Nhân vật mang “lỗ thủng” nhân cách và niềm tin

Một phần của tài liệu tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 52)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Nhân vật mang “lỗ thủng” nhân cách và niềm tin

Văn chương tự nó là một cách làm mới cuộc sống.

Nhưng làm mới văn chương phụ thuộc vào cách viết của mỗi người. Sau năm 1975, nền văn học Việt Nam thực sự có rất nhiều khởi sắc. Có thể nói, “Chưa bao giờ văn chương phát triển mạnh mẽ như bây giờ và cũng chưa bao giờ, nhà văn được thành thật như bây giờ” [30]. Trên nền thời đại

bộn bề đa sự, đa đoan ấy, văn chương vẫn hút nhựa từ cuộc sống để đem lại những sáng tác đa diện nhiều chiều. Đổi mới trong văn chương, nói như Nguyên Ngọc, đó là trào lưu mạnh dạn phơi bày cái tiêu cực của xã hội, nhận thức lại cái nhìn của lịch sử. “Nói lên sự thật trần trụi, đưa ra khỏi bóng tối, phơi bày ra trước mắt mọi người tất cả những tiêu cực của xã hội, của đời sống đất nước sau chiến tranh, các mặt trước nay vẫn bị dồn nén lại, che dấu cẩn thận”.

Trung Trung Đỉnh không chỉ dành tâm huyết của mình cho những tiểu thuyết viết về chiến tranh, mà mảng đề tài thế sự cũng được ông quan tâm. Với Ngược chiều cái chết, Tiễn biệt những ngày buồn và đặc biệt là tiểu

thuyết Ngõ lỗ thủng đã thể hiện sự riêng biệt, độc đáo của một nhà văn luôn coi trọng đến trạng thái sống. Những tiểu thuyết này đều được sáng tác trong giai đoạn mà ngọn gió đổi mới vừa thổi lên trong nước. Khi cuộc sống được nhìn, được thấy, được nghĩ ở cả bề rộng và đáy sâu của nó. Và khi ấy văn học cũng nhìn nhận con người gần gũi, sâu sắc và nhân tình hơn.

“Tiểu thuyết là thể loại văn chương duy nhất đang biến chuyển và còn chưa định hình” (M.Bakhtin). Diện mạo tiểu thuyết Việt Nam sau đổi mới với rất nhiều những gương mặt đáng chú ý như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh…Nếu như ở Phạm Thị Hoài là câu chuyện về một thế giới vô hồn rất ít sự gần gụi mang tính người, về những cuộc chia tay. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương ám ảnh bởi sự khủng hoảng niềm tin của con người, của nhà văn vào con người và cuộc đời, sự đổ vỡ của những trật tự đời sống xã hội và gia đình, sự ngắc ngoải ngưng đọng của đời sống, sự đánh mất bản ngã, phương hướng, sự băng hoại đạo đức, sự đau đớn bơ vơ, tình trạng bất an của con người. Tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà thể hiện cái nhìn về một đời sống hỗn loạn, đổ vỡ. Văn chương Tạ Duy Anh là nỗi khắc khoải đi tìm bản ngã, tìm một giá trị thật sự nhân bản trên cái đời sống đổ nát, điêu tàn, là sự

loay hoay lý giải, hoá giải những nỗi đoạ đầy con người từ tiền kiếp. Nhìn đời sống như những mảnh vỡ, nếu tiểu thuyết Hồ Anh Thái thể hiện tinh tế những nỗi hoang mang về con người thì mối quan tâm của Trung Trung Đỉnh lại là vấn đề “lỗ thủng” nhân cách trong mỗi con người. Vấn đề này được ông đặt ra đầu tiên trong Tiễn biệt những ngày buồn. Cuốn sách được viết vào những ngày sôi sục của cao trào đổi mới, chứa đựng những suy tư trăn trở tâm huyết của tác giả. Đời người ta khi đặt hết niềm tin vào một cái gì đến khi nhận ra đó là thứ giả, thứ vô ích thì cuộc đời còn gì là niềm tin. Sống ở trên đời có khó khăn đến đâu chỉ cần có tình cảm với nhau là vượt qua hết. Đó là quan niệm của những nhân vật trong tác phẩm này. Mặc dù thực tế là khi họ mang niềm tin, tình cảm đó để đi xin việc, đi nhờ vả thì chẳng ai đón nhận cả. Sự sụp đổ niềm tin đến không chỉ với nhóm bạn này, mà ngay với cả bà Điếc, một nhân vật có tên mà đã thành không tên trong đời sống.

