Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên,

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Trung ương (Trang 82 - 87)

khuyến khích tự bồi dưỡng, xây dựng giảng viên đầu đàn

3.2.4.1. Mục đích của biện pháp

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho ĐNGV có vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó không chỉ là cơ hội cho mỗi giảng viên tự vươn lên hoàn thiện mình mà còn giúp cho nhà trường có ĐNGV đảm bảo chất lượng, hợp lý về cơ cấu trình độ. Mỗi giai đoạn phát triển của trường ứng với mỗi giai đoạn phát triển của ngành, của đất nước sẽ đặt ra yêu cầu ngày càng cao với mỗi giảng viên và cho cả đội ngũ. Để đáp ứng được yêu cầu đó việc đào tao, tự đào tạo và bồi dưỡng là con đường duy nhất để ĐNGV tự khẳng định mình, để tồn tại và phát triển và để tránh nguy cơ tụt hậu.

3.2.4.2. Nội dung, cách tiến hành biện pháp

- Xác định nhu cầu, loại hình bồi dưỡng ĐNGV của Trường CĐKT - KT Trung ương

Để có thể có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên được chính xác và khoa học, trước hết cần xác định nhu cầu, loại hình bồi dưỡng ĐNGV căn cứ hiện trạng đã được phân tích, theo tác giả, nhu cầu bồi dưỡng ĐNGV của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay có thể được chia thành những loại sau:

Loại nhu cầu thứ nhất: Đào tạo và bồi dưỡng tiềm lực chuyên môn để đáp ứng việc giảng dạy trước mắt và tiêu chuẩn chất lượng cán bộ theo chức danh giên, đạt tỷ lệ chuẩn của BGD& ĐT quy định. Cụ thể, cần đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn như sau:

+ Hiện đang còn có 59 giảng viên (57%) của nhà trường chưa có bằng sau đại học. Ngoài ra, hàng năm, theo kế hoạch sẽ tuyển dụng mới khoảng 20 - 30 giảng viên. Số giảng viên mới này phần lớn chỉ có bằng đại học. Nếu căn cứ “ chuẩn” cần đạt tới cho các trường Đại học, Cao đẳng theo nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020: “đến năm 2020 có ít nhất 60% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ và 35% đạt trình độ tiến sĩ”, thì số lượng giảng viên cần phải đào tạo sau đại học là rất lớn. Vì vậy lực lượng giảng viên trẻ này cần được liên tục cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và tạo nguồn cho đào tạo trình độ cao hơn.

+ Cán bộ quản lý ở các khoa, bộ môn hiện nay chỉ có trình độ thạc sĩ, cần được ưu tiên đào tạo nâng cấp để có đủ năng lực lãnh đạo chuyên môn, từ nay đến 2020 cần phải thường xuyên đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn kế cận cho các khoa, bộ môn có trình độ tiến sĩ để đáp ứng quy định tiêu chuẩn của trường cao đẳng.

Loại nhu cầu thứ hai: bồi dưỡng năng lực sư phạm cho các giảng viên mới, giảng viên ngoài ngành sư phạm để nâng cao kỹ năng sử dụng các phương pháp dạy học cũng như xử lý các tình huống sư phạm của giảng viên, góp phần thay đổi chất lượng đào tạo. Điều này là hết sức cấp bách đối với nhà trường vì đại đa số giảng viên của nhà trường là lực lượng giảng viên trẻ dưới 30 tuổi.

Hơn nữa, như đã phân tích ở chương 2 hiện nhà trường đang bị hụt hẫng, thiếu lực lượng đội ngũ kế cận, thiếu ĐNGV dày dạn kinh nghiệm và có thể kèm cặp được lực lượng giảng viên trẻ. Toàn bộ lực lượng này phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm ở bậc cao hơn để họ thực thi các nhiệm vụ mà nhà trường đã đề ra như: thay đổi phương pháp giảng dạy, cải tiến bài giảng, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào dạy học…Họ sẽ là lực lượng chính trong công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường hiện nay.

Loại nhu cầu thứ ba: Bồi dưỡng cán bộ đầu đàn của nhà trường

Nhà trường đang đào tạo với 8 chuyên ngành, nhưng số cán bộ đầu đàn của các khoa, bộ môn còn rất ít. Nguyên nhân chính là do trường được nâng cấp lên cao đẳng từ một trường trung cấp nên cán bộ đầu đàn ngay từ ban đầu đã rất ít. Ngoài ra trong quá trình phát triển sẽ có một số ngành và chuyên ngành mới. Vì vậy, bồi dưỡng để có ngày càng nhiều cán bộ đầu đàn của nhà trường là một nhu cầu vô

cùng quan trọng, bởi lẽ nếu đội ngũ này đông thì sẽ làm cho các khoa, bộ môn mạnh lên về cả mặt chuyên môn, NCKH và chất lượng giảng dạy.

