Tiểu thuyết như những trải nghiệm

Một phần của tài liệu tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 30)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.3. Tiểu thuyết như những trải nghiệm

Trong cuộc đời cầm bút, mỗi người đều dành tâm huyết của mình cho những mảng đề tài, những “vùng hiện thực” khác nhau. Có lẽ đối với những nhà văn đã từng khoác áo lính thì chiến tranh luôn là vùng ký ức sâu đậm không thể phai mờ. Nó luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi để rồi mỗi lần cầm bút ký ức đó lại ùa về trên những trang sách. Mỗi người có một cách tiếp cận,

một cách nhìn khác nhau về hiện thực chiến tranh nhất là đối với những tác phẩm ra đời từ sau 1975. Thân phận tình yêu là cách nhìn chiến tranh “của riêng anh”, “không phải sử thi truyền thống” như Nguyễn Kiên nhận xét.

Mùa trái cóc ở miền Nam của Nguyễn Minh Châu là một sự trải nghiệm:

“Tôi biết sau trận đánh lịch sử cuối cùng ấy đã chứa đựng biết bao chuyện thật chuyện giả dối đến đau lòng. Cái sự thật nghiệt ngã sẽ lắng đọng mãi mãi trong trí nhớ những thằng lính đang ngồi với tôi đây nhưng nay mai sẽ mỗi đứa một ngả”. Chỉ có điều xử lý hiện thực đó như thế nào lại phụ thuộc vào suy nghĩ của từng nhà văn. Trong văn chương hiện thực tất nhiên không phải được miêu tả theo logic thông thường mà có thể chỉ là phương tiện để diễn tả suy nghĩ, chiêm nghiệm và cả sự phiêu lưu bút pháp trong khát vọng chiếm lĩnh cái thế giới vô cùng rộng lớn và nhiều bí ẩn này. Chính những vùng hiện thực quen biết vốn có ấy sẽ có một giá trị thẩm mĩ mới nhờ thái độ trung thực và vốn sống của nhà văn.

Trung Trung Đỉnh - nhà văn của vùng đất Tây Nguyên. Tây Nguyên mà cụ thể là Gia Lai, đã trở thành phần máu thịt của ông. Chiến tranh và Tây Nguyên là một phần cuộc sống của ông. Chính vì vậy mà hầu như tất cả những sáng tác của Trung Trung Đỉnh bao giờ cũng nói đến vấn đề này ngay cả khi ông viết những tác phẩm về đề tài đương đại. Những người không chịu

thiệt thòi, Ngược chiều cái chết, Lạc rừng, Tiễn biệt những ngày buồn, Sống khó hơn là chết, cả năm tác phẩm là đều ký ức về chiến tranh và Tây Nguyên.

Vào lính tháng 4 năm 1968. Tháng 12 vào đến Quảng Nam giáp Lào bị sốt rét, sau đó ra viện rồi vào tỉnh đội Gia Lai và trở thành lính địa phương ở huyện đội An Khê vùng đất của người Ba Nar. Ông làm công tác tuyển tân binh người dân tộc, làm tuyên truyền cho ban tuyên huấn tỉnh đội, từ anh chiếu phim đến đưa đường cho các bác làm văn nghệ đi thực tế cơ sở. Chính những ngày tháng sống và chiến đấu đó đã đưa ông trở thành một người con của vùng đất Tây Nguyên. Cuộc hành trình đi tìm sự hòa nhập với công đồng Gia

Lai vốn dĩ có sự vênh nhau về nền văn hóa nay đã giúp ông hiểu ra rất nhiều điều từ phong tục tập quán đến lối sống của những con người nơi đây.

