II. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐỂ VIỆT NAM THAM GIA THÀNH CÔNG TRONG MẠNG LƯỚI SẢN XUẤT ĐIỆN TỬ
3.2.3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Để hiểu được công nghệ mới, một hãng cần có đủ điều kiện nhất định về nguồn nhân lực nào đó. Về bản chất, năng lực này được thể hiện thông qua chất lượng của các nhà quản lý và đội ngũ lao động tại hãng. Nếu mức độ học vấn bình quân thấp thì khả năng làm chủ công nghệ chứ chưa nói đến khả năng cải tiến công nghệ là rất thấp. Như vậy, điều kiện để một hãng tiếp thu công nghệ thành công là tối thiểu hãng đó phải thuê được đội ngũ nhân công có kỹ năng cao. Vậy thì một công ty ở Việt Nam muốn có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì có thể thực hiện những biện pháp nào:
- Thứ nhất là cần có một quy trình tuyển dụng nhân lực kỹ lưỡng và bài bản. Việc dựa vào bằng cấp trong tuyển dụng nên hạn chế để giảm bỏ tình trạng đội ngũ sinh viên mới ra trường chỉ chạy theo bằng cấp và lý thuyết suông mà không có năng lực làm việc thực tế. Các yêu cầu tối thiểu về nhân lực hiện nay để có thể phát triển trong lĩnh vực công nghiệp điện tử và qua đó tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu đó là phải có hiểu biết về công nghệ thông tin, có trình độ ngoại ngữ khá để có thể tiếp thu tri thức và công nghệ, có đủ các kỹ năng mềm cần thiết trong công việc và có một trình độ chuyên môn nhất định (đặc biệt là đối với các kỹ sư trong ngành điện tử).
- Thứ hai là cần có quá trình đào tạo lại thường xuyên nguồn nhân lực để có thể băt kịp được với sự thay đổi của môi trường kinh tế. Các doanh nghiệp có
thể tổ chức các khóa đào tạo nội bộ hoặc cử chuyên gia đi nươc ngoài học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu công nghệ để có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong mạng lưới sản xuất toàn cầu.
- Thứ ba, các doanh nghiệp cần xây dựng môt văn hóa công ty tốt thì mới có thể thu hút được sự hợp tác đầu tư của các đối tác, đồng thời tạo cho nhân viên tinh thần dám nghĩ dám làm, không ngừng sáng tạo để có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường canh trạnh ngày một khốc liệt.
KẾT LUẬN CHUNG: Như vậy, Việt Nam muốn tham gia thành công trong mạng lưới sản xuất điện tử toàn cầu thì trước tiên phải thực hiện các chính sách mở cửa để cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào, qua đó tiếp thu công nghệ và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Nhưng điều quan trọng nhất trong mọi giải pháp đưa ra ở trên đó là việc phát triển nguồn nhân lực, vì nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò quyết định trong việc tiếp thu công nghệ, thu hút FDI và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Đầu tư cho nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt là nhân lực khoa học công nghệ có thể chính là con đường đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa phát triển, từ chỗ chỉ là người tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu trở thành một người làm chủ mạng lưới trong tương lai.
KẾT LUẬN
Mạng lưới sản xuất quốc tế có thể coi là một trong những nhân tố có tính chất quyết định trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa và hợp tác giữa các quốc gia trong thời đại ngày nay. Mạng lưới sản xuất quốc tế mở ra cơ hội cho mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường thế giới, song để có thể gặt hái được thành công thì không phải doanh nghiệp nào, quốc gia nào cũng có thể làm được. Để tham gia thành công vào mạng lưới sản xuất toàn cầu thì các công ty phải có khả năng cung cấp một loại sản phẩm chuyên biệt nhất định theo đúng tiêu yêu cầu về số lượng và chất lượng, cung cấp đúng lúc và đáp ứng được một loạt các tiêu chuẩn ngày càng khắc nghiệt của thị trường toàn cầu.
Hiện nay, mạng lưới sản xuất điện tử quốc tế ở Đông Á là một trong những mạng lưới sản xuất phát triển nhất và nhiều công ty đa quốc gia đã gặt hái được nhiều thành công nhờ mạng lưới sản xuất này. Riêng mạng lưới sản xuất khu vực còn có nhiệm vụ đẩy mạnh liên kết của cộng đồng Đông Á trên nhiều phương diện, mặc dù liên kết thông qua mạng lưới sản xuất khu vực là kiểu liên kết không chính thức. Việt Nam là một nước mới chỉ ở giai đoạn đầu của việc hội nhập với mạng lưới và chủ yếu tập trung vào các phân khúc sản xuất cần
nhiều sức lao động. Trong tương lai gần, Việt Nam cần phải phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và cải thiện môi trường đầu tư, cũng như đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ để có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quá trình công nghiệp hóa. Nhưng xét cho cùng, tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực cũng hay mạng lưới sản xuất toàn cầu thì đích đến cuối cùng cũng là phải tạo dựng được một nền công nghiệp phát triển của riêng mình, không thể mãi mãi hoàn toàn phụ thuộc vào các nước khác. Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ vào sự nỗ lực của cả chính phủ và bản thân các doanh nghiệp, trong đó đầu tư cho nguồn nhân lực chính là sự lựa chọn đúng đắn.