7. Cấu trúc của luận văn
2.1. Vài nét về nhân vật trong tiểu thuyết
2.1.1. Khái niệm nhân vật
“Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong văn học bằng
những phương tiện văn học” [33;235]
Nhân vật bao giờ cũng là linh hồn của tác phẩm tự sự, là trung tâm của mọi sự miêu tả trong nghệ thuật. “Đó chính là nơi tác giả gửi gắm thông
điệp và độc giả tiếp nhận giải mã những vấn đề hiện thực cốt yếu đặt ra trong tác phẩm” [33;235]. Thông qua nhân vật nhà văn muốn khái quát đời sống con người, đồng thời thể hiện quan điểm của mình về con người. Với vai trò là nơi tập trung mọi giá trị tư tưởng, nhân vật trở thành nơi dẫn dắt ta vào thế giới đời sống được thể hiện trong tác phẩm. Vì vậy nhân vật được xem là quan niệm đặc thù về thế giới và về bản thân mình như một lập trường của con người nhận thức và đánh giá bản thân và hiện thực xung quanh. M. Gorki đã nói rằng “Nghệ thuật bắt đầu từ nơi mà người đọc quên
tác giả, chỉ có trông và nghe thấy những con người do tác giả trình bày trước người đọc”.
Tiểu thuyết là một thể loại hơn hẳn những thể loại văn học khác ở chỗ cho phép các nhà văn khai thác nhân vật một cách toàn diện, tỉ mỉ theo từng bước thăng trầm của số phận để tạo nên hình tượng nghệ thuật sinh động, có sức ám ảnh và mê hoặc. Cho nên “nhân vật trong tiểu thuyết thực sự là hạt
nhân của sự sáng tạo nghệ thuật. Là trọng điểm để nhà văn lý giải mọi vấn đề của đời sống [33;236].
Càng ngày các nhân vật văn học càng trở nên phong phú đa dạng. Sự tìm tòi những hình thức mới cho tiểu thuyết trước hết cũng là sự tìm tòi đổi mới ở nhân vật. Bởi nhân vật trước hết là sự phản ánh bằng hình tượng con
người của thực tại. Mà bộ mặt con người thì luôn luôn biến đổi theo tiến trình lịch sử. Đó là cơ sở để quyết định tính đa dạng sâu sắc ngày càng tăng của nhân vật trong lịch sử văn học. Mặt khác, nhà văn qua các thời đại không chỉ khám phá những nét mới mang tính cách con người mà luôn có ý thức tìm đến những nguyên tắc, biện pháp tốt nhất để thể hiện sao cho đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của độc giả. Trên thế giới đã từng có khuynh hướng giản lược nhân vật tối đa. Chẳng hạn văn học Phương Tây hiện đại các nhà tiểu thuyết mới đã thể nghiệm một loại tiểu thuyết không có nhân vật mà chỉ có thế giới đồ vật hoặc dòng chảy của ngôn ngữ. Tuy nhiên dù có ý đồ thủ tiêu nhân vật và thay thế nó bằng đồ vật đi chăng nữa thì ngay cả tác giả có ý thức nhất về chuyện đó cũng vẫn tự mâu thuẫn với mình. Bởi lẽ, đằng sau nó nhà văn không thể nào tiêu diệt nổi một cái nhìn, một cách nhìn trên sự vật. Theo quan niệm truyền thống, tiểu thuyết là thể loại văn học có dung lượng đồ sộ nên cũng có nhiều nhân vật, nhiều sự kiện. Các nhân vật thường được dụng công xây dựng một cách rất đầy đặn, đặc biệt là nhân vật trung tâm, nhân vật chính. Mọi phương diện như tiểu sử, ngoại hình, tâm lý …đều được miêu tả tỉ mỉ và có quá trình phát triển lôgic. Trong đó các nhà tiểu thuyết đặc biệt chú ý đến sự vận động phát triển biện chứng của tính cách trong hoàn cảnh, sự biểu hiện của đời sống nội tâm ra ngoại hình, hành động của nhân vật.
Một đặc điểm quan trọng của nhân vật tiểu thuyết đó là khả năng tổng hợp và kết tinh mọi thế mạnh của các kiểu nhân vật văn học. Nhân vật tiểu thuyết là nhân vật hành động như nhân vật kịch, là con người tư duy và nếm trải được cặn kẽ thế giới nội tâm như nhân vật trữ tình, là những hình tượng được xây dựng từ nguyên mẫu như nhân vật của ký. Chỉ có nhân vật tiểu thuyết mới có khả năng cộng sinh của các thể loại mạnh mẽ và toàn diện đến thế. Khả năng ấy cũng có ở một số kiểu loại nhân vật nhưng ở mức độ yếu ớt hơn và không trở thành một đặc trưng có tính chất đặc thù như ở nhân vật tiểu thuyết..
Thông thường thì “đề tài, lĩnh vực cuộc sống được khám phá là yếu tố đầu tiên tạo nên sức hấp dẫn đầu tiên của tiểu thuyết. Tuy nhiên, tất cả các nhà tiểu thuyết đều hiểu rằng, cái gây hứng thú cho người đọc, chủ yếu không phải là đề tài mà là nhân vật của nó và nghệ thuật miêu tả trực tiếp đời sống của cuốn sách” [32;51]. Nhà văn Nguyễn Đình Thi khẳng định “Vấn đề trung tâm của nghệ thuật viết tiểu thuyết, theo tôi là miêu tả những con người, tìm hiểu con đường đi của họ trong xã hội. Người viết tiểu thuyết nghĩ về mọi vấn đề đều phải thông qua nhân vật, xuất phát từ nhân vật.” Vì nhân vật là sứ giả truyền đi cái thế giới quan, nhân sinh quan của nhà văn. Qua nhân vật người đọc có thể hiểu được tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm và đánh giá được cá tính sáng tạo của nhà văn. Nhân vật là đứa con tinh thần, là sản phẩm, là vốn sống trực tiếp, cũng là nơi thể hiện rõ nhất quan điểm nghệ thuật cũng như quan niệm của nhà văn về con người và cuộc đời. Nhân vật văn học là một hiện tượng phức tạp đa dạng. Căn cứ vào những tiêu chí khác nhau có thể phân thành những loại hình nhân vật khác nhau. Chẳng hạn như căn cứ vào vai trò của nhân vật đối với cốt truyện, có thể phân thành nhân vật chính và nhân vật phụ, căn cứ vào tư tưởng và quan hệ với lý tưởng, có thể phân thành nhân vật chính diện và nhân vật phản diện, căn cứ vào cấu trúc nhân vật, có thể phân thành nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách và nhân vật tư tưởng. Tuy nhiên, đó không phải là những tiêu chí nhất thành bất biến bởi nhân vật càng trở nên phức tạp lại càng khó phân loại. Trong thực tế sáng tác văn học, thường có những trường hợp bất tuân theo quy tắc. Có những nhân vật vừa mang đặc điểm của nhân vật này, lại vừa mang đặc điểm của nhân vật kia. Ở Việt Nam, điều này chúng ta thấy rõ nhất trong giai đoạn văn học từ sau 1975.