Quản lý giáo dục

Một phần của tài liệu Một số biện pháp quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học phổ thông của huyện Đan Phượng thành phố Hà Nội (Trang 27 - 29)

Cũng như các hoạt động khác của xã hội, ngay từ khi các tổ chức giáo dục đầu tiên được hình thành thì đã có hoạt động quản lý giáo dục. Khoa học quản lý giáo dục trở thành một bộ phận của quản lý nói chung nhưng nó là một khoa học tương đối độc lập vì tính chất đặc thù của nền giáo dục quốc dân.

Theo M. I. Kônđacốp, chuyên gia giáo dục Liên Xô cũ: “Quản lý giáo dục là tác động có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và hướng đích của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau đến tất cả các mắt xích của hệ thống (từ Bộ đến trường) nhằm mục đích đảm bảo việc hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ trên cơ sở nhận thức và vận dụng những quy tắc chung của xã hội cũng như những quy luật của quá trình giáo dục, của sự phát triển tâm thế và tâm lý trẻ em” [17, tr.124].

Ở Việt Nam theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang: “Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý (hệ thống giáo dục) nhằm làm cho hệ thống vận hành theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường XHCN Việt Nam, mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy học – giáo dục thế hệ trẻ, đưa giáo dục tới mục tiêu dự kiến, tiến lên trạng thái mới về chất” [25, tr.35].

Tác giả Đặng Quốc Bảo thì cho rằng: “ QLGD là hoạt động điều hành phối hợp các lực lượng xã hội nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu phát triển xã hội” [7]

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc và TS. Nguyễn Quốc Chí cho rằng: “Quản lý giáo dục là hoạt động có ý thức bằng cách vận dụng các quy luật khách quan của các cấp quản lý giáo dục tác động đến toàn bộ hệ thống giáo dục nhằm làm cho hệ thống đạt được mục tiêu của nó” [9]

Như vậy, có thể nói hệ thống giáo dục là một hệ thống mở, luôn vận động và phát triển theo quy luật chung và chịu sự quy định của điều kiện kinh tế - xã hội. Các định nghĩa trên cũng cho thấy quản lý giáo dục luôn luôn phải đổi mới, đảm bảo tính năng động, khả năng tự điều chỉnh, thích ứng của giáo dục đối với sự vận động và phát triển chung.

Quản lý giáo dục có đầy đủ 4 chức năng của quản lý đó là: + Chức năng Dự báo/ Kế hoạch

+ Chức năng Tổ chức + Chức năng Chỉ đạo

+ Chức năng Kiểm tra/ Đánh giá

Các chức năng này liên hệ chặt chẽ với nhau bằng thông tin phản hồi đa chiều, có thể minh họa theo sơ đồ sau:

Sơ đồ 1.1. Sơ đồ hóa các chức năng trong quá trình quản lý giáo dục

TT QL Kế hoạch Tổ chức Chỉ đạo Kiểm tra

Tùy theo đối tượng quản lý mà quản lý giáo dục có nhiều cấp độ khác nhau. Theo TS. Nguyễn Phúc Châu thì quản lý giáo dục được chia ra:

- Quản lý giáo dục ở cấp độ vĩ mô (quản lý hệ thống giáo dục): Ở cấp độ này, “Quản lý giáo dục” được hiểu là những tác động tự giác, có ý thức, có mục dích, có kế hoạch, có hệ thống và hợp quy luật,… của chủ thể quản lý giáo dục các cấp đến các mắt xích của hệ thống giáo dục nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả việc tổ chức, huy động, điều phối, giám sát và điều chỉnh,… các nguồn lực giáo dục (nhân lực, vật lực, tài lực và thông tin) để hệ thống giáo dục vận hành đạt được mục tiêu phát triển giáo dục.

- Quản lý giáo dục ở cấp độ vi mô (quản lý một cơ sở giáo dục): Ở cấp độ này, quản lý giáo dục được hiểu là hệ thống những tác động tự giác, có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống và hợp quy luật,… của chủ thể quản lý một cơ sở giáo dục đến tập thể GV, CNV, tập thể người học và các lực lượng tham gia giáo dục khác trong và ngoài cơ sở giáo dục đó, để thực hiện có chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục và dạy học, nhằm làm cho cơ sở giáo dục vận hành luôn luôn ổn định và phát triển để đạt tới mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục đó.

Có thể nhận xét là quản lý giáo dục cũng chưa dựa vào bằng chứng khoa học: ví dụ rất khó tìm được số liệu và những phân tích khoa học về đối tượng bị quản lý, cụ thể không biết bao nhiêu % học sinh trung học cơ sở tiếp tục học vào đại học, bao nhiêu học nghề và bao nhiêu không học mà đi làm nghề.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học phổ thông của huyện Đan Phượng thành phố Hà Nội (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)