Cạnh tranh là tất yếu của thương trường. Cạnh tranh là sự so sánh, đối chứng sức mạnh cơ bản của các doanh nghiệp. Những đe doạ, thách thức hay cơ hội của doanh nghiệp chủ yếu có được từ quá trình đối kháng của sức mạnh này.
Cạnh tranh là một hiện tượng kinh tế - xã hội phức tạp, do cách tiếp cận khác nhau nên có rất nhiều quan niệm khác nhau về cạnh tranh. Các Mác đã đưa ra khái niệm về cạnh tranh tư bản như sau: “Cạnh tranh tư bản là sự ganh đua, sự đấu tranh gay gắt giữa các nhà tư bản nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hoá để đạt lợi nhuận siêu ngạch”.
Cạnh tranh là đấu tranh để giành lấy thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ bằng những biện pháp ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị, tâm lý... để tạo ra nhiều lợi thế nhất, tạo ra nhiều sản phẩm mới với năng suất và hiệu quả cao nhất.
Trong một ngành kinh doanh, mọi điều kiện bên ngoài là bình đẳng, sau một chu kỳ nhất định, ai giành được thị phần lớn nhất, có lợi nhuận cao nhất,
phát triển một cách bền vững nhất thì người đó giành chiến thắng trong cạnh tranh. Tuy nhiên, trong cạnh tranh sẽ phát sinh ra người có khả năng cạnh tranh mạnh/yếu hay sản phẩm có khả năng cạnh tranh mạnh/yếu. Để có thể chiến thắng trong cạnh tranh thì các chủ thể cạnh tranh cần phải có khả năng cạnh tranh, mà khả năng cạnh tranh đó chính là sức cạnh tranh hay năng lực cạnh tranh.
Theo quan điểm của nhà kinh tế học P.Samuelson thì: “Cạnh tranh là sự kình địch giữa các doanh nghiệp với nhau để giành khách hàng, thị trường”.
Theo từ điển bách khoa của Việt Nam thì: “Cạnh tranh trong kinh doanh là hoạt động ganh đua giữa những người sản xuất hàng hoá, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, chi phối bởi quan hệ cung cầu nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ và thị trường có lợi nhất”.
Trong nền kinh tế thị trường, ngân hàng là một loại doanh nghiệp đặc biệt, nhằm “mua” và “bán” một lợi ích có liên quan tới tài chính song không tồn tại dưới dạng vật chất. Đã là doanh nghiệp thì khái niệm cạnh tranh của doanh nghiệp cũng đúng cho các NHTM. Trên quan điểm này, cạnh tranh được hiểu là một quá trình mà trong đó các doanh nghiệp đấu tranh, ganh đua nhau, tìm mọi biện pháp (cả nghệ thuật kinh doanh lẫn thủ đoạn) để thoả mãn nhu cầu của khách hàng tối đa, thông qua đó đạt được các mục tiêu kinh tế chủ yếu của mình như lợi nhuận, thị phần và vị thế kinh doanh. Như vậy, cạnh tranh được chủ thể thực hiện nhằm mục đích cuối cùng là tối đa hóa lợi ích, đối với doanh nghiệp đó là lợi nhuận, đối với người tiêu dùng đó là sự thoả mãn nhu cầu do tiêu dùng sản phẩm mang lại.
Ngoài ra, còn có thể dẫn ra nhiều cách diễn đạt khác nhau về khái niệm cạnh tranh, song tựu trung lại, có thể tiếp cận khái niệm cạnh tranh như sau:
Thứ nhất, khi nói đến cạnh tranh là nói đến sự ganh đua nhằm giành lấy phần thắng của nhiều chủ thể cùng tham dự.
Thứ hai, mục đích trực tiếp của cạnh tranh là một đối tượng cụ thể nào đó mà các bên đều muốn giành giật (sản phẩm, dự án…), các điều kiện có lợi (thị trường, khách hàng…) với mục đích cuối cùng là thu được lợi nhuận cao.
Thứ ba, cạnh tranh diễn ra trong một môi trường cụ thể, có các ràng buộc chung mà các bên tham gia phải tuân thủ như: đặc điểm sản phẩm, thị trường, các điều kiện pháp lý, các thông lệ kinh doanh…
Thứ tư, trong quá trình cạnh tranh, các chủ thể tham gia cạnh tranh có thể
sử dụng nhiều công cụ khác nhau như: cạnh tranh bằng đặc tính và chất lượng sản phẩm, cạnh tranh bằng giá bán sản phẩm (chính sách định giá thấp, chính sách định giá cao, chính sách ổn định giá, chính sách phân biệt giá…), cạnh tranh bằng nghệ thuật tiêu thụ sản phẩm, cạnh tranh nhờ dịch vụ bán hàng, hậu mãi, cạnh tranh thông qua hình thức thanh toán…
Tóm lại, cạnh tranh là sự ganh đua giữa các chủ thể tìm mọi biện pháp để đạt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường, giành khách hàng cũng như các điều kiện sản xuất kinh doanh có lợi nhất nhằm mục đích cuối cùng là tối đa hoá lợi ích.