5. Bố cục của luận văn gồm 4 chương
1.2.2.2. Kinh nghiệm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Việt Nam
Khu vực nông thôn và sản xuất nông nghiệp ở nước ta luôn chịu tác động và chi phối mạnh mẽ của quy luật sinh học và các điều kiện tự nhiên cụ thể của từng vùng, tiểu vùng như: đất đai, khí hậu, thời tiết... Do đó, tính thời vụ trong nông nghiệp rất cao, thu hút lao động không đều, trồng trọt lao động chủ yếu tập trung vào thời điểm gieo trồng và thu hoạch, thời gian còn lại là nhàn rỗi, đó là thời gian lao động “nông nhàn” trong nông thôn. Thời gian nông nhàn, một bộ phận lao động nông thôn chuyển sang làm các công việc phi nông nghiệp hoặc đi sang các địa phương khác làm việc để tăng thu nhập.
Thời gian nông nhàn cùng với thu nhập thấp trong sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân đầu tiên gây nên hiện tượng di chuyển lao động nông thôn từ vùng này đến vùng khác, từ nông thôn ra thành thị tạm thời hoặc lâu dài.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp bắt nguồn từ lao động của kinh tế hộ gia đình là chủ yếu, các thành viên trong gia đình có thể chuyển đổi, thay thế để thực hiện công việc của nhau. Vì vậy, chú trọng thúc đẩy việc phát triển các hoạt động khác nhau của kinh tế hộ gia đình là một trong những biện pháp tạo việc làm có hiệu quả. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tạo ra những sản phẩm hàng hóa tiêu dùng độc đáo vừa có giá trị sử dụng vừa có giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng vùng, miền, dân tộc. Hoạt động dịch vụ nông thôn là khu vực thu hút đáng kể lao động nông thôn và tạo ra thu nhập cao cho người lao động.
Nói chung, việc làm ở nông nghiệp, nông thôn thường là những công việc đơn giản, thủ công ít đòi hỏi tay nghề cao, tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai công cụ cầm tay, dễ học hỏi, dễ chia sẻ, sản phẩm làm ra thường chất lượng thấp, mẫu mã thường đơn điệu, năng suất lao động thấp nên thu nhập bình quân của lao động nông thôn nói chung không cao, tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn còn khá cao.
Ngoài ra, ở nông thôn có một số lượng công việc tại nhà không định thời gian như: chăm sóc gia đình, nội trợ, làm vườn... đều có tác dụng tích cực hỗ trợ tăng thêm thu nhập cho gia đình, đây cũng là việc làm có khả năng tạo thu nhập và lợi ích đáng kể cho người lao động.
Thị trường sức lao động ở nông thôn thực tế đã có từ lâu nhưng kém phát triển. Một số nơi chưa phát triển ngành nghề, dẫn đến dư thừa lao động, người lao động phải đi làm thuê ở nơi khác. Đặc điểm đó đã làm ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách và định hướng tạo việc làm cho lao động nông thôn của Nhà nước. Cần có cơ chế và biện pháp thích hợp giải quyết mối quan hệ dân số - việc làm tại chỗ trong nông thôn.
* Kinh nghiệm của tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hóa là tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, dân số đông theo kết quả điều tra dân số năm 2009 dân số trung bình của tỉnh là 3.400.239 người, mật độ dân số là 305 người/km2, trên 80% số dân sống ở khu vực nông thôn, cơ cấu lao động trẻ, lực lượng lao động dồi dào chiếm trên 50% dân số. Tuy có số lao động đông nhưng chất lượng của nguồn lao động rất thấp. Năm 2005 tỷ lệ lao động chưa biết chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học là 13,26%, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật mới đạt 12,18%. Hàng năm, toàn tỉnh có trên 3 vạn người đến tuổi lao động chưa có việc làm, chưa kể số lao động của năm trước chuyển sang. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn rất lớn, người lao động ở nông thôn mới chỉ sử dụng hết 70% quỹ thời gian làm việc trong năm.
Để giảm sức ép lao động nông thôn và việc làm, những năm qua Thanh hóa tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn. Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến như vùng mía đường, vùng cây nguyên liệu để sản xuất xi măng, bảo vệ chăm sóc trồng rừng, đầu tư đánh bắt xa bờ; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, hải sản; phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; khôi phục làng nghề truyền thống và phát triển ngành nghề mới; phát triển ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ … hàng năm đã tạo ra việc làm mới cho trên 10 vạn lao động, nhờ đó mà tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong tuổi lao động năm 2011 giảm xuống còn 1,4% ở khu vực thành thị và 3,6% ở khu vực nông thôn, là một trong những tỉnh có những giải pháp tốt về giải quyết việc làm cho người lao động.
Kinh nghiệm giải quyết việc làm của Thanh Hóa khái quát như sau: - Tập trung đào tạo nghề cho người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, khôi phục các nghành nghề truyền thống; khuyến khích tư nhân và các tổ chức xã hội mở cơ sở dạy nghề.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo mở việc làm, gắn với kết quả chương trình giải quyết việc làm với các chương trình kinh tế - xã hội.
- Xây dựng chính sách ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo mở việc làm mới như: cho vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, cho thuê mượn mặt bằng để tổ chức sản xuất.
- Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, phân vùng ruộng đất ở những nơi sản xuất nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp, điều hòa lợi ích giữa những người sản xuất nguyên liệu với chế biến ra thành phẩm.
- Có kế hoạch và quy hoạch di dân từ các vùng có mật độ dân số cân đối, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động có hiệu quả.
* Khái quát những bài học kinh nghiệm về giải quyết việc làm:
Thứ nhất: Cần chú trọng đầu tư, phát triển giáo dục - đào tạo để nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề cho người lao động.
Thứ 2: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp
hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thứ 3: Khôi phục và phát triển nghề truyền thống, phát triển các nghề mới. Thứ 4: Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư thông thoáng để
tạo sức hút đầu tư, lựa chọn đầu tư phát triển những ngành nghề có công nghệ phù hợp với khả năng phát triển, trình độ của người lao động.
Thứ 5: Phát triển hệ thống sự nghiệp về lao động - việc làm như các
trung tâm dịch vụ việc làm, các tổ chức xuất khẩu lao động nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.