II. PHẦN NỘI DUNG
2.2.2.2 Cảm hứng chiến tranh và người lính
Nhà văn Chu Lai đã từng viết “Chiến tranh …là cái quái gì ấy? Phải
chăng nó chỉ gói gọn trong một định nghĩa là ngày nào cũng nhìn thấy người
chết” (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai). Và như một nhạc sĩ nào đó đã viết “Bởi
chiến tranh đâu phải trò đùa”. Đất nước ta từ mấy ngàn năm có khi nào hết
chiến tranh. Lớp lớp trai tráng đã ra đi bảo vệ quê hương. Vì thế nên cảm hứng về người lính và chiến tranh là nguồn đề tài bất tận của nhiều nhà văn,
nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ…. Với người xưa thì đó là “cổ lai chinh chiến kỉ nhân
hồi”. Chiến tranh đồng nghĩa với nó là lửa đạn, là ác liệt. Thế nhưng, nếu không có những năm tháng lửa đạn, ác liệt, mất mát ở chiến trường hẳn Bảo
Ninh sẽ không thể viết hay và xúc động đến thế về Nỗi buồn chiến tranh. Và
không có những năm tháng chiến tranh, Hoàng Nhuận Cầm không thể viết những câu thơ chan chứa hoài niệm:
Trả cho em nước mắt Lăn ngang ngực đàn bà Trả cho anh cát bụi
Những đêm hành quân xa.
(Mây rất thờ ơ)
Có nhà phê bình đã cho rằng đây là những câu thơ biểu tượng cho cả
một thời kì, nó như một lời đề tựa của Nỗi buồn chiến tranh. Người lính trong
thơ Hoàng Nhuận Cầm đã sống và chiến đấu: Và cỏ đã cháy đen
Trong đợt bom nối tiếp Anh không có gì để tiếc Cơn lửa ào ào bốc qua vai.
Chiến tranh đã giết màu xanh trên cỏ và người lính thực sự bước vào cuộc chiến ác liệt. Người lính ra chiến trường với khát khao giết giặc để bảo vệ quê hương, để cắt đi dây kẽm gai dài chia đôi hai miền đất nước, để cho cò thẳng cánh bay suốt từ Bắc vào Nam. Người lính Hoàng Nhuận Cầm trên chiến trường năm nao luôn muốn nhìn thấy:
Là khi xác trực thăng rơi
Là khi xác giặc quanh đồi ngổn ngang.
(Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt)
Cuộc kháng chiến chống Mĩ là cuộc chiến vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc và cũng là cuộc chiến trường kì, ác liệt và gian khổ nhất. Chiến trường có lúc nào ngơi bom đạn:
Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé Tiếng cuối cùng khẩu súng nắm trên tay
(Phương ấy)
Tiếng “đạn xối”, “đạn xé” rát mặt là khoảng cách giữa sự sống và cái
chết chỉ trong gang tấc. Thơ viết về chiến tranh của Hoàng Nhuận Cầm đầy chất hiện thực. Cuộc chiến tranh từng tham gia để lại dấu ấn trong thơ anh khá đậm nét. Đọc những vần thơ lửa cháy đó, những người chưa đặt chân tới chiến trường cũng có thể hình dung ra “công sự”, “chiến hào”, “đồi chốt”,
“cao điểm”, “bom đạn”... tất cả đều đi vào thơ và trở thành cảm hứng của con
người vừa cầm súng vừa cầm bút, vừa là thi sĩ vừa là chiến sĩ, vừa anh hùng mà cũng rất đỗi đời thường.
Cuộc chiến nào cũng để lại những hi sinh và mất mát. Để dành được độc lập như ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam đã phải hi sinh hơn hai triệu người con ưu tú. Họ nằm lại suốt chiều dài đất nước, gửi thân mình vào đất
mẹ giữa tuổi hai mươi. Họ hi sinh vì dân tộc có thể có tên tuổi được lưu danh, nhưng cũng nhiều người trở thành vô danh. Chính họ đã hoá thân vào cuộc đời và làm nên đất nước hôm nay. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng ca ngợi:
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...
