9. Cấu trúc luận văn
1.5.2. Phát triển đội ngũ CBQL trường THPT
Phát triển đội ngũ CBQL trường THPT bao gồm hai vấn đề: Phát triển đội ngũ và phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân của từng CBQL. Hai vấn đề này có mối liên hệ gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau. Cá nhân giỏi sẽ dẫn đến tập thể vững mạnh và tập thể vững mạnh sẽ tạo điều hiện tốt cho cá nhân phát triển. - Phát triển đội ngũ là phát triển về số lượng, cơ cấu và chất lượng của đội ngũ, cần nắm vững tình hình phát triển và biến đổi về các mặt số lượng, cơ cấu về giới tính, độ tuổi, thâm niên giảng dạy, trình độ chuyên môn, quản lý, phẩm chất đạo đức, chính trị… Xây dựng tiêu chuẩn về yêu cầu năng lực và những kỹ năng cần rèn luyện theo từng vị trí, chức danh quản lý để phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu của đội ngũ về tư tưởng, về đạo đức, trình độ, năng lực, sức khỏe so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong từng giai đoạn.
- Phát triển đội ngũ CBQL trường THPT thực chất là phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục, là thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ này theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ về cơ cấu và chất lượng, có phẩm chất đạo đức
trong sáng, lành mạnh, năng lực quản lý toàn diện, bản lĩnh chính trị vững vàng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của giáo dục bậc THPT, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, phát triển giáo dục Việt Nam và tiếp thu những tinh hoa của giáo dục thế giới. Phát triển đội ngũ CBQL trường THPT gồm các nội dung sau:
1.5.2.1. Quy hoạch cán bộ
Đây là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo chính quyền và Ngành giáo dục đào tạo. Quy hoạch cán bộ là một chủ trương lớn của Đảng, được đề cập trong các Nghị quyết Trung ương các khoá VII, VIII, IX, X, XI về công tác cán bộ. Quy hoạch cán bộ nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ một cách chủ động, có kế hoạch, đảm bảo tính kế thừa về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Khắc phục tình trạng bố trí, sử dụng cán bộ một cách thiếu kế hoạch, bị động, không đồng bộ và kém hiệu quả. Quy hoạch cán bộ đảm bảo cho việc bổ nhiệm đi vào nề nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Vì vậy, trong quy trình quy hoạch đòi hỏi phải nắm vững các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, nắm chắc mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường THPT để tiến hành đồng bộ các biện pháp đảm bảo cho công tác quy hoạch sát với thực tế, có tính khả thi cao và hiệu quả thiết thực. Công tác quy hoạch CBQL phải được rà soát, bổ sung và điều chỉnh hàng năm. Cần chủ động chuẩn bị nhân sự để bổ nhiệm, bố trí, sử dụng bảo đảm sự kế thừa và phát triển đội ngũ CBQL. Quy hoạch đội ngũ cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Về số lượng: Phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, quy định của Bộ giáo dục và đào tạo và yêu cầu thực tiễn của địa phương. Chú ý yêu cầu tinh giản, gọn nhẹ nhưng có hiệu quả.
- Về cơ cấu: Đảm bảo đội ngũ CBQL đồng bộ về năng lực, trình độ nhưng cũng cần có những cá nhân nổi trội về chuyên môn, nghiệp vụ, tư tưởng đạo đức làm cốt cán. Cần có người lớn tuổi, trung tuổi và trẻ tuổi để đảm bảo được tính liên tục, kế thừa. Cần có tỷ lệ hợp lý giữa nam và nữ, ở các trường có học sinh người dân tộc cũng cần có CBQL là người dân tộc.
Đội ngũ CBQL phải được ổn định tương đối, có những người công tác lâu năm và cần có một tỷ lệ đổi mới. Chuẩn hóa đội ngũ theo quy định của Bộ giáo dục và đào tạo về từng chức danh và nâng cao vượt chuẩn.
1.5.2.2. Tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển và miễn nhiệm
- Tuyển chọn: Là quy trình sàng lọc và tuyển chọn những người có đủ năng lực đáp ứng một công việc trong một tổ chức.
- Bổ nhiệm: Là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cử cán bộ, công chức giữ một chức vụ lãnh đạo có thời hạn trong cơ quan, đơn vị. [12]
Tuyển chọn, bổ nhiệm CBQL có đủ phẩm chất và năng lực là điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu giáo dục và phát triển nhà trường. Trong công tác bổ nhiệm CBQL hiện nay còn xu hướng coi trọng cơ cấu hơn tiêu chuẩn. Do đó, cần nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa cơ cấu và tiêu chuẩn; bảo đảm cơ cấu, đồng thời CBQL phải đủ đức, đủ tài, có phẩm chất, năng lực tương xứng với cương vị, chức trách được giao.
- Luân chuyển: Là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo giữ một chức vụ lãnh đạo mới trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. [12]
Khi thực hiện luân chuyển CBQL trường THPT cần căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng. Việc luân chuyển còn nhằm giúp cho người CBQL đa dạng hóa công tác để khi cần thiết họ có thể thực hiện nhiệm vụ ở các vị trí khác nhau hoặc ở các đơn vị trường học khác nhau.
- Miễn nhiệm: Là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thôi giữ chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức lãnh đạo khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm. [12]
Miễn nhiệm được thực hiện trong các trường hợp CBQL không đủ sức khỏe, không đủ năng lực uy tín, miễn nhiệm theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì các lý do khác. Miễn nhiệm nhằm đảm bảo đội ngũ CBQL đồng bộ về chất
lượng, khắc phục những sai sót trong công tác quản lý. Đây là một trong các biện pháp nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ.
