Trong thế kỷ XXI, cạnh tranh giữa các nước sẽ là cạnh tranh về sức mạnh tổng hợp quốc gia, mà thực chất là những “cuộc chiến” trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, văn hoá, nguồn nhân lực và nhân tài. Nước nào có ưu thế về trí thức và nhân tài sẽ có thể tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước, đứng vững và phát triển mạnh mẽ. Thế giới đang bước vào một cuộc chiến “tranh giành nhân tài”, các nước phát triển, nhất là Mỹ đang tìm cách thu hút nhiều trí thức có trình độ cao trên thế giới. Một nhà kinh tế nổi tiếng của Mỹ nói rằng: “vũ khí cạnh tranh chủ yếu trong thế kỷ XXI là giáo dục và kỹ năng của người lao động”. Nhật Bản, cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới cũng đã chỉ ra rằng: “có đào tạo bồi dưỡng được thế hệ trẻ Nhật Bản có đạo đức, có tinh thần sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của thế kỷ XXI hay không, điều này sẽ quyết định vận mệnh tương lai của Nhật Bản”.
ở Châu á, người ta nhận thấy từ giám đốc cao cấp của các doanh nghiệp, công trình sư, kế toán trưởng cho đến nhân viên tiếp thị, từ giáo sư ở các trường đại học đến các chuyên gia công nghệ, hầu như ngành nào, lĩnh vực nào cũng thiếu nhân tài. Mặt khác, tình trạng “chảy máu chất xám” ở các
nước đang phát triển sang các nước phát triển ngày càng nhiều mà chủ yếu là sang Mỹ.
Có thể nhận định rằng, trong thế kỷ XXI, các nước muốn phát triển cần phải đẩy mạnh phát triển giáo dục, coi trọng bồi dưỡng, đào tạo nhân tài, nhưng quan trọng hơn cả là phải có chính sách giữ lại nhân tài, thu hút và sử dụng tốt nhân tài. Lịch sử thế giới đã chứng minh tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài, phát huy tác dụng và sử dụng tốt nhân tài là điều kiện quan trọng để giữ lại nhân tài.
Trong tương lai, cuộc tranh giành nhân tài sẽ còn quyết liệt hơn, cơ hội thu hẹp khoảng cách giữa các nước đang phát triển về mặt KH&CN, kinh tế nằm ở điểm then chốt là có bồi dưỡng, đào tạo, thu hút nhân tài và sử dụng tốt nhân tài hay không. Đây là một nhiệm vụ lớn đang đặt ra cho tất cả các nước, trong đó Việt Nam không là ngoại lệ.
Để tìm hiểu kinh nghiệm thu hút và sử dụng nhân tài ở một số nước tiên tiến, chúng ta lựa chọn một số nước phát triển kinh tế, KH&CN đó là : Mỹ, Nhật Bản đặc biệt là kinh nghiệm của Trung Quốc.