0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (127 trang)

Quá trình thành lập và phát triển

Một phần của tài liệu BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHUYÊN MÔN Ở TRƯỜNG HỮU NGHỊ T78 (Trang 57 -61 )

Trường Hữu nghị T78, tiền thân là trường Bổ túc văn hoá Miền núi Trung ương (T78) đã trải qua chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển. Trải qua từng thời kì lịch sử trường đã mang những tên gọi khác nhau. Khi mới thành lập trường mang tên T399, sau đổi thành Khu học xá Miền núi Trung ương (1959- 1961); Trường Bổ túc Văn hoá Miền núi Trung ương - T78 (1962 - 1984). Bắt đầu từ 1967 mang tên T78; Trường Bổ túc Văn hóa Hữu nghị - T78 (1980 -

nay). Từ tháng 5/2010 mang tên trường Hữu nghị T78 hay còn gọi trường Phổ thông Dân tộc nội trú Việt Nam - Lào. Sau đây là một vài nét tóm tắt quá trình thành lập, xây dựng và phát triển của nhà trường.

Vào những năm cuối của thập kỷ 50 trước những yêu cầu cấp bách trong công tác đào tạo cán bộ cho cách mạng Lào, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 01/01/1958 trường T399 thuộc Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam do Quân khu Việt Bắc trực tiếp QL đã chính thức ra đời tại xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên để đảm đương nhiệm vụ đặc biệt đó. Ngay khoá học đầu tiên đã có 129 học viên là những cán bộ, chiến sỹ ưu tú là bộ đội giải phóng Pha thét Lào được chọn cử đến để học tập.

Năm 1959, trường được đổi tên thành “Khu học xá Miền núi Trung ương” bao gồm hai phân hiệu: Phân hiệu II ở lại huyện Đồng Hỷ còn Phân hiệu I về cây số 5 đường Thái Nguyên đi Bắc Cạn và Ký túc xá 49 thuộc CP 31 sau là CP 38 - đây là hai cơ quan của Đảng và Chính phủ Việt Nam đặc trách làm công tác giúp Lào. Khi đó trường đã có đến 493 lưu học sinh Lào theo học.

Năm 1962 Khu học xá được chuyển về địa điểm mới tại Xã Kim Tràng và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang với tên gọi “Trường Bổ túc văn hóa miền núi Trung ương”. Đây là một cơ sở mới được xây dựng. Số lượng lưu học sinh Lào tăng nhanh, lúc này đã lên tới 1.200 người. Từ đây CP 38 chính thức giao cho Bộ GD trực tiếp quản lí trường để thuận cho việc chỉ đạo chuyên môn, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, thầy, trò cùng cán bộ, công nhân viên của trường bước vào cuộc sơ tán địa điểm vô cùng khó khăn, gian khổ kéo dài hàng chục năm trời: Năm 1965 trường sơ tán về xã Vinh Quang cho đến năm 1966 lại sơ tán tiếp về xã Phúc Hoà, huyện Tân Yên. Năm 1967, khi cuộc chiến tranh bằng không quân Mỹ ra miền Bắc càng ngày càng khốc liệt và lan rộng, để đảm bảo an toàn cho cán bộ, GV và lưu học sinh Lào, giữ gìn tài sản và đảm bảo công tác đào tạo không bị gián đoạn, Bộ GD đã quyết định chuyển trường về huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú. Cuộc hành quân di chuyển trên 200 km phải vượt qua nhiều trọng điểm đánh phá ác

liệt của máy bay Mỹ ròng rã gần 2 tháng trời mới hoàn thành. Toàn thể thầy, trò, cán bộ, nhân viên phục vụ của trường đã được chuyển về địa điểm mới an toàn và luôn nhận được sự chở che, giúp đỡ của nhân dân 2 xã Minh Đài, Văn Luông thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú. Để đảm bảo bí mật cho trường, cũng từ năm 1967 trường mang bí danh: T78. Tại đây, ngoài hai hệ đào tạo có từ trước là phổ thông và bổ túc cấp I, II, III trường có thêm nhiệm vụ mở thêm lớp đào tạo phiên dịch tiếng Lào - Việt; Đồng thời mở lớp đào tạo GV cấp tốc phục vụ cho vùng giải phóng của Lào đang mở rộng. Đến năm 1968 trường có thêm Phân hiệu II (cách cơ sở chính 50 km) đặt tại xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú. Phân hiệu II có nhiệm vụ đào tạo con em phái Trung lập Xiêng Khoảng của Đại tá Đươn và phái Trung lập Phong Sa Lỳ của tướng Kham uon Bupha.