Bà cụ Điếc tấm thân quăng quật trong đời đi đâu cũng thu thu dấu túi vải đựng đôi khuyên tai, bỗng chốc cuối đời bà phát hiện ra đó là vàng giả. Sự sụp đổ ấy, còn ghê gớm hơn cái chết. Bà Mão quanh năm khói hương thờ phật nhưng phật đâu có phù hộ cho bà, suốt đời bà cứ phải sống dựa vào người khác. Nhân vật Ron cung cúc cả đời lo cho sự nghiệp lớn, cứ nghĩ các “Cấp

trên nói là đúng, đúng là làm, không sai”. Ron từ một cán bộ hành chính được gắn cho cái chức phó phòng để dễ bề sai khiến, nên đã ngộ nhận mà hành sự công việc một cách thái quá. Bản chất con người anh là thật thà, luôn tự hào với quá khứ có hai mươi ba năm quân ngũ, hai mươi tuổi Đảng nhưng cứng nhắc, duy ý chí, bỏ mặc vợ con nheo nhóc ở quê, sống độc thân như một người lập dị, bị lợi dụng làm con rối bùng xung cho thiên hạ đàm tếu rốt cuộc ra về tay trắng, trở thành một anh chàng ngớ ngẩn, mất hồn. Xoay viết văn, tin vào những điều tốt đẹp, những giá trị thiêng liêng nhưng phải trốn chạy thực tại, ngao ngán cuộc đời. Họ, các nhân vật trong truyện đều bị “chấn lột”, bị

đánh cắp cả mặt tinh thần và thể xác. Uất quá Ron ra sinh sự với ông già bán vé số vì cứ nghĩ ông ta là căn nguyên của mọi sự cùng quẫn của mình. Anh mua vé số suốt năm năm liền mà không trúng lần nào. Thì ra lão ta lừa anh. Hóa ra không phải như vậy và anh đã được lão truyền cho một kinh nghiệm để đời “Ở đời ta tin vào cái gì nhất, nếu không đạt được ý muốn, ắt phải nhanh

chóng mà tỉnh táo nhận ra. Chính cái đứa mà ta tin, nó lừa ta đấy” [21;309].

Nói lỗ thủng niềm tin nghe có vẻ to tát nhưng thực tế là như vậy. Nhưng ngày tháng đó sao mà buồn quay quắt. Những lỗ thủng nằm sâu trong mỗi con người mà không dễ gì có thể hàn gắn được.

Có những cái chết muốn truy tìm được nguyên nhân của nó thì phải ngược về quá khứ. Ngược chiều cái chết để lý giải nguyên nhân sự ra đi của Rơ Lan Thương. Viên đạn nghiệt ngã ấy như là một hành trình tất yếu. Nói đúng ra, chính những suy nghĩ sai lầm trong cách cư xử của người bố đã gây ra cái chết cho người con. Đêm đêm người bố đã thôi cương vị lãnh đạo chỉ biết tới vườn nhà lầm rầm với bức tượng của đứa con do chính ông tạc ra. Qúa khứ trĩu nặng hiện tại cho dù hiện tại đã bắt đầu học được những bài học quý giá. Ông đã tìm ra con đường để tự nhận thức thật đẹp không phải ai cũng tìm ra.

Những năm 80 của thế kỷ trước, khi toàn dân ăn bo bo và “đầu đường

đại tá bơm xe” đã để lại những kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là thời kỳ lột

xác với lớp người đau đớn, trày trụa trong cuộc chuyển đổi, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã cho ra đời tiểu thuyết gây xôn xao dư luận, lần đầu tiên xuất bản với cái tên Truyện tình Ngõ lỗ thủng. Trong ngõ tối chật hẹp đó, cuộc sống của những nhà văn, nhà báo, cán bộ viên chức đang sinh sống, cùng dân đạp xích lô bán vé số, phe phẩy và người về hưu, đang hàng ngày phải đối mặt với bao chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền vì cuộc sống gia đình. Tất cả đều diễn ra trong cái ngõ chật chội, bụi bặm, nhếch nhác. Mỗi người đều mang một tính cách khác nhau, vô tình hình thành những “lỗ thủng” trong tư duy mà

chẳng mấy ai quan tâm, để mà khắc phục. Chính nơi đây tồn tại một nền văn hóa “ngõ lỗ thủng”. Những người thành đạt những bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo thường nhanh chóng tìm cách thoát khỏi cộng đồng. Còn lại cứ chiều chiều dám dân trong ngõ đều hết thảy ra đây, qua cái lỗ thủng để tiến hành những phi vụ của mình. “Người câu trộm cá, hái trộm hoa, bưng trộm cây cảnh, hái

