Phát triển đội ngũ giảng viên

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Trung ương (Trang 26 - 29)

1.2.3.1. Phát triển nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực ở trường đại học và cao đẳng

* Phát triển nguồn nhân lực

Thuật ngữ phát triển nguồn nhân lực gắn với sự hoàn thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được biểu hiện ở việc nâng cao trình độ giáo dục quốc dân, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, sức khoẻ và thể lực, ý thức, đạo đức của các nhân lực xã hội.

Nói cách khác: nguồn nhân lực được biểu hiện cơ bản là gia tăng giá trị cho con người trên các mặt: đạo đức, trí tuệ, kỹ năng, tâm hồn, thể lực… làm cho con người trở thành những người lao động có năng lực và phẩm chất mới và cao hơn.

Với ý nghĩa này, theo “Chương trình phát triển của Liên hợp quốc” (UNDP), có 5 nhân tố “Phát năng” của sự phát triển nguồn nhân lực là: GD&ĐT; sức khoẻ và dinh dưỡng; môi trường; việc làm; sự giải phóng con người. Những nhân tố phát năng này gắn bó với nhau và tuỳ thuộc lẫn nhau, trong đó GD&ĐT là cơ sở của tất cả các nhân tố khác, từ đó GD&ĐT là cơ sở cho sự phát triển bền vững. Vì vậy có thể nói: Phát triển nguồn nhân lực bằng con đường GD&ĐT là nhằm đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và thái độ.

+ Phát triển nguồn nhân lực bao gồm việc phát triển sinh thể, nhân cách và xây dựng môi trường xã hội.

+ Phát triển nguồn nhân lực và tăng trưởng nguồn nhân lực có mối quan hệ với nhau (cả hai đều chỉ sự biến đổi đi lên về lượng và chất của nguồn nhân lực). Song

Phát triển nguồn nhân lực có vai trò và ý nghĩa quyết định hơn so với tăng trưởng nguồn nhân lực.

* Phát triển nguồn nhân lực ở trường đại học và cao đẳng

Phát triển nguồn nhân lực ở trường đại học và cao đẳng là chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên đủ về số lượng, vững về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu và loại hình, vững vàng về chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ đủ sức thực hiện có kết quả mục tiêu và kế hoạch đào tạo của nhà trường.

Phát triển nguồn nhân lực cần được hiểu đầy đủ hơn trong ý tưởng quản lý nguồn nhân lực và cần phải đặt trong nhiệm vụ quản lý nguồn nhân lực .

Phát triển nguồn nhân lực ở trường đại học, cao đẳng là mặt công tác lớn, cơ bản có vai trò quan trọng và cấp thiết trong các trường đại học, cao đẳng; nó gắn bó mật thiết với nội dung, nguyên tắc, phương pháp phát triển nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực càng tốt thì chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo càng cao.

1.2.3.2. Phát triển đội ngũ giảng viên

Thuật ngữ “Phát triển ĐNGV” cần được hiểu là một khái niệm tổng hợp bao gồm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ và phát triển nghề nghiệp. Nó bao quát tất cả những gì mà người giảng viên có thể trau dồi phát triển để đạt các mục tiêu cơ bản do nhiệm vụ công tác đặt ra. Đó là con đường để người giảng viên phát triển toàn diện nội lực của bản thân để hài hòa phù hợp trong sự phát triển chung của nhà trường.

Trong nhà trường đại học, cao đẳng đội ngũ cán bộ, giáo chức nói chung, ĐNGV là lực lượng chủ yếu giữ vai trò quyết định trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo. Vì vậy, quan tâm đầu tư đến việc phát triển ĐNGV là nhiệm vụ trung tâm, ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển nhà trường.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về con người, về cán bộ là một vấn đề cơ bản nhất. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; cán bộ (trong đó đội ngũ nhà giáo) vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển cách mạng. Việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, không ngừng giáo dục, huấn luyện cán bộ để trở thành người có đức, có tài để phát triển nhân cách, hoàn thiện nhân cách là hết sức quan trọng, quyết định đường lối phát triển đội ngũ cán bộ.

“Một đội ngũ cán bộ có chất lượng cao là đội ngũ có đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, nắm bắt được yêu cầu của thời đại, có đủ tài năng, đạo đức và ý chí để thiết kế và tổ chức thực hiện những kế hoạch của tiến trình CNH - HĐH đất nước trong mọi lĩnh vực” [30, tr.109]

Trong tài liệu “Quản lý nhân sự và việc xây dựng đội ngũ giáo viên Nhà trường”, tác giả Nguyễn Quang Truyền viết: xây dựng phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, loại hình, đoàn kết trên cơ sở đường lối giáo dục của Đảng và vững mạnh về chính trị, chuyên môn, đủ sức thực hiện có chất lượng mục tiêu đào tạo và kế hoạch đào tạo.

Theo chúng tôi, nội dung phát triển ĐNGV gồm có:

+ Chăm lo xây dựng ĐNGV đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, loại hình, vững vàng về trình độ chuyên môn - nghiệp vụ, có thái độ tốt về nghề nghiệp, tận tụy với nghề.

+ Phải tạo cho ĐNGV có đủ các điều kiện, khả năng sáng tạo trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, đồng thời giúp cho họ tìm thấy lợi ích cá nhân trong mục tiêu phát triển tổ chức, phát triển đội ngũ, phải tạo sự gắn bó kết hợp mật thiết giữa công tác quy hoạch, kế hoạch tuyển chọn, sử dụng, đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng và tạo môi trường làm việc thuận lợi cho ĐNGV để họ có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp.

+ Nội dung phát triển ĐNGV bao gồm sự phát triển toàn diện của người giảng viên, với tư cách là thành viên trong cộng đồng nhà trường, là nhà chuyên môn, là nhà khoa học trong hoạt động dạy học.

+ Nội dung phát triển ĐNGV gắn liền với công tác quy hoạch, kế hoạch tiếp nhận, sử dụng đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Ngoài ra, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, ĐNGV cần được sự quan tâm đến các yêu cầu khác như: nhu cầu thăng tiến, những quyền lợi về tinh thần, vật chất…làm cho các giảng viên gắn bó với nghề nghiệp, tận tụy với sự nghiệp “trồng người” như mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tóm lại, nội dung phát triển giảng viên bao gồm: nâng cao chất lượng ĐNGV; đảm bảo về số lượng ĐNGV; điều chính cơ cấu ĐNGV đặc biệt quan tâm đến quyền lợi tinh thần, vật chất cho ĐNGV.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Trung ương (Trang 26 - 29)