II. PHẦN NỘI DUNG
2.1.1 Khái niệm về “Quan niệm nghệ thuật”
Trong vài chục năm gần đây, cùng với các khái niệm: Tiến trình văn học, Phong cách nghệ thuật, Thời gian nghệ thuật, Không gian nghệ
thuật,…Quan niệm nghệ thuật là khái niệm được giới nghiên cứu văn học rất
quan tâm. Nó được coi là công cụ đắc lực cho việc khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn. Bởi lẽ, để sáng tạo một tác phẩm văn học, nhà văn phải có quan niệm về thế giới ấy qua góc nhìn nghệ thuật như một điều kiện không thể thiếu. Bằng việc tìm hiểu khái niệm quan niệm nghệ thuật trong giới
nghiên cứu văn học Xô Viết, GS. Trần Đình Sử cho rằng: “Quan niệm nghệ
thuật là một phạm trù nghệ thuật học, nó gắn bó với quan niệm thế giới quan, triết học, xã hội học về con người và thế giới nói chung, nhưng tự bản thân nó
đã là một “ý thức hệ” đặc biệt gắn liền với miêu tả nghệ thuật” [32].
Như vậy, cái thúc đẩy sức sáng tạo nghệ thuật chính là quan niệm nghệ thuật về cuộc đời và con người thể hiện sự đồng nhất giữa hiện thực được phản ánh và năng lực cắt nghĩa, lý giải nghệ thuật của nhà văn. Ứng với một quan niệm về cuộc đời, con người là một thế giới nghệ thuật tồn tại ngay trong khám phá của nhà văn. Trên cơ sở quan niệm nghệ thuật đã hình thành trước trong tư duy, trong cảm xúc, các nhà văn, nhà thơ có thể lựa chọn và xây dựng hình tượng nghệ thuật phù hợp cho sáng tác của mình. Và mỗi hình tượng như vậy trong các tác phẩm khác nhau của cùng một tác giả lại gặp nhau ở cùng một điểm dưới sự chỉ đạo về quan niệm nghệ thuật của tác giả.