Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam trước và sau 1975

Một phần của tài liệu tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 37)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam trước và sau 1975

Văn học giai đoạn 1945-1975, phát triển trong hoàn cảnh đặc biệt của hai cuộc chiến tranh vệ quốc, nó không thể không bị chi phối bởi những quy

luật bất thường. Phát hiện “con người cộng đồng” trong mỗi cá nhân, con người như sản phẩm hoàn hảo của hiện thực cách mạng là cống hiến của văn học, với tư cách là một mặt trận tư tưởng. Cá nhân tự nguyện hòa tan trong cộng đồng. “Con đường giải quyết mọi bi kịch, mọi vướng mắc cá nhân là hướng về cách mạng, về cộng đồng” [4;83].

Thời kỳ mười năm sau kháng chiến chống Pháp, có thể xem là thời kỳ thực sự phát triển của tiểu thuyết trong nền văn học mới. Tiểu thuyết lúc này không chỉ khai thác đề tài về kháng chiến và lịch sử cách mạng, mà còn bám sát cuộc sống hiện tại đang có nhiều biến đổi, với những xung đột mới trong cách mạng. Nhìn chung, tiểu thuyết thời kỳ này có hai dạng chính và đều được xây dựng theo mẫu hình tiểu thuyết thế kỷ XIX ở phương Tây. Đó là loại tiểu thuyết về cuộc đời và số phận của nhân vật hay một nhóm nhân vật, trong sự tác động qua lại với hoàn cảnh. Loại tiểu thuyết này thường trình bày con đường vận động của nhân vật theo tiến trình thời gian của những biến cố lịch sử (Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Một chuyện chép ở

bệnh viện của Bùi Đức Ái…) hoặc chỉ tập trung vào một biến cố chính của

nhân vật, nhưng lại mở ra không gian xa lạ theo kiểu cốt truyện phiêu lưu (Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Vượt Côn Đảo của Phùng Quán…). Loại thứ hai là tiểu thuyết toàn cảnh, với bức tranh xã hội có bề rộng, những biến cố lịch sử, và trên đó là những biến đổi số phận của hàng chục nhân vật thuộc nhiều tầng lớp khác nhau (Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi…).

Tiểu thuyết trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ là mẫu hình của loại tiểu thuyết sử thi, tái hiện bức tranh lịch sử- xã hội theo quan điểm thống nhất toàn dân tộc, với cảm hứng chủ đạo là cảm hứng anh hùng và phạm trù thẩm mĩ nổi trội là cái cao cả. Cũng như các thể loại khác, tiểu thuyết thời kỳ này tập trung sáng tạo những hình tượng anh hùng tiêu biểu cho khát vọng, sức mạnh và phẩm chất của nhân dân, dân tộc và thời đại. Nhiều nhân vật

được xây dựng theo hướng khái quát, tập trung cao độ các đặc điểm, phẩm chất của các tầng lớp, các thế hệ, đã trở thành những biểu tượng mang tính lý tưởng. Trong tiểu thuyết truyền thống, tên tuổi, diện mạo, nghề nghiệp nhân vật hiện lên rõ nét ở các góc độ khác nhau, chúng tập hợp tạo nên đường viền nhân thân rõ nét, gây ấn tượng cho người đọc và để khu biệt nhân vật này với nhân vật khác. Nhân vật ở tiểu thuyết truyền thống có tính chất phức tạp độc đáo, nó khái quát một cá tính, một tâm lý, thể hiện một ý thức tồn tại trong xã hội. Đặc điểm về nhân thân, ngoại hình nhân vật được chú ý miêu tả một cách tỉ mỉ. Tiêu biểu cho kiểu nhân vật trong văn học 1945-1975 là nhân vật người lính với kiểu nhân vật loại hình, đơn nhất và “đơn chất”.

