài, Nhật Bản áp dụng biện pháp xúc tiến cải cách cơ cấu đại học, coi trọng nâng cao chất lượng, tăng cường sức cạnh tranh quốc tế, cải thiện các chính sách và thể chế để thích hợp rộng rãi với lưu học sinh nước ngoài, tăng cường sự giúp đỡ của Chính phủ và các doanh nghiệp đối với lưu học sinh.
Nhật Bản đã đầu tư 100 tỷ Yên để khởi động xây dựng “làng nghiên cứu giao lưu đại học quốc tế” vào năm 2001, làng này là trung tâm sáng tạo trí thức mới, nhằm mục đích đưa Nhật Bản có những bước tiến quan trọng về KH&CN cao trong thế kỷ XXI và cũng là cơ sở quan trọng để tiếp nhận lưu học sinh cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ ở các nước đến học tập và nghiên cứu.
Nhờ những chính sách phát triển nhân tài của Nhật Bản rất thành công trong nhiều năm qua đã đưa đất nước Nhật Bản từ một nước lạc hậu, thiếu tài nguyên trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới.
b) Về sử dụng nhân tài:
Nhật Bản rất chú trọng đến chính sách sử dụng nguồn nhân lực, điều đó được thể hiện ở hai nguyên tắc cơ bản được quy định trong Luật dịch vụ công quốc gia, đó là: Nguyên tắc năng lực thực tế và nguyên tắc đối xử công bằng. Hai nguyên tắc này được áp dụng trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm, tăng chức và bãi miễn công chức. Nguyên tắc năng lực thực tế được quy định là việc lựa chọn phải dựa hoàn toàn trên kết quả kiểm tra đối với mỗi cá nhân. Kết quả công tác và khả năng làm việc thông qua việc đánh giá chất lượng
công việc và các quá trình tương tự khác. Việc áp dụng nguyên tắc này nhằm mục đích hạn chế việc kế nhiệm kiểu cha truyền - con nối, đưa người nhà vào làm việc hay dựa vào những thế lực chính trị nhằm đảm bảo tính dân chủ và hiệu quả của dịch vụ công từ phía Chính phủ.
Một nguyên tắc được áp dụng khá phổ biến và dường như thành thông lệ ở Nhật Bản đó là việc tuyển dụng dài hạn đối với những người làm việc trong các cơ quan nhà nước và đã là công chức nhà nước thì phải biết nhiều việc. Điều đó có nghĩa khi một người đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tuyển dụng thì sẽ được tuyển vào làm việc suốt đời trong các cơ quan nhà nước. Khi tuyển dụng công chức vào làm việc, Nhật Bản thực hiện biện pháp giao những công việc khó khăn phúc tạp để thử thách rèn luyện cán bộ trẻ, giúp họ nhanh chóng trưởng thành, giáo dục tinh thần tận tuỵ trong công việc, tính kỷ luật cao.
Điểm nổi bật ở Nhật Bản hiện nay đối với công chức là thời gian giữ một vị trí thường từ 2 - 3 năm và càng lên cao, càng phải luân chuyển vị trí, lĩnh vực công tác nhiều lần. Việc luân chuyển vị trí còn được coi là bồi dưỡng công chức, để công chức nắm được công việc, thu nhận được kiến thức và kỹ năng đa dạng. Công chức ở Nhật Bản tuy có số lượng ít nhưng rất tinh thông nghề nghiệp, xu thế ở Nhật là ngày càng giảm số lượng công chức. Việc cắt giảm biên chế công chức được thực hiện theo Luật Quản lý biên chế, Luật công chức quốc gia. Đầu mối để giải quyết vấn đề biên chế là Viện nhân sự quốc gia Nhật Bản (viện này giống như Bộ Nội vụ ở Việt Nam) trên cơ sở điều tra cán bộ của các bộ ngành, sau đó công bố công khai nhu cầu tuyển dụng và tổ chức thi tuyển quốc gia đối với môn thi viết và trắc nghiệm nghiêm túc.
Đối với các trí thức làm việc tại các doanh nghiệp, Nhật Bản thực hiện chính sách trả thu nhập rất cao cho các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật có trình độ cao. Ngoài lương, Nhật Bản thực hiện chế độ khen thưởng tuỳ theo giá trị sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhất là những người có bằng phát minh sáng chế, tất cả những người đóng góp sáng kiến đều có tiền thưởng ở các
mức độ khác nhau tuỳ thuộc vào giá trị được áp dụng trong cuộc sống và sản xuất. Đặc biệt, Nhật Bản luôn đề cao giá trị truyền thống theo một trật tự trên dưới rõ ràng và tôn vinh những người tài năng. Trong quá trình sử dụng, các nhà quản lý luôn tìm cách động viên khuyến khích những người dưới quyền tích cực làm việc và phát huy hết tài năng sáng tạo của mình, đồng thời cũng rất nghiêm khắc với những hành vi gian lận, dối trá.
Gần đây, để phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động, nhất là những người trẻ mới đựơc đào tạo, Nhật Bản ban hành chính sách hỗ trợ những người bắt đầu sản xuất và kinh doanh bằng cách tổ chức nhiều khoá huấn luyện tay nghề và nghiệp vụ kinh doanh qua các trung tâm huấn luyện, trong hai năm 2002 - 2003 đã có khoảng 20.000 người được huấn luyện và 160 cơ sở sản xuất kinh doanh mới được thành lập, đều được nhà nước hỗ trợ bằng cách giúp đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực. Đặc biệt là nguồn nhân lực từ ngành KH&CN chất lượng cao.