Chương 4: Giải Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Tín Dụng Tại NHTM CP Á Châu
4.2.2. Kiến nghị đối với Chính Phủ
Trong việc hoạch định chính sách, cần cân đối một cách thích hợp giữa các mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, tránh tình trạng thắt chặt hoặc nới lõng quá mức, thay đổi định hướng quá đột ngột gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngành ngân hàng.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, không ngừng tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh để khuyến khích sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng cho các NHTM, chẳng hạn như:
+ Cần rà soát các văn bản pháp luật chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tế để hệ thống các văn bản của ngành có tính pháp lý cao hơn chứ không đơn thuần là hướng dẫn nghiệp vụ.
+ Thúc đẩy thị trường tài chính, trước hết là thị trường liên ngân hàng và thị trường tiền tệ nhằm xác định khuôn khổ hoạt động của các ngân hàng, tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư nhằm phân tán rủi ro, nâng cao hiệu quả tín dụng nói riêng và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng nói chung.
+ Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật như hệ thống thông tin kiểm toán, kế toán theo chuẩn mực quốc tế, ..., thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và các NHTM nói riêng phát triển an toàn, bền vững để hội nhập quốc tế.
Kết luận chương 4
Trong chương 4, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng tại ACB như: nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn, nhóm giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, nhóm giải pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tại ACB đồng thời đưa ra một số kiến nghị đối với NHNN và với Chính phủ.
KẾT LUẬN
Thu nhập từ hoạt động tín dụng vẫn là nguồn thu nhập chính của các ngân hàng Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới. Vì vậy việc nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng là vấn đề mà bất cứ ngân hàng nào cũng phải quan tâm và thực hiện một cách nghiêm túc nếu muốn tồn tại và phát triển ổn định, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế đất nước đang đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay. Với mục tiêu tìm hiểu, phân tích và đánh gía thực trạng tín dụng và rủi ro tín dụng tại NHTM CP Á Châu để từ đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng tại NHTM CP Á Châu khóa luận đã thực hiện được một số nội dung sau:
Một là, khóa luận đã làm rõ những vấn đề lý luận làm cơ sở cho việc nghiên cứu thực hiện mục tiêu đề ra. Ngoài việc mô tả khái niệm, phân loại tín dụng, vai trò của tín dụng đối với nền kinh tế đất nước, bên cạnh đó khóa luận cũng làm rõ được những nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng và sự tác động của nó, các phương pháp đo lường rủi ro tín dụng ... Đặc biệt khóa luận đề cặp đến sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng ngân hàng và các tiêu chuẩn đo lường hiệu quả tín dụng.
Hai là, khóa luận đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng hiệu quả hoạt động tín dụng tại NHTM CP Á Châu thông qua việc phân tích tình hình nguồn vốn kinh doanh, tình hình huy động vốn, tình hình dư nợ tại ngân hàng, vai trò của hoạt động tín dụng đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đồng thời phân tích, đánh giá công tác quản trị rủi ro tín dụng tại ACB. Từ đó, rút ra những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong hoạt động tín dụng tại ACB.
Ba là, trên cơ sở những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong hoạt động tín dụng tại ACB, khóa luận đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng tại ACB.
Các giải pháp, kiến nghị trong đề xuất trong khóa luận dựa trên cơ sở lý luận cũng như tín thực tiển trong hoạt động tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng tại NHTM CP Á Châu và thông qua việc tham khảo những tài liệu, tạp chí, sách báo ... có liên quan đến tín dụng và rủi ro tín dụng ngân hàng.
Do thời gian thực tập có hạn, kinh nghiệm thực tế cũng như năng lực bản thân còn hạn chế nên không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Em rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý thầy cô để khóa luận được hoàn thiện hơn.