Tuyển chọn, sử dụng đội ngũ giảng viên

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Trung ương (Trang 41 - 42)

Lựa chọn cán bộ, giảng viên là một khâu rất quan trọng để tạo nên một đội ngũ có đủ sức thực hiện mục tiêu giáo dục của nhà trường. Về lý luận, lựa chọn cán bộ bao gồm các nội dung chính như: tuyển chọn, đề bạt, luân chuyển và tạo nguồn cán bộ dự bị. Tuyển chọn là quá trình sử dụng các phương pháp nhằm lựa chọn, quyết định xem trong số những người được tuyển xem ai là người có đủ tiêu chuẩn làm việc trong tổ chức. Thực chất của quá trình tuyển chọn là lựa chọn người cụ thể theo tiêu chuẩn cụ thể rõ ràng do tổ chức đặt ra để đạt được mục đích: đủ số lượng, đúng chất lượng. Nhà trường cần đề ra những tiêu chuẩn cụ thể và đặc biệt quá trình phải được tiến hành công khai. [20, tr. 378]

Theo quy định của luật giáo dục 2005: “Việc tuyển chọn nhà giáo cho trường Cao đẳng, trường Đại học được thực hiện theo phương thức ưu tiên tuyển chọn các sinh viên tốt nghiệp Đại học loại khá, giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt và những người có đủ trình độ đại học, sau đại học có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, có nguyện vọng trở thành giảng viên, giáo viên để tiếp tục đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. [27, tr. 55]

Sử dụng cán bộ, giảng viên là khâu trung tâm trong công tác cán bộ vì có sắp xếp, sử dụng hợp lý, đúng người, đúng việc mới giúp cho mọi người phát huy được tài năng, nâng cao chất lượng công tác. Điều đó đòi hỏi người quản lý phải làm tốt công việc sau:

- Hiểu rõ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giảng viên, bố trí đúng người, đúng việc. Phân công giảng dạy phù hợp, phát huy được ưu thế của họ.

- Đề ra được quy chế giảng dạy đúng với điều lệ quy định của Nhà nước ban hành.

- Nắm bắt được sở trường cá nhân, chỗ mạnh và chỗ yếu của mỗi giảng viên để phân công lao động hợp lý và có thể điều chỉnh một cách hợp lý.

- Gắn chặt nghĩa vụ với quyền lợi của giảng viên. Đảm bảo sự công bằng về đãi ngộ.

- Thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng ĐNGV để phát huy ưu, khắc phục khuyết điểm, nhằm xây dựng một tập thể giảng viên mạnh về chuyên môn, vững vàng tay nghề, có phẩm chất tư cách đạo đức tốt.

Để đảm bảo sử dụng tốt đội ngũ cần coi trọng quản lý lao động của cán bộ, giảng viên bao gồm thời gian, năng suất và chất lượng lao động. Đối với giảng viên là quản lý giờ lên lớp, tiến độ thực hiện công tác, kết quả giảng dạy của giáo viên, kết quả học tập của sinh viên. Để quản lý lao động của cán bộ, giảng viên, hiệu trưởng cần phải phân công cho các phó hiệu trưởng, tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn giúp mình trong công tác quản lý.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Trung ương (Trang 41 - 42)