Trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ năm học của ngành, tình hình cụ thể của nhà trường, Ban giám hiệu cần hướng dẫn GV biết cách xác định mục tiêu, nhiệm vụ đúng đắn, đề ra biện pháp rõ ràng, hợp lý. GV xây dựng hoạt động của cá nhân, của tổ chuyên môn, của lớp chủ nhiệm, giúp họ có các điều kiện đạt được mục tiêu, chỉ đạo việc này của nhà trường cần thực hiện:
- Triển khai các văn bản, chỉ thị, yêu cầu của ngành đến GV và giao nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng cá nhân.
- Hướng dẫn GV, các bộ phận trong trường làm kế hoạch và duyệt kế hoạch của họ.
- Hướng dẫn xây dựng kế hoạch mẫu.
- Xác định cách thức thực hiện như: kiểm tra ngày giờ công, kỉ cương nền nếp, kiểm tra thực hiện chương trình thông qua thời gian biểu, thăm lớp, dự giờ.
- Kết hợp với các đoàn thể trong trường phát động phong trào thi đua, khuyến khích chủ động sáng tạo của mỗi thành viên.
- Xây dựng chuẩn phương pháp đánh giá việc thực hiện kế hoạch.
- Phối hợp giữa các bộ phận, tổ, cá nhân, các đoàn thể ngoài nhà trường nhằm huy động các nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ năm học.
- Phân công công tác giảng dạy cho GV. Năng lực chuyên môn chính là căn cứ chủ yếu để phân công GV, nên phân công làm sao để tất cả GV ngoài giờ giảng dạy còn tham gia các hoạt động GD khác, để gắn họ với tập thể sư phạm và có sự tiếp xúc rộng rãi với học sinh. Việc phân công đúng với khả năng của mỗi GV sẽ mang lại kết quả thiết thực, ngược lại sẽ phát sinh nhiều vấn đề tư tưởng, tình cảm làm ảnh hưởng không tốt đến các mặt hoạt động của nhà trường. Vì vậy, Ban giám hiệu cần hết sức thận trọng, cân nhắn các yêu cầu công tác và khả năng của từng GV, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của mỗi thành viên trong Hội đồng GD, trong khi phân công giảng dạy Ban giám hiệu là người có trách nhiệm cuối cùng về sự phân công và sử dụng đội ngũ GV.
Kết quả của hoạt động GD nhà trường phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của Ban giám hiệu biết bố trí cán bộ, biết phân phối chức năng của họ, tổ chức sự liên hệ, tác động qua lại của họ với nhau được đúng đắn và hợp lý.