Để nâng cao năng lực giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, cao đẳng hiện nay, hoạt động hiệu quả nhất chỉ có thể thông qua con đường đào tạo và bồi dưỡng. Dựa vào nhu cầu bồi dưỡng các đối tượng được trình bày ở trên, nội dung đào tạo, bồi dưỡng ĐNGV nhà trường được xác định bao gồm:

- Nâng cao trình độ chuyên môn cho ĐNGV.

Nhìn chung, hai đối tượng cần được ưu tiên đào tạo nâng cao tiềm lực đó là các giảng viên trẻ chưa qua đào tạo cao học và các trưởng khoa, bộ môn chưa có bằng tiến sĩ. Cần phải thấy rằng các giảng viên trẻ mới về công tác tại trường, thu nhập còn thấp. Vì vậy vấn đề nâng cao trình độ của giảng viên rất cần sự quan tâm một cách cụ thể của nhà trường, khoa và bộ môn. Theo tác giả cần quy định tiêu chuẩn cụ thể về trình độ đối với từng chức danh giảng viên và cán bộ quản lý phải đạt được, cụ thể quy định giảng viên trẻ về trường, sau thời gian 1 - 2 năm phải tham gia học cao học; cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên môn các phòng, khoa, bộ môn khi bổ nhiệm, có trình độ tiến sỹ. Mặt khác cần tạo điều kiện để giảng viên cử đi đào tạo vẫn có thu nhập. Chẳng hạn ngoài chế độ giảm khối lượng, thanh toán học phí, còn động viên hỗ trợ, giảng viên mua tài liệu phục vụ học tập và thanh toán đầy đủ chế độ công tác phí; có thể bố trí hợp lý để giảng viên có thể kết hợp vừa tham gia học tập vừa tham gia giảng dạy. Nhà trường hỗ trợ nhiều hơn nữa kinh phí bảo vệ luận văn tốt nghiệp và có phần thưởng xứng đáng đối với giảng viên bảo vệ thành công luận án tiến sỹ.

- Bồi dưỡng tiềm lực NCKH cho ĐNGV: Giảng dạy và NCKH là hai nhiệm vụ chính yếu của người giảng viên, có quan hệ tương hỗ nhau. Chất lượng của ĐNGV không chỉ được đánh giá trên bằng cấp mà cả về năng lực giải quyết các vấn đề cụ thể trong giảng dạy, trong cuộc sống và trong sản xuất. Mặc dù nhà trường đã coi trọng việc NCKH của ĐNGV, nhưng trên thực tế ĐNGV đã lấn sâu vào việc giảng dạy, không giành thời gian thích đáng cho công tác này, do đó không hoàn thành nhiệm vụ NCKH. Vì vậy, rất cần thiết nhà trường phải chỉ đạo quyết liệt, đưa nhiệm vụ NCKH trở thành một trong hai nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của giảng viên.

Về phương diện tổ chức, phải có cơ chế vừa khuyến khích vừa bắt buộc giảng viên làm công tác NCKH. Để làm tốt điều đó, nhà trường cần phải xây dựng quy chế NCKH và công nghệ, gắn hoạt động khoa học, công nghệ trong nhà trường với thực tiễn xã hội. Căn cứ quyết định số 64/2008/QĐ-BGD ĐT quy định chế độ làm việc đối với giảng viên. Trên cơ sở đó, nhà trường cần xây dựng quy chế của riêng mình, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn và trình độ, khả năng của ĐNGV nhà trường. Hàng năm, Hội đồng khoa học - đào tạo cần đưa ra định hướng NCKH cho giảng viên, trước mắt theo hướng khuyến khích giảng viên nghiên cứu tìm hướng giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn công tác đào tạo, quản lý của nhà trường; đồng thời kết hợp với địa phương, các đơn vị ngoài xã hội có liên quan đến chuyên ngành thực hiện các đề tài nghiên cứu giải quyết các vần đề thực tế của địa phương; và cần khen thưởng các đề tài được ứng dụng. Thành tích khoa học của mỗi giảng viên phải là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá giảng viên. Cần xây dựng những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí một công việc được coi là một công trình khoa học để xét khen thưởng trong nội bộ, tính điểm thi đua, tính giờ chuẩn. Có thể đó là một báo cáo xeeminar cấp đơn vị, một bài viết cho hội thảo cấp khoa, một sáng kiến cải tiến được khoa công nhận.

Bên cạnh những biện pháp trên, nhà trường cũng phải tính đến những hình thức nhắc nhở giảng viên khi cả năm không có một công trình khoa học nào, nhất là các giảng viên có thâm niên cao hoặc có bằng sau đại học. Hàng năm nhà trường, các đơn vị cần tổ chức nhiều hội thảo khoa học chuyên ngành, tạo điều kiện cho giảng viên có công trình khoa học, đặc biệt là các giảng viên ở trong trường được giao lưu trao đổi kinh nghiệm với nhau.

- Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng sư phạm cho ĐNGV: Người giảng viên vừa là một nhà khoa học vừa là một nhà giáo. Vì thế họ cần có kiến thức và năng lực sư phạm tốt, để giảng dạy và nâng cao chất lượng dạy học. Cho nên, việc bồi dưỡng kiến thức kỹ năng sư phạm cho ĐNGV là điều phải làm thường xuyên, nhiều đợt, nhiều cấp độ, nhiều hình thức. Giảng viên và đặc biệt là giảng viên trẻ cần được trang bị các kiến thức kỹ năng sư phạm và một số kỹ năng mềm khác để có thể bù đắp cho những thiếu hụt về kinh nghiệm của đội ngũ này. Sự quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo các cấp cho công tác này là điều kiện tiên quyết để thành công.

- Bồi dưỡng kiến thức về thực tế: Nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đang từng bước tiếp cận nền kinh tế tri thức, nhiều công nghệ mới hiện đại được áp dụng. Do đó, người giảng viên phải hòa nhập ngay được với thực tế sản xuất. Nếu chúng ta đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với thực tế sản xuất thì hiệu quả đào tạo càng cao, uy tín của nhà trường trong xã hội ngày càng được nâng lên. ĐNGV phải thường xuyên tiếp cận với thực tế sản xuất, đưa được nội dung về kỹ thuật, công nghệ cũng như thiết bị mới vào tổ chức quá trình đào tạo, có như vậy thì đào tạo mới sát thực tế theo đúng phương châm “học đi đôi với hành”. Trong những năm qua, chúng ta đã mắc sai lầm trong việc tách rời nhà trường và cơ sở sản xuất. Hàng năm giảng viên không có chế độ đi thực tế nên giảng viên lâm vào tình trạng dạy cái mình sẵn có chứ không dạy cái thị trường cần. Qua thực tiễn quản lý, có thể nhận ra rằng hầu hết giảng viên có thể thuộc lòng giáo trình, nhưng lại đang thiếu kiến thức thực tế, nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy. Do vậy, nhà trường cần tạo điều kiện cho giảng viên tiếp cận với kinh nghiệm thực tế bằng cách xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp; tăng cường phối hợp giữa cán bộ giảng viên với các doanh nghiệp, các cơ sở NCKH nhằm nâng cao tính thực tiễn của công tác giảng dạy, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người học. Đồng thời, nhà trường cần đưa ra quy định thời gian thâm nhập thực tế cho mỗi giảng viên.

- Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin cho ĐNGV: Để nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ nhà trường cần thực hiện:

+ Xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng dần mức đầu tư để hiện đại hóa thiết bị về công nghệ thông tin trong trường, tạo điều kiện dễ dàng cho giảng viên và sinh viên học tập, nghiên cứu và sử dụng. Đưa công nghệ thông tin và truyền thông vào nhà trường là một công cuộc cách mạng học đường thực sự, nó có thể giúp con người chọn nhập và xử lý thông tin nhanh chóng để biến thành tri thức, giúp người học định hướng tư duy và thái độ của mình trong thời đại kinh tế tri thức. Một điểm rất mới không thể không nói tới là, thông qua dạy và học bằng công nghệ thông tin sẽ tạo lập phong cách văn hóa mới cho mỗi giảng viên cũng như mỗi sinh viên.

+ Cài đặt các phần mềm dạy học tiên tiến để giảng viên trường có thể tận dụng tối đa hệ thống hỗ trợ dạy và học.

+ Kèm theo những việc làm trên vẫn là các chính sách, chế độ với những giảng viên đã sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin cho việc giảng dạy, cũng như có biện pháp chế tài các đối tượng yếu kém.

- Bồi dưỡng về ngoại ngữ cho đội ngũ: Trước mắt buộc giảng viên tham gia học ngoại ngữ để đạt tiêu chuẩn quy định của ngạch viên chức giảng dạy trong trường đại học, cao đẳng. Tiếp tục liên kết với trường đại học tổ chức dạy tiếng Anh văn bằng 2 cho giảng viên tham gia học tập. Bố trí thời gian hợp lý và khuyến khích tạo điều kiện về kinh phí, tạo điều kiện cho giảng viên học ngoại ngữ để có điều kiện tham gia học sau đại học. Ưu tiên cử giảng viên có trình độ ngoại ngữ tham gia tập huấn hội thảo ở nước ngoài.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ đầu đàn của nhà trường.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Trường CĐKT - KT Trung ương công tác đào tạo, bồi dưỡng ĐNGV của nhà trường một mặt phải đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao phẩm chât chính trị, đạo đức cho đội ngũ. Mặt khác cần quan tâm đến việc nâng cao trình độ tiêu chuẩn nhằm xây dựng lực lượng giảng viên đầu đàn cho các bộ môn, các chuyên ngành đào tạo, nâng dần số lượng giảng viên có trình độ sau đại học ở các khoa theo quy định của trường.

Muốn phát triển ĐNGV đầu đàn và kế cận trước hết phải định hình được cơ cấu tổ chức khoa, tổ bộ môn, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển ĐNGV đầu đàn và kế cận đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, chất lượng củng cố và nâng cao. Xây dựng ĐNGV đầu đàn trước hết phải căn cứ vào trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị của người giảng viên, là điều kiện giúp cho Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đào tạo của nhà trường.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Trung ương (Trang 82 - 87)