Thiên chức của người cầm bút

Một phần của tài liệu tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 26)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Thiên chức của người cầm bút

Quan niệm về nhà văn là một nội dung quan trọng làm nên ý thức và ý nghĩa của văn chương mỗi thời. Sự chuyển biến của văn học trước hết thể hiện ở sự chuyển biến trong ý thức của người cầm bút. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, quan niệm về văn chương đều có sự biến đổi, để phù hợp với hoàn cảnh, với nhu cầu của công chúng và để thỏa mãn những khát vọng tự thân của người nghệ sĩ. Chính sự thay đổi của văn học đã kéo theo sự thay đổi về quan niệm của nhà văn và thiên chức của người cầm bút.

Xuất phát từ nhu cầu đổi mới cách viết, cách nghĩ, được sự cổ vũ của làn gió dân chủ, cởi mở của Đảng, nhiều văn nghệ sĩ đã chân thành bày tỏ tâm huyết và suy nghĩ của mình về văn nghệ. Cái thời lãng mạn đã qua đi, Lê Lựu gọi các sáng tác của ông trước Thời xa vắng là “văn học công

việc”, “văn học sự vụ” và tự bảo không thể viết như cũ được nữa. Nguyễn

Minh Châu, tác giả của Dấu chân người lính, Cửa sông.…đã đề nghị “Hãy

đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa”. Từ vai trò là một người

chiến sĩ chống tiêu cực họ đã dần dần ý thức rõ hơn vai trò “nghệ sĩ - nhà tư tưởng, từ chỗ nhập cuộc chủ yếu bằng nhiệt tình và tư tưởng riêng, từ người phát ngôn nhân danh kinh nghiệm cộng đồng đến chỗ khẳng định giá trị của kinh nghiệm cá nhân”. So với lớp thế hệ cha anh thì Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Trung Trung Đỉnh…đã đem đến cho văn xuôi nước ta cái “mới” lẫn cái “lạ”. Hiện thực được nhìn nhận đa dạng, nhiều chiều, nhà văn được tự do thể hiện cái tôi nghệ sĩ của mình, họ đứng lên đấu tranh với những cái ác, cái xấu, cho số phận của con người.

Trung Trung Đỉnh là nhà văn luôn có ý thức trách nhiệm về nghề nghiệp. Ông cho rằng: “Trong văn học có những người viết về ánh sáng và ca

ngợi, nhưng cũng có cả những người viết về những mảng bóng tối và phê phán. Đã văn học là phải chấp nhận cả ánh sáng và bóng tối” [20;23]. Quan

niệm văn học của ông, trước sau gì cũng là nói về thân phận con người. Có cả những thân phận tốt, thân phận xấu, có cả sự chuyển biến thay đổi thế giới quan của các nhân vật. Nhà văn thể hiện mình hoàn toàn qua tác phẩm. Bản thân Trung Trung Đỉnh rất đề cao tiểu thuyết. Với ông, tiểu thuyết là một thể loại văn học đòi hỏi người cầm bút tất cả những gì gọi là khắc nghiệt nhất. Đó là loại lao động nặng nhọc nhất, tinh vi nhất, và bộc lộ rõ tài năng cũng như bản chất tâm địa sâu nhất. Nhà văn luôn luôn từ trong đời sống hiện ra và viết về chính những gì mình được chứng kiến điều đó mới có ý nghĩa. Ông quan niệm “vấn đề không phải là viết về chuyện xưa hay nay mà là viết như thế nào”. Rõ ràng nhà văn đã ý thức rất cao về thiên chức của người cầm bút. Trung thực với chính mình, chân thành bày tỏ những suy nghĩ của riêng mình, diễn đạt nhu cầu đổi mới như một nhu cầu nội tại của văn học và sự nhận thức trước yêu cầu của xã hội đồng thời khẳng định được “ta là ai”. Điều đó là do nhu cầu tự phân tích, tự nhận thức về mình của bản thân người cầm bút. Nhà văn hôm nay nhận thức về mình, về nghề nghiệp của mình và về bản chất của văn chương trên tinh thần của một chủ nghĩa cá nhân hóa (Hoàng Ngọc Phiến) đã thể hiện được ý thức cá nhân về cá tính và bản lĩnh dám chấp nhận hành trình sáng tạo đơn độc, dám trả giá cho niềm tin riêng của mình về cái Đẹp.

Một phần của tài liệu tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 26)