Cảm hứng nhân bản là nền tảng của cảm hứng hiện thực, chi phối cảm hứng hiện thực. Cả hai có mối quan hệ chặt chẽ trong ý thức nghệ thuật của thời đại. Nếu trước đây, với cảm hứng sử thi, văn học chủ yếu quan tâm đến con người trong các vai trò xã hội, thì bây giờ trong sự đổi mới quan niệm về hiện thực, văn học trả con người về mảnh đất quen thuộc, đặt con người trong mối quan hệ với cái thường ngày. Khi hiện thực được trình bày không đơn giản xuôi chiều như trước thì quan niệm về con người cũng đa chiều và phức tạp hơn. Do đó, nhân vật trong văn học sau 1975 cũng được khám phá, thể hiện toàn diện với cả hai phần ánh sáng và bóng tối, cao cả và thấp hèn, mạnh mẽ và nhỏ bé. Ngày nay, nhìn chung những người viết tiểu thuyết vẫn cố gắng tập trung bút lực vào xây dựng nhân vật, nhưng sự ưu tiên khám phá không phải là tính cách nhân vật mà là tư tưởng nhân vật. Kiểu nhân vật loại hình, nhân vật mang tính sơ đồ giản lược hầu như không xuất hiện nữa và điều quan trọng là đằng sau mỗi nhân vật, mỗi số phận, các tác giả đặt ra được những vấn đề có quan hệ thân thiết đến nhân sinh và thời đại.

Tiểu thuyết ở Việt Nam sau năm 1990, cùng với sự tan vỡ của đại tự sự (sự xuất hiện hình thức tiểu thuyết ngắn), tất yếu hiện thực cũng bị phân mảnh (kết cấu lắp ghép phân mảnh). Văn chương như một trò chơi lai ghép

những mảnh rời sáp vào nhau, mong cho độc giả nhìn thấy một thế giới nào ấy bị tổn thương trong cuộc sống để mà hàn gắn, vượt thoát, để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Và không ngạc nhiên lắm khi hệ quả của nó là kiểu nhân vật dòng ý thức. “Trong văn học Âu- Mĩ thời hiện đại và hậu hiện đại, nhìn chung các nhân vật rất ít nói. Khi cần nói chúng thường nói nhỏ, hoặc chỉ nói thầm, người ta gọi tiếng nói thầm của chúng là độc thoại nội tâm. Chúng cũng rất ít hành động, thường thì chúng chỉ im lặng để nghĩ và rất bận bịu với những ý nghĩ của mình. Ý nghĩ của chúng nhiều khi hiện lên những trang văn giống như những dòng chảy” (La Khắc Hòa). Đó chính là kiểu nhân vật của tiểu thuyết mới ở Việt Nam sau năm 1990- kiểu nhân vật dòng ý thức. Các nhà tiểu thuyết ở Việt Nam đã xem nhân vật dòng ý thức như là một hình tượng, lại vừa như một thủ pháp nghệ thuật. Khi nghệ thuật bị phân mảnh, đổ vỡ thì con người tự trốn mình vào những dòng tâm tư bất định là điều tất yếu. Nhằm để nhân vật bộc lộ những nỗi niềm sâu kín của tâm hồn triền miên theo dòng ý thức, các nhà tiểu thuyết ở Việt Nam sau 1990 đã xóa đi đường viền lý lịch. Giấc mơ hồi ức và trạng thái tâm lý phân rã, bất định không kiểm soát. Không biết mình đang làm gì, nghĩ gì là những đặc điểm của nhân vật dòng ý thức của khuynh hướng tiểu thuyết này. Nhân vật ở tiểu thuyết truyền thống có tính chất phức tạp độc đáo. Nó khái quát một cá tính, một tâm lý, thể hiện một ý thức tồn tại trong xã hội. Tuy nhiên ở tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1990, người đọc rất khó hình dung cụ thể nhân vật. Đây chính là dụng ý của tác giả nhằm san sẻ bớt vai trò sáng tạo cho độc giả và tăng sức phản ánh cho hình tượng.

Văn học là nhân học. Nhân vật văn học cũng là để thể hiện con người, mà quan niệm nghệ thuật về con người lại được xem là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá trị nhân văn vốn có của một hiện tượng văn học. Nhân vật là cơ sở chắc chắn nhất để ngiên cứu tính độc đáo của sáng tác nghệ thuật, cũng như sự tiến bộ nghệ thuật, trình độ chiếm lĩnh hiện thực đời sống của

một tác phẩm, một tác giả hay một trào lưu văn học. Căn cứ vào quan niệm nhà văn về con người và cuộc đời, được thể hiện qua nhân vật chúng tôi thấy nổi bật trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh hai kiểu loại nhân vật chính:

Nhân vật người lính “lạc rừng”, “lạc điệu”và nhân vật với “lỗ thủng” về nhân cách và niềm tin.

Một phần của tài liệu tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 37)