(Trích: trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
Hoàng Nhuận Cầm đã chứng kiến bao đồng đội anh nằm xuống: Tổ quốc và thơ những điều con đã thấy
Trên khuôn mặt đồng đội lúc ra đi.
(Buổi sáng trên chốt)
Còn gì đau xót hơn khi chứng kiến đồng đội mình nằm lại giữa cây cỏ, phút thiêng liêng ấy nào có thể phai trong tâm hồn người lính:
Đã rất gần ngày lớn lao kia
Ngày vui đến đầm đìa khuôn mặt Có ai nói về hi sinh, đất nước Mà tim không thắt lại bao giờ.
(Buổi sáng trên chốt)
Họ hi sinh cuộc đời mình để cho đất nước hát bài ca thống nhất, cái
chết đến với họ thật thanh thản “nhẹ tựa lông hồng”, bởi họ đã hi sinh cho Tổ
quốc thân yêu của mình:
Nếu được chết cho quê hương con sẽ chết như bạn bè con thế đấy Với câu Kiều trên miệng, súng trên tay.
Trong suốt những năm tháng bi tráng của cuộc đời anh, có “những căn
hầm, nấm mộ, nhắc tên đã thấy bơ phờ”, có những cơn khát “bóp méo bi
đông”, ngồi “mơ ruộng dưa hấu đỏ”. Chiến tranh trong thơ Hoàng Nhuận
Cầm là như thế, chiến tranh qua đi chỉ còn “cỏ héo đi quanh những nấm mồ”,
chỉ còn “gió cỏ luồn qua những đống sắt còng queo”, nhưng đó còn là “mùa
hoa bất tử” trong đời. Màu đỏ của những mùa hoa ấy là màu đỏ của máu anh
và đồng đội đã đổ xuống cho đất nước được bình yên. Hoàng Nhuận Cầm đã
từng nói “những chiếc ba lô trong thơ tôi bây giờ còn tồn tại dai dẳng và khét
lẹt hơn chính những chiếc ba lô đã mục nát trong rừng Trường Sơn” (Đôi
điều giới thiệu về Hoàng Nhuận Cầm nhân dịp đoạt giải Hội Nhà văn 1993). Thực vậy, đời lính đã ghi dấu vào thơ anh như một điểm nhấn đặc biệt để người đọc nhận ra anh.
Chiến tranh và người lính trong thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng có những gì tàn khốc nhất, những gì đau đớn nhất và bi tráng nhất. Nhưng khác với mạch thơ chiến trận khác, bởi bom đạn, khói lửa, dây kẽm gai... đi vào thơ anh thật hồn nhiên:
Đạn đã được lắp vào băng Mặt trận đêm nay im ắng quá Gió đẩy dọc chiến hào mùi rơm rạ Người lính ngồi, trái thủ pháo cầm tay.
(Trong chiến hào biên giới)
Trong thơ anh, đôi mắt mang hình họng súng, nỗi nhớ vụt qua như ánh
lửa đạn và những vùng trời cách trở bằng tiếng bom... Những vần thơ ra đời giữa mặt trận chỉ được ghi bằng trí nhớ ấy dẫu có đạn bom, có gian khổ và hi sinh nhưng vẫn là những rung cảm rất đỗi tinh khiết của chàng trai hai mươi tuổi trước cuộc đời. Những năm đời lính ấy tuy không nhiều nhưng đủ để lại dấu ấn đậm nét trong kí ức và trong thơ Hoàng Nhuận Cầm. Người thi sĩ -
chiến sĩ ấy đã coi miền kí ức về thời đánh giặc là “Phương ấy”, một nơi yêu
dấu cho những hoài niệm, cho những yêu thương và cống hiến. “Phương ấy”
có tình yêu dành cho đồng đội và cho Tổ quốc, “Phương ấy còn ở mãi trong
tôi”:
Là cái phương sao quá bồn chồn Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói Vết thương đỏ viên đạn thì sáng chói Chiếc lá xanh kì lạ trút trong đời.
