Quy hoạch đội ngũ giảng viên phù hợp với yêu cầu phát triển nhà trường

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Trung ương (Trang 78 - 80)

Quy hoạch hiểu theo nghĩa chung nhất là sự trù tính một cách cụ thể công việc sẽ tiến hành để đạt được kết quả tốt nhất. Đó là sự hoạch định, bố trí, sắp xếp ĐNGV theo một trình tự hợp lý, được thực hiện trong một không gian, thời gian nhất định là cơ sở cho việc xác lập kế hoạch, dự án.

3.2.2.1. Mục đích của biện pháp

Xây dựng được một ĐNGV đủ về số lượng, loại hình, đồng bộ và cân đối về cơ cấu, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn để đủ sức thực hiện nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ. Đồng thời thực hiện kế hoạch chuẩn hoá đội ngũ theo quy định của Bộ, của Ngành.

Thấy trước được những biến động về nhân sự có thể xảy ra trong thời gian từ 5 đến 10 năm về số lượng giảng viên: số giảng viên chuyển đến, số giảng viên chuyển đi, số nghỉ hưu để có kế hoạch bổ sung kịp thời.

3.2.2.2. Nội dung của biện pháp

Căn cứ vào văn bản pháp quy của Nhà nước, của LMHTX Việt Nam về định biên cho trường, căn cứ vào nội dung, kế hoạch đào tạo và thực tiễn Nhà trường. Từ đó xây dựng quy hoạch phát triển ĐNGV

- Xây dựng quy hoạch tổng thể là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trường. Phải tiến hành xây dựng quy hoạch vừa đảm bảo nhiệm vụ trước mắt vừa đảm bảo tính kế thừa và nhiệm vụ lâu dài để đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu loại hình. Có những quy hoạch ngắn (một vài năm) có quy hoạch từ 5 đến 10 năm hoặc 20 năm.

- Xây dựng quy hoạch theo tổ bộ môn, theo trình độ đào tạo, theo thâm niên nghề nghiệp, độ tuổi, nam nữ, đảng viên, đoàn viên, người có điều kiện công tác lâu năm, có đủ ĐNGV cốt cán cho khoa và từng bộ môn.

- Xây dựng quy hoạch về: cấu trúc bộ máy, cơ chế tổ chức, phương pháp quản lý, trình độ quản lý, bồi dưỡng chuyên môn - nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, ..

3.2.2.3. Cách thực hiện biện pháp

Khi xây dựng quy hoạch phát triển ĐNGV của trường cần tiến hành như sau: - Dựa trên các kết quả dự báo và quy hoạch của các ban, ngành về đội ngũ cán bộ, giáo viên và số lượng học sinh, sinh viên trong giai đoạn tới và trong tương lai.

- Căn cứ vào định hướng phát triển GD&ĐT của Ngành, của Nhà trường.

- Lập quy hoạch tổng thể về ĐNGV hiện có và giảng viên dự kiến, hoàn thiện cơ chế quản lý đội ngũ.

Trên cơ sở đó triển khai thực hiện một số công việc cụ thể trong quy hoạch như: việc kế hoạch hoá công tác tuyển dụng, sàng lọc ĐNGV, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ,…

+ Kế hoạch hóa công tác tuyển dụng: Các đối tượng tuyển chọn phải là những giảng viên có khả năng giảng dạy, có năng lực sư phạm, có ngoại hình cân đối. Nếu là sinh viên mới tốt nghiệp phải đúng chuyên ngành và tốt nghiệp vào loại khá, giỏi. Kế hoạch tuyển dụng phải được công khai về chỉ tiêu tuyển dụng, tiêu chuẩn tuyển dụng. Thành lập các hội đồng tuyển dụng, quy chế làm việc và những quy định có liên quan. Nguồn tuyển dụng có thể trong trường, ngoài trường. Sau khi tuyển dụng phải có kế hoạch thử việc tập sự trong một thời gian nhất định, phải có đánh giá sau thời gian tập sự, thử việc. Những giảng viên đạt chuẩn mới tuyển chính thức. Ngoài ĐNGV cơ hữu,

cần có ĐNGV hợp đồng ngắn hạn hoặc dài hạn, với mục đích bổ sung những giảng viên giỏi, khi cần có thể loại những giảng viên chưa đạt yêu cầu. ĐNGV tuyển chọn phải được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ sư phạm, lý luận ngành nghề.

+ Sàng lọc ĐNGV: là một trong các yêu cầu xây dựng quy hoạch ĐNGV. Đây là vấn đề nhạy cảm, việc làm cần thiết vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, chất lượng đào tạo, sự phát triển lâu dài của Trường. Cần phải có quy định cụ thể về sàng lọc ĐNGV, phải được công khai bàn bạc và trở thành quy định chính thức, thành văn bản có tính pháp quy trong nhà trường. Nghị quyết 16/2000/NQ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ quy định đối với giảng viên không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, cần có những hình thức sàng lọc như sau: nếu yếu về chuyên môn thì phải được bồi dưỡng về chuyên môn, tạo điều kiện cho các giảng viên đó học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nếu không thể đi học được thì có thể chuyển sang công việc khác hoặc đi đào tạo lại hoặc chuyển xuống giảng dạy ở một trình độ thấp hơn; nếu quá yếu chuyên môn, thì giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm.

+ Bổ nhiệm, đề bạt cán bộ: là khâu quan trọng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch ĐNGV. Những giảng viên được bổ nhiệm, đề bạt chứng tỏ có năng lực chuyên môn và năng lực quản lý, họ đáp ứng được yêu cầu, vị trí công việc quản lý, tạo ra sức bật mới cho cơ sở đào tạo. Bổ nhiệm, đề bạt cán bộ phải được quy định chặt chẽ theo điều lệ của trường đại học, cao đẳng. Những cán bộ quản lý không hoàn thành nhiệm vụ hoặc mắc những sai lầm nghiêm trọng trong công tác quản lý cũng phải được miễn nhiệm, thôi chức, hoặc cách chức tùy theo mức độ vi phạm Điều lệ trường đại học, cao đẳng.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Trung ương (Trang 78 - 80)