Các mô hình và phương pháp quản lý đội ngũ giảng viên

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Trung ương (Trang 29 - 33)

1.2.4.1. Các mô hình quản lý đội ngũ giảng viên

* Mô hình quản lý hành chính (mệnh lệnh tập trung)

Theo mô hình này, hiệu trưởng nhà trường được xem như người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra ĐNGV trên cơ sở nhiệm vụ của nhà trường. Đặc trưng của mô hình này là ở cấp dưới khả năng chuyên môn là điểm quan trọng nhất, ở cấp trên khả năng quản lý hành chính là chủ chốt.

Ưu điểm: Mô hình quản lý hành chính lấy mục tiêu của tổ chức nhà trường làm căn cứ trong việc xác định nội dung quản lý ĐNGV. Vì vậy, nó bám sát nhiệm vụ chính trị nhà trường, đảm bảo tính thống nhất từ trên xuống.

Hạn chế: Nếu tuyệt đối hóa mô hình này, sẽ dẫn đến các quyết định mang tính mệnh lệnh áp đặt: gây ra tâm lý phục tùng gò bó, giảm sức sáng tạo, tính chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ học tập và tự nghiên cứu. Vorke Smith đã lưu ý: “Nhược điểm của mô hình quản lý này là thường coi nhẹ sự đóng góp của cá nhân giáo viên vào việc phát triển nghề nghiệp của mình, và hơn thế nữa, nó còn nguy hiểm hơn ở chỗ chỉ những gì tương đối để đánh giá sẽ được coi là có giá trị, còn những gì tầm thường ít quan trọng lại ít được chú ý tới” [26, tr. 53].

* Mô hình quản lý dựa trên cơ sở tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Theo mô hình, các tổ chuyên môn, được xem như chịu trách nhiệm chính trên cơ sở nhiệm vụ mà ban giám hiệu giao cho. Đặc trưng của mô hình này là cấp dưới khá linh hoạt là điểm quan trọng nhất, cấp trên có khả năng tổng quát là chủ yếu. Quyền tự chủ là quyền quản lý của các cơ sở mà không có sự can thiệp bên ngoài.

Ưu điểm: Mô hình này lấy công tác chuyên biệt làm căn cứ trong việc xác định nội dung quản lý ĐNGV. Tăng tính chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ. Mỗi cá nhân và mỗi nhóm đều muốn có sự độc lập ở mức độ nào đó đối với lãnh đạo cấp trên.

Hạn chế: Mô hình này, nếu tuyệt đối hóa sẽ dẫn đến tình trạng cục bộ, địa phương chủ nghĩa có thể gây ra tâm lý “ly khai” giảm sức mạnh tập thể trong việc thực hiện mục tiêu chung.

Tóm lại “Trong mỗi một tổ chức đều có sự phân quyền nào đó, nhưng cũng không thể có sự phân quyền tuyệt đối vì nếu những người quản lý phải giao phó hết quyền lực của mình, vị thế quản lý của họ sẽ mất đi, vị trí của họ sẽ bị loại bỏ, vậy sẽ không có cơ cấu tổ chức” [25, tr. 36].

* Mô hình quản lý quan tâm đến mỗi con người

Với mô hình này, các nhà quản lý nhượng bộ, quan tâm nhiều đến quan hệ con người trong đơn vị của mình. Điều đặc biệt quản lý của mô hình này là các mối quan hệ cấp dưới, cấp trên, ranh giới công việc và tình cảm đan xen lẫn nhau với tư cách: “thực thể của tự nhiện và xã hội”, mỗi cá nhân giáo viên đều chịu sự chi phối của những quy luật tâm lý.

Ưu điểm: lấy tình cảm làm cơ sở trong việc xác định nội dung quản lý, tăng sự nhiệt tình trong việc thực nhiện nhiệm vụ.

Hạn chế: nếu tuyệt đối hóa mô hình quản lý này sẽ dẫn tới tình trạng “gia đình chủ nghĩa”, đồng thời gây ra tâm lý bè phái, các chỉ tiêu có tính pháp lệnh của nhà trường khó thực hiện.

Song để phát huy sức mạnh của nó một cách hiệu quả, các cấp quản lý phải biết thống nhất sự khác biệt của cấp dưới: Hiểu biết thấu đáo và có lòng tin vào tương lai, đồng thời hiểu được vị trí của mỗi giáo viên trong tập thể nhà trường luôn biến đổi. Với nhà quản lý, người lãnh đạo và chỉ huy cần hội tụ những phẩm chất cá nhân như: Kiên trì, rèn luyện năng lực thuyết phục, sự

khéo léo trong ứng xử.

* Mô hình quản lý dựa trên cơ sở kết hợp các mô hình trên

Theo York (1997) “Mô hình hợp tác thu hút cả người quản lý lẫn người giáo viên, mà trong đó mỗi bên đều biết nhượng bộ. Cán bộ quản lý thì hạn chế sự can thiệp, ra lệnh mà bảo đảm điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên hoạt động một cách độc lập, sáng tạo. Về phía mình, người giảng viên biết tiếp nhận điều đó ngoài việc đáp ứng các nhu cầu đó cho bản thân cá nhân mình thì cần tích cực tham gia hoạt động phát triển ĐNGV vì lợi ích nhà trường” [22, tr. 54]

Theo Piper và Glatter thì: “Phát triển ĐNGV là một nỗ lực mang tính chất thường xuyên nhằm hòa hợp các lợi ích, mong muốn và các đòi hỏi mà giảng viên đã cân nhắc kỹ để tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình trên cơ sở có tính đến các yêu cầu của nhà trường nơi họ công tác” [22 tr. 51].