1.5.2.3. Đào tạo, bồi dưỡng
Phải xác định mục tiêu phát triển của giáo dục đào tạo địa phương trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, từ đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục nhằm hoàn thiện, bổ sung và nâng cao các phẩm chất, kỹ năng cần thiết theo các tiêu chuẩn đã đề ra cho CBQL để họ có thể hoàn thành tốt công tác quản lý nhà trường trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình.
Công tác phát triển đội ngũ CBQL là một quá trình gồm nhiều giai đoạn, phụ thuộc vào phương pháp kết hợp hay kết nối các khâu tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm và sử dụng. Các phương pháp kết hợp hay kết nối giữa các khâu này như sau:
- Tuyển chọn - bổ nhiệm - sử dụng: Là phương pháp tuyển chọn rồi bổ nhiệm và sử dụng ngay vào vị trí CBQL (không qua khâu đào tạo, bồi dưỡng).
- Tuyển chọn - bổ nhiệm - đào tạo, bồi dưỡng: Là phương pháp bắt đầu bằng tuyển chọn rồi bổ nhiệm, sau đó mới đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí chức danh đảm nhiệm trong nhà trường.
- Tuyển chọn - đào tạo, bồi dưỡng - bổ nhiệm: Là phương pháp được bắt đầu bằng việc tuyển chọn những người có khả năng và triển vọng, sau đó tiến hành đào tạo bồi dưỡng và cất nhắc lên các vị trí lãnh đạo nhà trường.
- Đào tạo, bồi dưỡng - tuyển chọn - bổ nhiệm: Phương pháp này dựa trên nền tảng là đào tạo các kiến thức, kỹ năng quản lý cho mỗi chức danh, việc tuyển chọn và bổ nhiệm được dựa trên cơ sở nguồn nhân lực qua đào tạo, đáp ứng đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào vị trí chức danh quản lý.
Để nâng cao chất lượng của đội ngũ thì quy trình “Đào tạo, bồi dưỡng - tuyển chọn - bổ nhiệm” có ưu việt hơn. Tuy nhiên, trong thực tiễn CBQL thường được tuyển chọn rồi bổ nhiệm, chưa chú trọng khâu đào tạo, bồi dưỡng.
Đây là vấn đề cần phải được xem xét thấu đáo, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập với giáo dục thế giới, quản lý trường học được xem là một nghề, không phải bất cứ giáo viên nào có thời gian công tác lâu năm và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy là có thể trở thành CBQL được.
1.5.2.4. Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh
Kiểm tra, đánh giá CBQL là một quá trình thu thập và phân tích các thông tin về kết quả công tác của họ trong sự thay đổi và phát triển của giáo dục, của nhà trường trong các mối quan hệ chính trị và xã hội đa dạng, phức tạp, từ rất nhiều hiện tượng, sự việc cụ thể, riêng lẻ đối chiếu với mục tiêu, tiêu chuẩn đề ra. Trên cơ sở đó đưa ra những phán đoán, nhận xét, tìm ra mặt bản chất về phẩm chất, nhân cách, năng lực của người CBQL và đề xuất những thay đổi, điều chỉnh tạo ra chất lượng, hiệu quả cao. Khi đánh giá cần phải xem xét toàn diện các vai trò mà người CBQL phải thực hiện đối với nhà trường và xã hội vì khi thực hiện các vai trò quản lý của mình thì nhân cách và kỹ năng nghề nghiệp của người CBQL sẽ được thể hiện.
Việc đánh giá CBQL trường THPT được thực hiện theo Thông tư số 43/2006/TT-BGDĐT ngày 20/10/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo [10] với các nội dung sau:
- Xây dựng kế hoạch giáo dục; kế hoạch nghiên cứu khoa học, phục vụ xã hội.
- Quản lý cán bộ, nhà giáo, nhân viên và người học: tuyển dụng; quản lý hồ sơ nhà giáo, cán bộ, nhân viên, người học; việc bố trí, sử dụng; kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo;
- Thực hiện quy chế dân chủ, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong cơ sở giáo dục;
- Công tác kiểm tra của thủ trưởng cơ sở giáo dục theo quy định;
- Tổ chức cho nhà giáo, cán bộ, nhân viên và người học tham gia các hoạt động xã hội; thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học;
- Quản lý hành chính, tài chính, tài sản: hồ sơ, sổ sách; thu chi và sử dụng các nguồn tài chính; đầu tư xây dựng, sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo quản tài sản công;
- Công tác tham mưu với cơ quan quản lý cấp trên, với chính quyền địa phương và công tác xã hội hóa giáo dục;
- Phối hợp công tác giữa cơ sở giáo dục với các đoàn thể quần chúng, Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Qua kết quả kiểm tra đánh giá, kiên quyết xử lý kỷ luật và miễn nhiệm đối với những CBQL có sai phạm, không được tập thể nhà trường, cộng đồng tín nhiệm.
1.5.2.5. Chính sách đãi ngộ và chế độ khen thưởng
Chế độ, chính sách đối với đội ngũ CBQL trường học luôn là vấn đề mang tính chiến lược của phát triển giáo dục, nó quy định và chi phối khả năng thành công hay thất bại các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục đào tạo. Bởi vì mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải thực hiện ở cơ sở và thông qua hoạt động của đội ngũ CBQL. Song song với chế độ, chính sách đãi ngộ, việc khen thưởng thỏa đáng, kịp thời cũng tạo động lực cho CBQL trong việc nâng cao nhận thức và thực hiện đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Kỷ cương nền nếp được bảo đảm, phong cách, ý thức trách nhiệm và lề lối làm việc chuyển biến tiến bộ theo hướng năng động, tích cực góp phần phát triển đội ngũ CBQL.