Thuật ngữ hướng nghiệp (career mentoring) nếu được hiểu chính xác nó là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như: đánh giá nghề nghiệp (career assessment), quản lý nghề nghiệp (career management), phát triển nghề nghiệp (career development)...
Theo từ điển tiếng Việt, “Hướng nghiệp” được giải thích là “thi hành những biện pháp nhằm đảm bảo sự phân bố tối ưu (có chú ý tới năng khiếu,
năng lực, thể lực) nhân dân theo ngành và loại lao động” hoặc được hiểu là “giúp đỡ lựa chọn hợp lý ngành nghề”.
Theo từ điển Giáo dục học “Hướng nghiệp” được hiểu là “hệ thống các biện pháp giúp đỡ học sinh làm quen, tìm hiểu nghề, lựa chọn, cân nhắc nghề nghiệp với nguyện vọng, năng lực sở trường của mỗi người với nhu cầu và điều kiện thực tế khách quan của xã hội”. Công tác hướng nghiệp có ý nghĩa kinh tế xã hội rất lớn giúp cho thanh niên có cơ hội phát huy được năng lực, nâng cao được hiệu quả lao động, say mê sáng tạo trong nghề nghiệp. Mặt khác, công tác hướng nghiệp giúp tránh được sự thay đổi nghề nghiệp nhiều lần. Nhờ đó, công tác hướng nghiệp giúp hạn chế các hậu quả do nghề nghiệp không phù hợp mang lại.
Theo GS - TS Phạm Tất Dong thì hướng nghiệp như là một hệ thống tác động của xã hội về giáo dục, về y học, kinh tế học nhằm giúp cho thế hệ trẻ chọn được nghề phù hợp với hứng thú, năng lực, nguyện vọng, sở trường của cá nhân, vừa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế quốc dân.
Theo các nhà giáo dục học “Hướng nghiệp” vừa là hoạt động của giáo viên, vừa là hoạt động của học sinh và kết quả cuối cùng của quá trình hướng nghiệp là sự tự quyết định của học sinh trong việc chọn lựa nghề nghiệp tương lai.
Theo các nhà kinh tế học, “Hướng nghiệp” có thể được hiểu là hệ thống những biện pháp dẫn dắt, tổ chức thành thiếu niên đi vào lao động nghề nghiệp nhằm sử dụng hợp lý tiềm năng lao động tuổi trẻ của đất nước. Hướng nghiệp góp phần tích cực vào quá trình phấn đấu, nâng cao năng suất lao động xã hội.
Như vậy có thể thấy, với các tiêu chí khác nhau, ở các góc độ chuyên môn khác nhau chúng ta có nhiều định nghĩa khác nhau cho khái niệm “hướng nghiệp”. Qua những định nghĩa đó tôi nhận thấy rằng:
Hướng nghiệp là các hoạt động nhằm hỗ trợ mọi cá nhân chọn lựa và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của cá nhân, đồng thời thỏa mãn nhu cầu nhân lực cho tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp của thị trường lao động ở cấp độ địa phương và quốc gia.
Hướng nghiệp là hoạt động đòi hỏi toàn xã hội phải có trách nhiệm tham gia. Thế hệ trẻ cần được hướng nghiệp liên tục bằng nhiều con đường, nhiều cách thức khác nhau. Cần để cho các em lựa chọn nghề nghiệp theo đúng năng lực, sở thích của các em nhưng cũng cần giúp các em hiểu rõ nhu cầu nhân lực mà xã hội đặt ra và trách nhiệm của các em với xã hội có như vậy nguồn nhân lực mới thực sự có chất lượng đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của xã hội.
Nhận xét: hướng nghiệp cũng chưa dựa vào những nghiên cứu khoa học về nhu cầu, sở thích, năng lực của học sinh.