Tiểu thuyết là một hình thức đối thoại

Một phần của tài liệu tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 27)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.2. Tiểu thuyết là một hình thức đối thoại

Văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được tiếp nhận bởi công chúng. Người nghệ sĩ là người tạo ra công chúng và bị công chúng chi phối. Trong văn học thời kỳ chống Mỹ, nhà văn hiện diện trước hết như một cán bộ tuyên truyền, truyền bá chủ trương chính sách

của Đảng qua phương tiện văn học. Quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc là quan hệ độc thoại một chiều. Sau năm 1975, công cuộc đổi mới kinh tế, đổi mới cách nghĩ đã tạo điều kiện thúc đẩy ý thức cá nhân phát triển, công chúng văn học sẽ không bằng lòng với kiểu văn học độc thoại. Sứ mệnh “chiến sỹ” luôn xui khiến nhà văn trở thành người dẫn dắt, giảng giải. Nhà văn biết tất cả, luôn luôn đúng. Họ dùng sáng tác của mình để giáo dục bạn đọc, động viên bạn đọc và truyền đến những chân lý tuyệt đối, điều này bắt buộc họ phải nhân danh kinh nghiệm cộng đồng. Tuy nhiên trong hoàn cảnh chiến tranh, lợi ích dân tộc đòi hỏi toàn dân một ý chí thì người đọc chấp nhận kiểu độc thoại.

Nhưng bây giờ thì đã khác, “Chiến tranh náo động ồn ào mà lại có cái yên tĩnh giản dị của nó. Hòa bình mà lại chứa chất những sóng ngầm, gió xoáy bên trong” (Nguyễn Khải).Văn xuôi nói chung và tiểu thuyết sau 1975 nói riêng là một sự đối thoại với văn xuôi trước 1975 và với bạn đọc về nhiều vấn đề của cuộc sống. Đối thoại có khi mạch nổi chỉ là sự đối thoại giữa các nhân vật, phục tùng một cách nhìn của tác giả. Khi tổ chức đối thoại mỗi nhân vật phát ngôn như một ý thức độc lập, một cái nhìn riêng biệt. Hoặc có khi tác giả nêu phản đề mà không nêu giải pháp, đây chính là cách tổ chức tình thế đối thoại với bạn đọc, mời gọi đối thoại để kích thích bạn đọc cùng bàn bạc, tìm kiếm lời giải. Không đoạn tuyệt với truyền thống ở sự quan tâm đến con người và cái đẹp. Nhà văn bây giờ tỉnh táo hơn trong cách đối xử với hiện thực, với văn chương và bạn đọc. Chỗ mới trong tác phẩm là họ xây dựng mối quan hệ thân mật, bình đẳng và dành quyền kết luận cuối cùng cho bạn đọc.

Tính đối thoại trong tiểu thuyết được thể hiện phong phú ở cả cấp độ và nội dung thể hiện. Trong khuynh hướng chung đó, ở mỗi tác phẩm của mình Trung Trung Đỉnh đã đề cập đến rất nhiều vấn đề trong cuộc sống với tính chất đối thoại. Sống khó hơn là chết nhu cấu đối thoại được bộc lộ từ

cấp độ tư tưởng, quan niệm chung đến từng chi tiết, từng đối thoại. Nhân vật đồng tiền và nhân vật nhà văn trong tác phẩm luôn luôn nhận thức, chiêm nghiệm và đặt ra câu hỏi: Giữa nhân cách, đạo đức và số phận con người với những tham vọng cá nhân với “thời” và “thế” có mối quan hệ với nhau như thế nào ?, đánh giá con người như thế nào đây cho hợp lý và đúng đắn ?, sống sao đây cho đáng sống ? “Thực tình tôi không hiểu được con người,

khát vọng của họ là vô cùng vô tận. Kẻ có nhiều tiền thì mơ ước có nhiều tiền hơn, nhưng không thoát khỏi kẻ nhiều tiền hơn mình lừa lọc. Kẻ có ít tiền thì khao khát việc làm, khao khát miếng ăn. Có việc lam, có miếng ăn rồi họ lại khao khát tiền bạc giàu sang và quyền lực …Ôi nhân cách! Nhân cách” [23;43]. Sống khó hơn là chết là cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện

tại, giữa một bên là sự hi sinh cống hiến, là tình bạn bè đồng chí, là lý tưởng sống cao cả cho một ước vọng hòa bình, một bên là hiện tại với cách sống buông thả, tàn nhẫn sự đấu đá, bon chen quyền lực địa vị, miếng cơm manh áo và cuộc mưu cầu hạnh phúc. Tác phẩm còn là cuộc đối thoại giữa những nguyên tắc của cộng đồng, xã hội với đời sống của mỗi cá nhân muôn màu muôn vẻ, giữa cái thiện với cái ác. Đó là kinh nghiệm khác nhau về giá trị của con người ở mỗi thời điểm mà tác giả nhận thấy.

Ngược chiều cái chết là một cuộc đối thoại với cơ chế cũ, quan niệm

cũ, với cách nhìn lịch sử quen thuộc đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại sau hòa bình, mà để nhận ra nó không phải dễ dàng, đôi khi nó con là sự trả giá cho những sai lầm ấu trĩ và bảo thủ của mỗi con người. Lạc

rừng là một cuộc đối thoại thú vị giữa hai nền văn hóa không cùng “tần số”

để có thể thông cảm lẫn nhau, hòa hợp với nhau trong cách sống, cách ứng xử, trong phong tục tập quán, giữa một bên là anh lính người Kinh bị lạc và cộng đồng người Ba Nar. Tiễn biệt những ngày buồn và Ngõ lỗ thủng là cuộc đối thoại ở cả cấp độ chi tiết và tổng thể, giữa các nhân vật đại diện cho những vị trí khác nhau trong xã hội và giải pháp lựa chọn cho mỗi người. Đó

luôn là câu hỏi có khi bằng cả sự tự vấn nhằm vào ý thức làm người, về nhân cách đạo đức con người. Tác phẩm là sự đối thoại giữa những nguyên tắc đạo đức lối sống và sự lựa chọn lối sống của mỗi cá nhân, là những lỗ thủng nhân cách mà con người nhận ra và thay đổi, giữa hoàn cảnh sống và sự hình thành nhân cách của mỗi người, đúng như Trung Trung Đỉnh quan niệm: “Trước hết phải biết mình là ai”.

Tính đối thoại thường đi kèm với sự hoài nghi và một cấu trúc trần thuật mở. Sự hoài nghi và trăn trở về trạng thái sống là điều luôn có trong mỗi tác phẩm của ông. Giữa cuộc đời phi lý và nhiều bi kịch, Trung Trung Đỉnh luôn đặt ra những câu hỏi về con người về thời thế. Tác phẩm thường có kết thúc mở, Lạc rừng là một kết thúc mở cho số phận tiếp theo của anh lính trẻ, một câu chuyện dài vẫn còn tiếp diễn mà phần được kể chỉ là phần đầu của câu chuyện. Sống khó hơn là chết cũng là một cái kết đột ngột để lại nhiều suy ngẫm như nhà văn tâm sự. “Cái kết tuy rất ngắn, nhưng lại chứa đựng toàn

bộ khối “thuốc nổ” của quá khứ và của cả hiện tại. Nếu không có khoảnh khắc lặng câm ấy, chắc nó - tức là cuộc sống thực ấy - sẽ nổ tung mất” [63].

Có thể nói đối thoại là một biểu hiện đổi mới căn bản của mối quan hệ nhà văn bạn - đọc. So với giai đoạn 1945 – 1975, đây là một sự đổi mới quan trọng. Nó gắn liền với tư tưởng về một hiện thực đa chiều, không hề và không thể biết trước. Nhà văn không mách nước không áp đặt chân lý. Nhà văn tin cậy vào bạn đọc và tin cậy vào những trải nghiệm của riêng mình để tạo ra những đối thoại mà không sợ bị bạn đọc hững hờ.

Một phần của tài liệu tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 27)