Lạc rừng cuốn tiểu thuyết được đánh giá là thành công nhất của ông từ

trước đến nay đề cập trực tiếp đến vùng đất Tây Nguyên. Tác phẩm được xây dựng trên cái nền của một cuộc chiến tranh du kích ở chiến trường Tây Nguyên gian khổ trong kháng chiến chống Mỹ. Ở Lạc rừng chúng ta được làm quen với văn hóa con người Tây Nguyên qua quan sát và cảm nhận của Bình. Cuộc chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên được Trung Trung Đỉnh thể hiện một cách chân thực, sinh động và giàu cảm xúc. Điều này chỉ có được khi tác giả của nó đã từng sống, chiến đấu và trải nghiệm qua nó. Một bức tranh văn hóa về con người Tây Nguyên gần gũi đầy bí ẩn được thể hiện một cách chân thực và đầy màu sắc qua tác phẩm chưa đầy 200 trang. Thực chất

Lạc rừng là những trải nghiệm và hồi ức của một anh lính từng dâng hết tuổi

thanh xuân của mình cho núi rừng Tây Nguyên.

Ngược chiều cái chết cũng là một tác phẩm nữa của Trung Trung Đỉnh

viết về mảnh đất này. Chỉ khác là bối cảnh của nó là sau khi hòa bình, người dân nơi đây bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ sống ở Tây Nguyên trong thời gian chiến tranh mà ngay cả sau nay khi hòa bình ông vẫn thường xuyên trở lại vùng đất này, bởi đó là quê hương thứ hai của ông, về đây ông như tìm lại chính những quãng đời tuổi trẻ của mình và để tìm lại cảm xúc cho sáng tác. Trung Trung Đỉnh tâm sự rằng : “Tôi thấy mình không thể thoát

khỏi đề tài chiến tranh”, viết cái gì rồi tôi cũng quay về đó. Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất trong đời tôi. Đó là toàn bộ tuổi trẻ của tôi. Đó là số phận, không thể anh muốn thế nào cũng được” [23;22]. Cho đến những tác phẩm đề cập đến

cuộc sống đương đại như Tiễn biệt những ngày buồn, Ngõ lỗ thủng, Sống khó

hơn là chết thì ông vẫn không dứt ra được khỏi cuộc chiến tranh. Nhân vật của

ông vẫn bị day dứt ám ảnh bởi quá khứ để rồi mỗi lần thấy bế tắc, lạc lõng lại tìm về với quá khứ như là một sự an ủi, cứu rỗi tâm hồn. “Đôi khi muốn thoát

ra khỏi điều đó nhưng không được. Về phố rồi mà vẫn thấy mình bị lạc vào đâu đó, nhiều khi không hiểu ra làm sao cả, cả một thế hệ chúng tôi hầu hết đều như vậy cả, cái ký ức sâu nặng quá, và nó luôn ám ảnh tất cả” [23;13].

Qua những sáng tác của mình Trung Trung Đỉnh mới thể hiện được hết những suy nghĩ, cũng như con người mình. Ông thích hợp với ký ức và hồi tưởng, với hai giấc mơ lớn nhất là trở về thời thơ ấu cực đẹp và giấc mơ về chiến tranh. Có lẽ những gì đã là máu thịt thì thật khó quên. Chiến tranh và Tây Nguyên đã vận vào người ông, nó ám ảnh ông, nó cứ vượt qua ông, và ông cứ phải đeo bám đuổi bắt nó. “Toàn bộ những tác phẩm của tôi đều

viết bằng ký ức (Trung Trung Đỉnh), điều này chúng ta không chỉ thấy ở hai

tác phẩm viết hoàn toàn về chiến tranh mà ngay cả ở những tác phẩm về đời sống đương đại. Tiễn biệt những ngày buồn, Ngõ lỗ thủng, Sống khó hơn là

chết đã thể hiện rõ tâm thế của nhà văn. Thế nhưng ngay cả với mảng đề tài

đương đại này ông cũng cảm thấy rằng “Với tôi nếu viết hoàn toàn về thời

bình cũng không được, mà hoàn toàn về chiến tranh cũng không ổn” [23;12].

