II. PHẦN NỘI DUNG
3.1.1 Biểu tượng mùa hoa phượng cháy
Hoa phượng từ lâu đã được coi là màu hoa của tuổi học trò. Và hoa phượng có lẽ cũng là loài hoa mà Hoàng Nhuận Cầm yêu mến nhất như yêu một thời áo trắng. Vì thế nên hầu như trên bất cứ một trang thơ nào viết về mái trường trong thơ anh đều thấp thoáng một màu đỏ đến nao lòng, một màu đỏ mãnh liệt đến dai dẳng:
Điệp khúc ấy cháy bùng hoa phượng sớm Có ngôi sao cách biệt tháng năm ròng.
(Giữa hai hàng lục bát)
Và còn lời nào đẹp hơn dành cho loài hoa của tuổi học trò hơn những vần thơ của Hoàng Nhuận Cầm:
Phượng hồng ngỡ ngủ quên trong sách Những cánh hè nay hát giữa tay em.
(Giữa hai hàng lục bát)
Màu hoa phượng đỏ ối như sắc nắng chói chang của mùa hè gợi biết bao điều. Nhưng có lẽ màu hoa phượng nở trên những trang thơ Hoàng Nhuận Cầm là dành tặng cho mái trường, cho lứa tuổi học sinh nhiều mơ ước… đầy ngây thơ và trong sáng:
Và bông trang nở thật điềm nhiên Lũ ve lại học bài trong khóm phượng.
(Giữa hai hàng lục bát)
Ai đã từng cắp sách qua thời học phổ thông mà không yêu loài hoa ấy – màu hoa đỏ một màu ước mơ và bỏng cháy một trời hi vọng. Những mùa hoa
phượng đi qua trang thơ anh đều là “mùa phượng cháy”, cháy lên bởi màu đỏ
như lửa, cháy lên bởi những tình cảm trong sáng và tha thiết mà anh đem tới cho lứa tuổi học trò.
Hình ảnh hoa phượng đỏ không phải là hình ảnh mới xuất hiện trong thơ ca. Ngược lại, phượng đỏ đã từng trở thành biểu tượng thơ dành cho lứa tuổi học trò. Nhạc sĩ Đỗ Trung Quân đã từng viết những ca từ ngọt ngào về
loài hoa này: “Những chiếc giỏ xe trở đầy hoa phượng. Em trở mùa hè của tôi
đi đâu. Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám. Tuổi chẳng ai hay thầm
lặng mối tình đầu…”.
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh Chẳng chịu cho lòng ta yên.
(Thời hoa đỏ - Thanh Tùng)
Với Hoàng Nhuận Cầm, màu hoa phượng đỏ thật nhiều ý nghĩa. Hoa phượng là hình ảnh xuyên suốt trong thơ anh không chỉ những bài thơ viết về mái trường, mà ngay cả trong chùm thơ viết về thời lính, khi anh đã tạm biệt
“Cành phượng hồng thương mến nhất” để vào chiến trường:
Mùa khai giảng tưng bừng trong trống trận Chùm phượng xoà trên áo trắng ca dao.
(Giữa hai hàng lục bát)
Những câu thơ đầy gợi cảm, gợi cảm bởi mỗi hình ảnh là một hồi ức. Tiếng trống gợi lại những mùa khai giảng đã qua và những mùa khai giảng đang đợi ở phía trước. Hoa phượng cũng như màu áo trắng tinh khôi là những kí ức đẹp về thời cắp sách. Màu hoa đỏ ấy đã từng làm anh bối rối:
Biết kể làm sao chong chóng quay Biết hát làm sao hoa phượng đỏ.