trộm củi cắt cỏ. Người bê mẹt ô mai, thuốc lá kẹo cao su, bán cho đôi nam nữ ngồi ghế đá. Lại có những người chờ đợi nhá nhem tối, vào đó hành nghề son phấn” [20;10]. Nó chính là cửa ngõ mở ra thế giới bên ngoài của người dân

nơi đây. “Nó chấp chới xềnh xoàng, nó nham nhở hôi hám vì cái rãnh nước

chạy dọc theo đường công viên đen ngòm bốn mùa” [20;10]. Không phải là

người ta không bít nó lại mà đã rất nhiều lần nó được ký quyết định xây bít. Nhưng chỉ cần sơ suất một tí, thế là những viên gạch cứ như phép thần, bỗng dưng bục ra một lỗ nhỏ. Rồi một viên, hai viên, cứ từ từ bục ra khiêm tốn và quyết liệt. Mặc dù cái lỗ thủng ấy đang nuốt trong mình bao nhiêu số phận không hồn hôi hám và bệnh hoạn. Trong từng con người sống ở đây: anh Gù, cô Hạnh, bố con nhà thằng Minh… là những lỗ thủng của cuộc sống. Anh Gù là một nhân vật khá đặc biệt ngồi bán nước lại có uy danh hơn một người

"chức trọng", người tử tế cũng nể anh, kẻ bặm trợn, bụi đời cũng nể anh một

phép, anh thường làm nhiệm vụ của một kẻ giữ “cán cân công lý” đứng ra xử lý hết những nhỏ to của khu phố, mà chỉ giải quyết bằng sức mạnh tinh thần. Anh là người có cái lưng gù và mặt nham nhở sẹo. Nhưng ẩn sâu trong con người xấu xí ấy lại là một trái tim biết đập những nhịp đập mạnh mẽ, một tình yêu đơn phương, vô vọng trong ước muốn được người mình yêu đáp lại. Gù nghĩ rằng tình yêu không thể có với một kẻ tật nguyền như anh. Gù rơi vào chính bi kịch của cuộc đời mình. Còn Hạnh, một con người thẳng thắn, nhiệt tình, dám làm mọi việc miễn sao thoát khỏi cảnh nghèo lại không hề quan tâm đến tình yêu. Không phải là cô không khao khát hạnh phúc như bao người phụ nữ khác. “Cô cũng đã từng đi tìm tình yêu, nhưng rốt cuộc tình yêu làm gì có.

Đứa nào nói đến tình yêu với cô, đứa ấy là đứa lừa lọc, đểu giả nhất” [20;41].

Tất cả đã đẩy cô vào con đường mà giờ đây cô không thể khác được. Có lẽ cuộc đời cô sẽ khác nếu như cô không gặp những bất hạnh trong cuộc sống, nếu như cô không lớn lên trong ngõ lỗ thủng này và nếu như cô đừng buông xuôi, đừng nhìn cuộc đời chua chát như vậy.

Trong cái ngõ lỗ thủng tăm tối và nhếch nhác đó, Gù là người chủy huy và lãnh đạo những con người này. Thằng Minh thì làm bất cứ việc gì, miễn là có tiền, không phải nghĩ ngợi. Nó chỉ mong người ta hô hào xây bít lỗ, nó sẽ có công việc làm ăn vì xây cũng là nó mà phá cũng là nó. Còn thằng Hà choắt sống bằng nghề lấy trộm củi công viên.Vợ chồng lão Hợi thì suốt ngày đánh nhau, cãi lộn, đấm đá không còn phép tắc trong gia đình, những cuộc cãi lộn đó chỉ đến khi có sự can thiệp của anh Gù mới chấm dứt. Có tới hàng trăm, hàng ngàn lỗ thủng tồn tại trong ngõ Thắng Lợi này. Không thể không nhắc tới bà Còng, người tổ trưởng dân phố. Bà luôn hăng hái trong việc vá lấp cái lỗ thủng, bà cứ thả sức xây bịt nhưng chỉ được hôm trước hôm sau, đúng chỗ đó bức tường lại ngoác miệng như cũ. Tất cả là sự thật, một sự thật đôi khi làm ta hoang mang, thất vọng, khó chấp nhận nhưng cần phải dũng cảm nhìn nhận bởi đó là cách duy nhất để chúng ta cải tạo và làm thay đổi cuộc sống này.