Vì thế những tác phẩm của ông luôn là sự đan xen, chồng chéo giữa quá khứ và hiện tại. Trong Tiễn biệt những ngày buồn và Sống khó hơn là chết, nhân vật Xoay và nhân vật nhà văn luôn sống bằng những ký ức về những ngày tháng chiến tranh cho dù câu chuyện mà ông đề cập đến là cuộc sống đương đại. Đọc Sống khó hơn là chết người đọc còn cảm nhận thấy ký ức về làng Sưa đậm đặc. "Đêm ập xuống rất nhanh ở thôn quê Bắc Bộ. Trăng suông.

Sương lan mờ mịt. Người dân xóm Chùa làng Sưa mê mệt trong nhà chẳng ai được thấy đoàn người âm thầm dắt díu nhau từ nhà Tụng cụt ra “núi” Hảnh Hót, tới Miếu Ma ngồi quây quanh gốc ruối” [23;180]. Nhà văn tâm

sự rằng: "Toàn bộ những tác phẩm của tôi chủ yếu viết bằng ký ức, hư cấu

từ ký ức. Những ký ức Tây Nguyên và cả những ký ức tuổi thơ ở quê hương. Tôi từng được sống trong một không gian trong lành, một môi trường rộng mở suốt thời thơ ấu ở vùng đất này. Chính vì thế hầu hết các tác phẩm của

tôi đều thấp thoáng bóng dáng của người và đất làng Sưa, xã Vĩnh Long (Vĩnh Bảo). Ngay một câu chuyện tình lãng mạn trong tiểu thuyết "Lạc rừng" cũng được tôi xây dựng từ kỷ niệm với một cô bé học cùng trường. Đó là những cảm xúc, bóng dáng mà cô bé ấy đọc sẽ hiểu” [63].

Sống khó hơn là chết là cuốn sách được viết bằng sự chắp nối thời gian của tác giả - một khoảng thời gian không hề ngắn đề chiêm nghiệm về những giá trị của đời sống. Để ông cho ta thấy vết hằn của thời gian không hề ảnh hưởng đến mạch cảm xúc trong ông. Như nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét, “ông vẫn đau đáu về Tây Nguyên và những năm tháng chiến tranh thuộc về ông đã không bao giờ tách khỏi những trang sách mà ông viết, dù ông không cố tình”. Ngõ lỗ thủng là câu chuyện hoàn toàn của cuộc sống đương đại, là cuốn tiểu thuyết được nhà văn Trung Trung Đỉnh viết vào những năm 80 của thế kỷ XX. Câu chuyện xảy ra trong tiểu thuyết cũng chính là câu chuyện của chính cuộc đời ông đã đi qua và nếm trải. Đó là cuộc sống của những người dân trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với ngổn ngang bao sự đổi thay. Nó chính là cái ngõ nhỏ nơi nhà văn và nhiều bạn văn của ông đã sống ở đó trong những ngày gian khổ nhất của đất nước. Chính sự từng trải, gặp gỡ những số phận, những cuộc đời ở chính nơi này đã để lại trong ông bao suy tư trăn trở và là chất liệu để ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng. Phải là người sống sâu sắc với chính mình, trải qua những tự nghiệm chân thực mới có thể đạt đến cái nhìn thể tất nhân tình như thế.

Tự do sáng tác là điều kiện quan trọng tạo nên giá trị đích thực của văn học nghệ thuật, để nhà văn có thể phát huy hết tài năng và sở trường của mình với những thể nghiệm tìm tòi và khám phá đời sống. Lúc này những trải nghiệm cá nhân là vô cùng ý nghĩa nhờ thái độ trung thực và vốn sống của nhà văn. Chính những trải nghiệm cá nhân đã giúp Trung Trung Đỉnh cho ra đời những sáng tác mang đầy hơi thở của cuộc sống.

CHƯƠNG 2

CÁC LOẠI NHÂN VẬT CHÍNH

Một phần của tài liệu tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 30)