(Giữa hai hàng lục bát)
Biết hát gì về loài hoa đỏ thắm? Biết nói gì về tuổi học trò đã đi qua cùng sự hồn nhiên và trong trắng? Dù sau này tháng năm có đi qua và kèm theo những cách biệt về tuổi tác nhưng tình yêu hoa phượng trong anh vẫn mãnh liệt. Viết về hoa phượng, dường như ngòi bút của anh không bao giờ giữ được sự thản nhiên bởi màu hoa ấy rực rỡ quá, cháy bỏng quá. Hoàng Nhuận Cầm đã dành những vần thơ da diết để viết về hoa phượng như sự kết thúc của tuổi học trò trong chiến tranh:
Nhớ thu đến hạ đi trong trống trận Tiễn tuổi thơ không một tiếng kèn
Đó hoa phượng! Ôi mười năm hoa phượng Rơi ngút ngàn trên những hố bom đen.
(Dưới màu hoa rất đỏ)
Đối nghịch với tuổi học trò trong trẻo của một màu hoa phượng bừng cháy là những hố bom đen chết chóc. Hình ảnh hoa phượng bây giờ đã trở thành hình ảnh bi tráng cho một thế hệ chứ không còn là hình ảnh đẹp của
một lứa tuổi nữa. Biểu tượng hoa phượng “Rơi ngút ngàn trên những hố bom
đen” gợi đến một thế hệ đã gửi tuổi trẻ trong bom đạn chiến tranh chứ không
phải trên sân trường. Câu thơ đẹp nhưng xót xa đến lạ kì… Cái màu đỏ ấy gợi nhiều đến màu máu – máu của một thế hệ đã đổ xuống để có được độc lập và tự do cho dân tộc:
Đường cha bước những ngày hoa đỏ thắm Rơi như mưa, như máu đỏ bên đường.
(Nhớ ngày mai)
Hoa phượng đã trở thành loài hoa của tuổi trẻ, nhưng đó là tuổi trẻ sống trong thời kì lịch sử nghiệt ngã bởi họ không được đi trọn những mùa hoa. Chính từ những mất mát, hi sinh đó mà anh viết:
Máu bạn bè đổ ra theo mỗi bước Ôi! Máu hoa phượng quá hồng tươi.
(Giữa hai hàng lục bát)
Thời gian chảy trôi, tuổi học trò thành kỉ niệm nhưng hoa phượng vẫn theo nhà thơ như một ám ảnh mạnh mẽ:
Và như thế mười năm bớt dại Nỗi khôn ngoan ám sát học trò Cà fê rót đầm đìa qua phượng đỏ Ngày cuối cùng ta vứt hết ngây thơ.
Hình ảnh hoa phượng mang một màu sắc thật lạ “Cà fê rót đầm đìa qua
phượng đỏ” và từ giã tuổi học trò cũng có ý nghĩa từ giã tuổi thơ ngây, từ giã
tuổi đẹp nhất, tuổi dại khờ nhưng thật đáng yêu và đáng nhớ. Hoa phượng cũng như mái trường, khăn quàng, lớp học, thầy cô, bè bạn… trong thơ Hoàng Nhuận Cầm là những hoài niệm đẹp về thời học sinh nhiều mơ mộng, xao xuyến, bồi hồi. Những cánh phượng hồng rơi xuống trang thơ anh là những cánh hoa đẹp và giàu tính biểu tượng. Loài hoa đó biểu trưng cho một lứa tuổi đồng thời cũng biểu trưng cho một thế hệ, một thế hệ có những mùa hoa dang dở và ngã xuống để màu hoa ấy được đỏ mãi và rực cháy mãi.
Mỗi loài hoa là một biểu tượng. Hoa hồng kiêu sa là biểu tượng của tình yêu nồng cháy. Bằng lăng tím một màu mơ mộng là biểu tượng của thời sinh viên nhiều hoài bão. Còn phượng hồng mỏng manh mãi là cánh hoa của tuổi học trò hồn nhiên, ngây thơ. Hoa phượng trong thơ Hoàng Nhuận Cầm không đơn giản là loài hoa của tuổi học trò, mà đó còn là loài hoa biểu tượng cho một thế hệ mất mát, nhiều đau khổ khi đi qua chiến tranh. Họ giống như cánh phượng mới hé mà chưa kịp đón hè sang.