Năm 1970 để giảm bớt những khó khăn về giao thông đi lại nơi trường đóng quân do lũ bão hàng năm thường gây ra, Bộ quyết định cho phép trường chuyển ra xã Phương Thịnh, huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú với nhiệm vụ vừa tổ chức giảng dạy, học tập và sẵn sàng sơ tán nếu tình hình chiến tranh lại tiếp diễn. Năm 1972 đế quốc Mỹ quay lại oanh tạc dữ dội Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi trên miền Bắc, trường phải sơ tán tiếp vào xã Quang Húc và Hùng Đô, huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú và cắm chốt tại đó đến ngày hoà bình thống nhất Bắc Nam.

Năm 1975 sau đại thắng mùa xuân, cả dân tộc hân hoan trong niềm vui đất nước thống nhất, trường được Bộ GD quyết định chuyển về tiếp quản trường học sinh miền Nam ở xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Toàn trường lại cùng nhau lên đường thực hiện cuộc di chuyển về điạ điểm mới cách xa nơi ở cũ trên 200 km về phía nam. Đối tượng lưu học sinh lúc này chủ yếu là cán bộ, bộ đội sang học tiếng Việt và bổ túc thêm trình độ văn hoá hết cấp hai, ba để sau đó đi học tiếp ở các trường Đảng tại Việt Nam.

Năm 1978 để tiện cho việc chỉ đạo chung Bộ GD cho phép trường chuyển đến tiếp quản trường học sinh Dân tộc miền Nam số 11 tại xã Văn Sơn huyện

Chương Mỹ, tỉnh Hà Sơn Bình cách địa điểm cũ trên 100 km và ở lại đó cho đến đầu những năm 80. Đối tượng lưu học sinh Lào lúc đó rất đa dạng: Bổ túc văn hóa cấp 2-3, phổ thông cấp 1, 2, 3 (có một số môn học do GV Lào giảng dạy), lại có cả một số học tiếng Việt và dự bị để sau đó vào học tiếp các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp tại Việt Nam. Một số đồng chí lãnh đạo và GV của trường là người Lào.

Năm 1980 căn cứ vào tình hình thực tế, để phù hợp với quy hoạch hệ thống các trường C-K của Bộ GD, trường chính thức có tên gọi “Bổ túc Văn hoá Hữu nghị” và một lần nữa lại được chuyển về tiếp quản, xây dựng cơ sở mới tại địa điểm này thuộc xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ) cho tới ngày nay.

Từ những năm 1993 đến nay ngoài nhiệm vụ truyền thống là đào tạo lưu học sinh Lào, trường còn được Bộ GD và Đào tạo giao nhiệm vụ QL, tổ chức ăn ở nội trú và giảng dạy chương trình trung học phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số, góp phần tạo nguồn cán bộ cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là một mô hình mới đối với trường nhưng lại có ý nghĩa chính trị và thực tiễn rất lớn. Tại đây, học sinh các dân tộc Việt Nam cùng sinh hoạt, học tập nội trú, cùng tham gia các hoạt động tập thể với lưu học sinh Lào, tạo môi trường học tiếng Việt và giúp nhau học văn hoá rất thuận lợi đồng thời cùng nhau xây dựng tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào một cách cụ thể và sinh động. Dưới mái trường Hữu nghị này hàng năm nhà trường lần lượt đón nhận lưu lượng hơn 700 học sinh dân tộc nội trú Việt Nam cùng với trên 300 lưu học sinh Lào đến học tập và rèn luyện. Đối tượng lưu học sinh Lào giờ đây cũng đã thay đổi: ngoài số cán bộ chính trị được Ban Tổ chức Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào tuyển chọn cử sang học dự bị tiếng Việt để sau đó vào học tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia, số còn lại sau khi học tiếng Việt và dự bị tại trường sẽ đi học tiếp đại học, cao học và nghiên cứu sinh ở tất cả các ngành chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật, y tế, GD… tại Việt Nam.

Trải qua 55 năm kể từ khi thành lập đến nay, qua từng giai đoạn lịch sử với nhiều lần thuyên chuyển đến các địa phương và cũng đã từng thay đổi các

tên gọi khác nhau nhưng nhà trường vẫn trung thành với nhiệm vụ chính trị: chăm lo quản lí, tổ chức cuộc sống nội trú, tổ chức giảng dạy và học tập, rèn luyện cho các thế hệ lưu học sinh Lào và học sinh dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Cho dù trong những tháng năm gian khổ, vất vả khi mà thầy và trò vừa phải lo sơ tán, vừa phải lo QL tổ chức dạy và học trước đây cũng như trong điều kiện cuộc sống nội trú có nhiều đổi mới hiện nay thì mái trường Hữu nghị này luôn là nơi mà thầy và trò cùng ăn ở, sinh hoạt tập thể với những hoạt động đặc sắc riêng của trường Lào đã tự nhiên gắn kết những cán bộ, GV và học sinh - sinh viên của trường trở thành một khối đoàn kết thống nhất, biết gần gũi, cảm thông, sẻ chia và cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn để có được như ngày hôm nay.

Một phần của tài liệu BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHUYÊN MÔN Ở TRƯỜNG HỮU NGHỊ T78 (Trang 57 -61 )

×