Lợn con sau đẻ cần lau mồm miệng và cấp cứu thổi ngạt cho những con đẻ bọc. Những con bình thường không cần lau khô mình, cắt dây rốn để dài 20cm tránh hiện tượng dây rốn quá dài quấn mắc vào các dụng cụ chăn nuôi trong chuồng. Cần cắt 8 răng nanh dài màu đen nhọn (4 hàm trên, 4 hàm dưới) ngay cho lợn con trước khi cho bú mẹ bằng kìm chuyên dụng hoặc bấm móng tay loại to, khoẻ. Sau 2-3 ngày, dây rốn teo lại cắt cách cuống rốn khoảng 5cm không cần thắt, buộc để cho nước vàng thoát ra tự nhiên tránh bí hơi, ứ nước là nguyên nhân làm nhiễm trùng rốn.
Lau núm vú bằng nước ấm sạch trước khi cho lợn con bú, tốt nhất cho cả lợn mẹ và lợn con sưởi ấm trong 10-15 ngày ở nhiệt độ 30-32oC đề phòng các bệnh tiêu chảy, tăng sức đề kháng cho lợn con.
Cho lợn con bú sữa đầu ngay sau khi đẻ hoặc đẻ xong cả đàn, sữa đầu rất quan trọng, trong sữa đầu có nhiều dinh dưỡng giúp cho lợn con khoẻ mạnh, có kháng thể để kháng, chống lại vi sinh vật gây bệnh xâm nhập.
Tiêm dung dịch sắt tốt cho lợn con 2 lần khi được 1-2 ngày tuổi và 9-10 ngày tuổi, mỗi con 3ml (300mg/con). Tiêm phòng phó thương hàn cho lợn khi được 20 ngày tuổi và vắc xin phòng tả cho lợn lúc 30-35 ngày tuổi.
Lợn con sau đẻ cần giữ chuồng trại ấm và khô giúp cho chúng khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng chống lại vi sinh vật gây bệnh xâm nhập. Định kỳ phun thuốc khử trùng cho chuồng lợn một lứa ít nhất 3 lần, trước khi đẻ, sau lúc xuất chuồng và giai đoạn cai sữa (Nguồn: Phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV lợn giống Lạc Vệ, 2009).