Trong cái "ngõ lỗ thủng" ấy còn có hai nhân vật trí thức, nhưng cũng mang trong mình những lỗ thủng nhân cách. Ngài tiến sĩ, nhân vật mang lỗ thủng của tri thức, học vấn, một dối trá bịp bợm, bất lực. Bên ngoài ông ta là một trí thức có tên tuổi, một nhà khoa học có những ý tưởng lớn lao, liên tiếp được các trường đại học mời đi giảng, nhiều cơ quan mời tới nói chuyện. Báo chí viết về anh ta như là một nhà khoa học nhiều ẩn số, con người ấy một thời đã được người vợ trẻ tự hào và hãnh diện, nhưng thực chất người đàn ông ấy lại là “ngài tiến sĩ giấy, một nhà báo nửa mùa, một trí thức dỏm,

cả vợ ông ta “cái con người ngu dốt trong sáng thông minh, độc ác và yếu

đuối ấy” [20;109]. Vẫn không còn con đường nào khác là phải chung sống

với một bóng ma. Mặc dù mọi việc làm của bà ấy ông đều biết, nhưng ông không hề có một biểu hiện phản ứng. Ông chuyển sang nhà báo như một cuộc chạy trốn. “Cái vực thẳm đầy rắn rết và thú dữ, nó vẫn luôn há cái

miệng đen ngòm đợi chờ ông trượt ngã. Có lẽ ông đã sa chân rồi, nhưng vì ông còn cố túm giữ lại chút công việc, chút bạn bè, chút triết lý mộng mơ của kẻ thất bại” [20;89]. Đó là nỗi buồn.

Nhà báo Bình có lẽ cũng không khác gì nhiều ông tiến sĩ, “Điều duy

nhất tôi biết về cậu là cậu rất thân với ông ấy. Lắm lúc tôi cứ nghĩ về cậu cũng giống như chồng tôi, cũng giống như cái lũ đàn ông đê tiện, chỉ biết hưởng thụ chứ không biết sự thực cái mà người khác đang hưởng thụ ấy do đâu” [20;67], người vợ của ông tiến sĩ đã nói với Bình như vậy trong một

lần gặp gỡ. Với Bình đó là bi kịch của một kẻ đã đánh mất mình, đánh mất tất cả và kết thúc bằng một cuộc chạy trốn. Là một trí thức nhưng nhiều lúc anh ước mình được như anh Gù, hằng đêm trong những giấc mơ anh vẫn thấy Gù và Hạnh tra vấn mình. “Tao tưởng mày tử tế, hóa ra không. Mày

được đi Tây và mày cho rằng đây là dịp tốt nhất để mày chạy trốn khỏi những lỗi lầm…Xin chào những con người có cái đầu khỏe mạnh, hai chân hai tay khỏe mạnh cùng với muôn vàn luận thuyết đầy triết lý vặt để che dấu sự bẩn thỉu của mình” [20;80].

Tóm lại là một lỗ thủng to tướng về nhân cách. Điều nghịch lý là lỗ nhưng lại túm buộc, giam cầm chứ không phải giải thoát. Muốn thoát ra thì phải bít cái lỗ thủng ấy lại nhưng có bít được không ? làm cách nào mà bít. “Sự thực thì người ta không thể xây nó nếu như đám dân trong ngõ chúng tôi

vẫn còn đây, vẫn phải sống tiếp theo ngột ngạt trong cái hẻm bùn lầy này”

[20;91]. Chính nhân vật tôi, nhà báo trong truyện đã không dưới một lần chiêm nghiệm điều này. Đến súng cũng không giải quyết được vấn đề.

Lỗ thủng đâu phải là cái lỗ đục tường làm nơi qua lại công viên, lỗ thủng nằm ngay trong từng con người sống ở cái ngõ đó. Thực tế là chúng ta đã quá nhiều năm sống mà không dám nhìn thẳng vào sự thật, nhất là cái sự thật trớ trêu và khắc nghiệt. Chính cái sự không thật, không trung thực đó đã gây tai họa khôn lường cho xã hội. Dù có thể đau lòng khi nhắc đến quá khứ, nhưng vẫn cần nhìn lại để nhắc nhau nhiều điều. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân cách con người vẫn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Đó là cảnh báo về những lỗ thủng trong nhận thức, những lổ thủng về văn hoá và lỗ thủng lớn nhất là lỗ thủng về niềm tin.

Một phần của tài liệu tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 52)