Hay: Là cái phương chưa rõ cả mặt em
Chưa kịp khóc bao bạn bè nhắm mắt Là cái phương nấm mộ người giữ đất Chớp bên đường như một ánh sao nâu.
(Phương ấy)
Hoàng Nhuận Cầm viết rất nhiều về người lính bởi anh cũng là một người lính. Một người lính thực sự đã cầm súng chiến đấu trên chiến trường, hơn ai hết anh hiểu mình và thế hệ mình, nên khi viết về người lính cũng là lúc anh viết về chính mình. Cái tôi tác giả và cái tôi trữ tình hoà làm một rất khó phân biệt. Người lính trong thơ Hoàng Nhuận Cầm khác với người lính trong thơ của các thế hệ đàn anh như Nguyễn Đình Thi, Hồng Nguyên, Trần
Hữu Thung... Và cũng khác với các nhà thơ cùng thế hệ để tạo nên được “một
tiếng thơ riêng khó lẫn”. Những nhà thơ đàn anh cùng thế hệ với Hoàng
Nhuận Cầm như Bằng Việt, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Tiến Duật... trong những năm chống Mĩ đều là những nhà thơ trẻ - chiến sĩ trẻ. Nếu anh lính lái xe của Phạm Tiến Duật mang phong cách ngang tàng, thì anh lính trong thơ Hoàng Nhuận Cầm lại tinh nghịch. Nếu anh lính trong thơ Nguyễn Duy già dặn, chín chắn; thì anh lính trong thơ Hoàng Nhuận Cầm lại trẻ trung và hồn nhiên. Anh lính trẻ trong thơ Hoàng Nhuận Cầm như một cậu học trò mặc áo
xanh, những anh lính nhìn đời bằng đôi mắt của cậu học trò áo trắng. Điều đó thực dễ hiểu, bởi đó là những người lính vừa tạm biệt sân trường, giảng đường, tạm biệt thầy cô và lớp học để lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc thân yêu. Hành trang để các anh bước vào chiến trường đầy khốc liệt là những kỉ niệm tuổi thơ. Chiếc ba lô lên đường xanh màu nước dòng sông quê hương, báng súng anh cầm mang màu đất phù sa, và:
Nhưng trong những chiếc ba lô kia, ai bảo là không có Một hai ba giọng hát chú ve kim.
(Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu)
Chỉ có vậy thôi nhưng sâu nặng lắm, thương nhớ lắm. Anh lính trẻ tự
hứa với lòng mình thay việc bắt ve, “Ta lùng bắt quân thù quanh mỗi gốc xà
nu”. Liệu đây có phải là câu xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành mà Hoàng Nhuận Cầm còn nhớ khi học phổ thông, hay cây xà nu thật anh gặp trên chặng đường chiến đấu? Vào chiến trường, mỗi ngày đối với anh lính trẻ là một ngày kỉ niệm:
Sáng:
Bình minh ấy là bình minh kỉ niệm Chiều:
Hoàng hôn như lạ lại như quen Tối:
Tắc kè ném lưỡi vào đêm.
(Nhật kí)
Những dòng nhật kí bằng thơ của những ngày đầu đi đánh giặc là vậy, vẫn tràn ngập kỉ niệm, vẫn có gì vừa quen vừa lạ. Rừng Trường Sơn hoang vu vừa bí ẩn vừa gần gũi với anh lính trẻ từ đây sẽ gắn bó với anh suốt mấy năm trời và “Đêm Trường Sơn ngôi sao như trong hơn”. Đó là ngôi sao của lý tưởng, của tuổi trẻ tràn đầy niềm tin và hi vọng. Rừng Trường Sơn ngàn năm
ngủ yên nay bỗng chuyển mình vì những đoàn quân trùng trùng điệp điệp.