Nhu cầu phát triển của một giảng viên để họ tiến thân có lúc khác với nhu cầu để thực hiện mục tiêu chung của nhà trường và của hệ thống. Chính vì vậy mà công tác quản lý ĐNGV cần phân tích kỹ nhu cầu cá nhân của giảng viên thông qua nhu cầu tổ chức, từ đó xây dựng kế hoạch chiến lược cho việc quản lý ĐNGV của các nhà trường.

1.2.4.2. Các phương pháp quản lý

* Nhóm phương pháp hành chính tổ chức

Đây là nhóm hình thức, biện pháp mà chủ thể quản lý dùng quyền trực tiếp đưa ra các mục tiêu, nhiệm vu, yêu cầu để khách thể quan lý thực hiện.

Hình thức biểu hiện của nhóm phương pháp này là dùng các văn bản thông báo, chỉ thị, nghị quyết, thông tư, qui chế, qui định trong nội bộ như thời khóa biểu, phân công công tác, và chỉ thi bằng lời …các hình thức có thể tác động đến cá nhân, tổ chức. Quản lý hành chính về phương pháp không thể xem nhẹ, nó cần thiết trong một số lĩnh vực hoạt động.

Về mặt ưu điểm của phương pháp này: Có căn cứ pháp lý, trên cơ sở các văn bản chính xác, cụ thể và tạo ra sự thống nhất đồng loạt trong tổ chức là sức mạnh của tập thể. Trực tiếp tác động đến đối tượng nên có hiệu quả nhanh chóng, có tính bắt buộc phải chấp hành, đồng loạt.

Tuy nhiên phương pháp này cũng có hạn chế: dễ lạm dụng và tuyệt đối hóa dẫn đến quan liêu độc đoán, mất dân chủ, dễ gây cho đối tượng quản lý một tâm lý nặng nề, thụ động, dễ phản ứng tiêu cực thậm chí xuất hiện tâm lý tự vệ của đối tượng bị quản lý.

Vì vậy trong quá trình quản lý, người quản lý phải nhận thức được mặt tích cực và nhận thấy mặt hạn chế. Đồng thời chủ thể quản lý phải nắm vững chỉ thị pháp quy, nhận thức được quyền hạn trách nhiệm của mình theo luật định khi đưa ra các văn bản. Các quyết định hành chính phải có cơ sở khoa học và thực tiễn. đồng thời phải thường xuyên nắm được thông tin phản hồi để kịp thời điều chỉnh.

* Nhóm phương pháp kinh tế quản lý nhân sự

Đây là cách thức mà chủ thể quản lý dùng để tác động vào lợi ích kinh tế của khách thể quản lý nhằm tạo ra hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Hình thức thể hiện là khen thưởng, xử phạt hoặc đề bạt cân nhắc, người quản lý tác động một cách gián tiếp, sâu kín và tế nhị đến đối tượng quản lý, nhưng có hiệu quả cao trên cơ sở tuân theo các quy luật kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng cần chú ý sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dụng và sự mất đoàn kết trong tổ chức khi quá nhấn mạnh và tuyệt đối hóa yếu tố kinh tế.

* Nhóm phương pháp giáo dục thuyết phục

Đây là cách thức mà chủ thể quản lý dùng các biện pháp đặc thù của giáo dục tác động đến nhận thức, thái độ, hành vi của khách thể quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức giao.

Các hình thức của phương pháp này có thể trực tiếp, gián tiếp tác động đến tập thể, cá nhân. Tuy có tác dụng rất bển vững, trở thành nền nếp các tổ chức, song nếu coi nó là duy nhất sẽ có nguy cơ dẫn đến sự ảo tưởng, duy ý chí.

* Nhóm phương pháp tâm lý xã hội

Là cách thức mà chủ thể quản lý vận dụng quy luật tâm lí xã hội để tạo nên một môi trường tích cực, nhằm làm ảnh hưởng tốt tới các mối quan hệ

trong tổ chức.

Các hình thức của nhóm này là các hoạt động chính thức và không chính thức, như tổ chức các hoạt động hội họp, sinh hoạt tạo cảnh quan môi trường sư phạm lành mạnh, cơ chế làm việc cơ quan.

Yếu tố tâm lý- xã hội rất quan trọng trong việc tạo ra bầu không khí thân thiện, lành mạnh, nếp sống có văn hóa, nhưng trong quá trình vận dụng cần chú ý tính đặc thù của khách thể quản lý, kiên quyết khắc phục sự sa đà vào văn hóa tiêu cực.

Tóm lại: Phương pháp quản lý là một công việc rất phức tạp, vì nó tác động đến con người và các tập thể với những đặc điểm tâm lý xã hội rất khác nhau. Từ đó, những nhà quản lý muốn đạt được mục tiêu mong muốn, khi sử dụng các phương pháp quản lý phải hết sức thận trọng, có nghiên cứu, thử nghiệm thực tế; phải kết hợp đồng bộ các phương pháp, không được tuyệt đối hóa phương pháp nào; phải phát huy những ưu điểm của từng phương pháp đồng thời khắc phục những mặt hạn chế của nó.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Trung ương (Trang 29 - 33)