TẠI ĐÔNG Á
Công nghiệp điện tử có thể coi chính là động lực của cạnh tranh toàn cầu ngày nay, vì thế ngày càng nhiều quốc gia hướng đến việc phát triển ngành công nghiệp này. Hơn bất cứ ngành công nghiệp nào, cạnh tranh trong ngành công nghiệp điện tử đã phá vỡ biên giới quốc gia và biên giới ngành nghề. Để có thể cạnh tranh trong ngành công nghiệp này, một công ty phải có khả năng quốc tế hóa, trên quy mô toàn cầu, các tài sản và năng lực sản xuất đặc biệt bao gồm các hiểu biết về công nghệ, có khả năng tổ chức, tài chính, có kinh nghiệm sản xuất, có mạng lưới nhà cung cấp và khách hàng cũng như có sự nhạy bén với thị trường. Những nhân tố này là vô cùng quan trọng bởi vì chúng có thể giúp các công ty có những bước phát triển kịp thời và thương mại hóa đa dạng các chủng loại hàng hóa và dịch vụ điện tử một cách hiệu quả. Và điều quan trọng nhất chính là việc một hãng có thể xây dựng các nguồn lực của mình nhanh hơn và tốn ít chi phí hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Công nghiệp điện tử bao phủ một phạm vi rộng rãi các sản phẩm từ cao cấp như các bộ vi xử lý đến các sản phẩm dân dụng truyền thống có thể sản xuất theo số lượng lớn như các thiết bị điện tử gia dụng như quạt điện, TV, máy điều hòa nhiệt độ…Ngành công nghiệp này có thể coi là sự tổng hòa của rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau và có vai trò nhất định trong bất cứ ngành công nghiệp nào.
Vì vậy lẽ đương nhiên là ngày càng nhiều công ty, đặc biệt là các công ty đa quốc gia đang tập trung vào ngành công nghiệp điện tử để hướng tới cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu và con đường để thực hiện chiến lược đó là thông qua mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Như trên đã phân tích, việc hình thành mạng lưới sản xuất thường được áp dụng đối với những hàng hóa trung cấp trở lên. Điện tử chính là ngành công nghiệp thích hợp nhất đối với việc hình thành mạng lưới sản xuất, đặc biệt là ở
khu vực Đông Á. Dưới đây sẽ lý giải tại sao mạng lưới sản xuất điện tử lại là mạng lưới nổi bật và quan trọng nhất ở khu vực Đông Á:
Trước hết phải khẳng định rằng ngành công nghiệp điện tử là một trong những động lực chủ yếu cho sự phát triển kinh tế vượt bậc của các quốc gia Đông Á trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Ngành công nghiệp này là một trong những ngành công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất trong sản xuất và xuất khẩu trên thế giới. Điều này đặc biệt đúng đối với khu vực Đông Á vì sản lượng xuất khẩu và tăng trưởng sản lượng đầu ra của các quốc gia này vượt xa mức trung bình của thế giới và giữ được mức thị phần ổn định trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Ngoài việc mở rộng xuất khẩu, ngành công nghiệp này cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa thành công ở khu vực, đóng góp đáng kể vào việc tạo ra công ăn việc làm, tạo ra giá trị gia tăng và tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Thứ hai, tốc độ phát triển nhanh chóng của sản lượng đầu ra cũng như sản lượng xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử đã được thúc đẩy bởi dòng vốn FDI khổng lồ ở các quốc gia phát triển. Một kết quả quan trọng của việc công nghiệp hóa theo hướng FDI đã tạo ra những mối liên kết khu vực chặt chẽ và phức tạp hơn so với mô hình trao đổi thương mại thông qua chiều dài cánh tay trước đây. Lượng vốn FDI khổng lồ cho phép một số lượng lớn các công ty địa phương trong khu vực có thể chia sẻ một số phần của mạng lưới sản xuất quốc tế. Cuối cùng, một lý do kỹ thuật quan trọng đó là quá trình sản xuất điện tử dễ dàng phân mảng sản xuất hơn bất cứ quá trình sản xuất sản phẩm nào khác (kể cả so với ô tô – một sản phẩm có mạng lưới sản xuất cũng phát triển). Ngành công nghiệp này bao trùm một phạm vi rộng lớn các sản phẩm từ những sản phẩm công nghệ cao như các vi mạch hay bộ vi xử lý để những sản phẩm gia dụng bậc trung như TV, máy catsette, máy tính cá nhân…Đồng thời ngành công nghiệp này cũng sản xuất và sử dụng một số lượng lớn các hàng hóa trung cấp và
mở ra nhiều cơ hội cho việc thuê ngoài và sử dụng các nhà thầu phụ trong phạm vi địa phương cũng như trên phạm vi quốc tế.
Ở đây, chúng ta cần nhấn mạnh sự khác nhau nữa giữa ngành công nghiệp điện tử so với ngành công nghiệp ô tô. Ngành công nghiệp điện tử thường dễ hướng đến việc xuất khẩu nhiều hơn so với ngành công nghiệp ô tô và điều này phù hợp với chiến lược phát triển của phần lớn các nước Đông Á. Vì thế chuỗi giá trị của các sản phẩm điện tử thường khá mở, dựa trên cơ sở ngắn hạn, phi tập trung và rất nhanh nhạy trong việc kết nối mạng lưới cung cấp. Sản xuất điện tử chính là một đối tượng nghiên cứu tốt nhất cho mạng lưới sản xuất, đặc biệt là mạng lưới sản xuất ở khu vực Đông Á.