Đại ngàn sẽ là nơi thay đổi lịch sử dân tộc và cũng là nơi anh lính trẻ “hát và
đánh giặc”. Giữa những trận đánh vừa tan khói bom mà người lính vẫn yêu
đời, vẫn hát lên bài hát của tuổi trẻ, của ước mơ. Cuộc chiến tranh dường như không ảnh hưởng đến những tâm hồn trẻ trung của người lính hoà mình vào với cuộc sống thiên nhiên giữa đại ngàn:
Bứt ngọn cỏ lên cho thấu tận trời xanh Huế bảo quê nhà giờ đang mùa cấy Cả Hùng nữa, sao cứ cười hoài vậy Nhớ cô bạn nào hay hát bâng quơ.
(Bức tranh dọc đường hành quân)
Hoàng Nhuận Cầm cũng dành nhiều trang thơ để viết về tuổi hai mươi. Tuổi của anh và thế hệ anh đã cống hiến tuổi xuân, sức trẻ cho đất nước:
Ngay khi mình 20 tuổi - thời gian Nếu không nhanh – ta chậm mất rồi.
(Ngay khi mình 20 tuổi)
Con đã sống những ngày cao đẹp nhất Tuổi hai mươi chỉ có một lần.
(Buổi sáng trên chốt)
Mặt trận xưa, đường trưa dưa cỏ mật Ơi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi.
(Phương ấy)
Sáng nay tuổi hai mươi Bùng lên như viên đạn.
(Trong chiến hào biên giới)
Tuổi hai mươi trong thơ Hoàng Nhuận Cầm đẹp và mãnh liệt. Một lần được sống ở tuổi hai mươi phải sống cho trọn vẹn. Hoàng Nhuận Cầm đã nói
hộ cho cả một lớp người cùng thế hệ anh. Tuổi hai mươi - người lính trong thơ Hoàng Nhuận Cầm tràn đầy ước mơ, khao khát tuổi trẻ và niềm tin tưởng vào tương lai:
Có thể rồi sau sẽ gian khó hơn
Nhưng cái chết sẽ thuộc về chúng nó Rừng của ta dẫu na-pan giặc thả Vẫn bật chồi đất hát những mầm cây.
(Bức tranh dọc đường hành quân)
Anh lính trẻ tin tưởng vào ngày chiến thắng, ngày đấy không còn xa nữa rồi anh được trở về với gia đình, với thủ đô yêu thương, với lớp học, thầy cô, bạn bè:
Loé cánh rừng là những phút bình minh Mặt trời lên một chấm tròn khao khát.
(Tâm sự tiểu đội gác rừng)
Anh lính trẻ trong thơ Hoàng Nhuận Cầm là như thế: trẻ trung và hồn nhiên như một cậu học trò nhưng cũng mong sống hết mình cho đất nước. Anh lính ấy nhiều mộng mơ và hoài bão nhưng cũng không bao giờ thôi hi vọng vào tương lai cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Đây chính là những hình ảnh đẹp về người lính, họ đã sống hồn nhiên nhất, đẹp nhất cho khúc hát tuổi hai mươi.
Có thể nói, cảm hứng về chiến tranh và người lính là nguồn cảm hứng lớn của thời đại. Hoàng Nhuận Cầm cũng hoà thơ mình vào dòng cảm hứng chung ấy, bởi anh cũng là người đứng trong dòng lịch sử bão táp ấy để nếm trải những gian lao và thử thách. Nhưng trong cái chung, Hoàng Nhuận Cầm vẫn tìm được cái riêng cho thơ mình, đó mới là cái tài làm nên “thương hiệu riêng” của người nghệ sĩ.