Tác động tích cực

Một phần của tài liệu NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ (Trang 53 - 57)

a. Tạo ra nguồn vốn mới và đưa đến các thông lệ quốc tế trong hoạt động giám sát ngân hàng

Một vấn đề khá đặc trưng ở các quốc gia đang phát triển hoặc có nền kinh tế chuyển đổi là các thành viên sáng lập, cổ đông, các cơ quan chủ quản và khách hàng lớn của các ngân hàng thương mại thường có mối quan hệ rất gần gũi. Các ngân hàng nước ngoài khi tham gia hoạt động tại các thị trường của các

quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển thường không dính dáng hoặc liên quan và rất cần trọng trong việc cho vay các hoạt động có tính liên hệ mật thiết này. Một thực tế là, sự tham gia thị trường của các ngân hàng nước ngoài đã mang lại các nguồn vốn mới cho nhiều quốc gia đang phát triển đã từng trải qua các cuộc khủng hoảng và họ cũng mang đến những thông lệ quốc tế trong hoạt động giám sát ngân hàng.

b. Nguồn vốn được phân bổ hiệu quả hơn

Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng tài chính sẽ khiến cho nguồn vốn trở nên sẵn có hơn trên thị trường do tiết kiệm tư nhân sẽ gia tăng. Lãi suất được tự do hóa và trở nên thực dương tạo ra sự hấp dẫn đối với người gửi tiền tiết kiệm. Sự giao động của lãi suất cũng như tỷ suất lợi tức sẽ khiến cho vốn được phân bổ vào những nơi thực sự có nhu cầu về vốn và những nơi vốn được sử dụng một cách có hiệu quả. Điều này có nghĩa là, vốn sẽ được lưu chuyển một cách hiệu quả từ dư thừa tới nơi khan hiếm thông qua cơ chế thị trường tự do.

c. Cải thiện sự hiệu quả của hệ thống ngân hàng trong nước

Việc cho phép các ngân hàng nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước có thể góp phần cải thiện sự hiệu quả và ổn định của hệ thống ngân hàng trong nước. Điều này có được là do các ngân hàng nước ngoài tham gia vào việc cải thiện chất lượng, giá cả và cung ứng các công cụ tài chính mới cho thị trường trong nước, nâng cao các kỹ năng và trình độ quản lý cũng như tăng cường tính cạnh tranh ở thị trường trong nước.

Thêm vào đó, do các ngân hàng nước ngoài có khả năng tiếp cận tốt hơn tới các nguồn vốn ở bên ngoài, vì vậy họ có nhiều hình thức tài trợ và cho vay phù hợp hơn so với ngân hàng trong nước. Các ngân hàng nước ngoài dường như cũng nắm được danh mục đầu tư tín dụng đa dạng hóa hơn và đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi những cơn sốc hoặc thời kỳ khủng hoảng ở các quốc gia họ đến đầu tư. Sự hiện diện của các định chế tài chính nước ngoài sẽ giúp cho các định chế tài chính trong nước có cơ hội tiếp cận được với các thị trường vốn quốc tế; áp dụng các công cụ và kỹ thuật tài chính mới; cải tiến khuôn khổ giám sát và điều tiết. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trong nước.

d. Nâng cao trình độ quản lý của các ngân hàng trong nước

Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài sẽ là điều kiện để hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra và được thực hiện. Các ngân hàng nước ngoài sẽ thuê người bản địa có trình độ cao. Sau khi làm việc tại các ngân hàng nước ngoài, số lao động được các ngân hàng nước ngoài tuyển dụng sẽ thu nạp được kỹ năng và công nghệ ngân hàng quốc tế và có khả năng chuyển giao cho các ngân hàng trong nước khi họ quay trở lại làm việc cho các ngân hàng trong nước. Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài cũng sẽ góp phần cải thiện trình độ quản lý tín dụng và qua đó sẽ cải thiện sự phân bổ các nguồn tín dụng cho nền kinh tế. Có nhiều quan điểm cho rằng, các ngân hàng nước ngoài có khả năng tốt hơn trong việc định giá, đánh giá rủi ro đối với các công cụ tài chính phái sinh vì họ có kinh nghiệm hơn trên thương trường quốc tế.

e. Cải thiện sự ổn định của hệ thống ngân hàng trong nước

Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài có thể đáp ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế và góp phần làm cho hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn cũng như góp phần giảm các cú sốc từ bên ngoài (như khủng hoảng). Thị trường tài chính trong nước sẽ có sự ổn định hơn bởi vì các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc các ngân hàng con của họ có thể có được sự trợ giúp vốn khi cần thiết từ ngân hàng mẹ trong trường hợp bất ổn.

Sự tham gia của các ngân hàng có uy tín, có quy mô hoạt động toàn cầu vào thị trường trong nước có thể được coi là sự nhập khẩu cơ chế quản lý cho hệ thống tài chính của quốc gia đó. Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp một chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động dưới sự kiểm soát thống nhất theo các điều kiện của Hiệp ước Basel. Giả định, có một ngân hàng con của một ngân hàng nước ngoài (là một pháp nhân độc lập với tài sản có riêng) có hoạt động tại một quốc gia nào đó, do hiệu ứng danh tiếng nên buộc các ngân hàng mẹ sẽ phải giám sát chặt chẽ các hoạt động của ngân hàng con. Khi ngân hàng nước ngoài tham gia cung cấp một sản phẩm dịch vụ mới cho thị trường, nó buộc đội ngũ thanh tra giám sát ngân hàng ở quốc gia đó phải được nâng cấp, cải thiện để có khả năng đáp ứng được yêu cầu thanh tra theo chuẩn mực quốc tế đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.

Ngoài ra cũng cho thấy rằng, sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài cũng góp phần làm tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng trong nước bằng cách cho phép những khách hàng gửi tiền trong nước có thể mở tài khoản và chuyển sang gửi tại ngân hàng nước ngoài tại nước đó nếu những người gửi tiền không tin tưởng vào sự ổn định của các ngân hàng trong nước khi có khủng hoảng xảy ra, điều này sẽ giúp ổn định tổng số tiền gửi của hệ thống.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, các ngân hàng nước ngoài quy mô lớn có chi nhánh hoặc ngân hàng con thường không “tháo chạy” trong trường hợp có khủng hoảng xảy ra tại quốc gia mà họ có chi nhánh hoặc ngân hàng con hoạt động. Rất có thể nguyên nhân chính dẫn đến việc không tháo chạy của các ngân hàng nước ngoài là vì họ đã bỏ ra một khoản vốn lớn đầu tư vào các tài sản cố định để thiết lập mạng lưới chi nhánh và để có được thị phần. Thực tế, các ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thường bền vững và ổn định hơn trong việc cung cấp tín dụng cho khách hàng sau thời kỳ khủng hoảng. Theo kết quả nghiên cứu của nhà kinh tế học Clark Et Al (2000) cho thấy, huy động vốn của các ngân hàng nước ngoài tại Argentina trong thời kỳ khủng hoảng tài chính vào giữa thập kỷ 90 tăng trưởng đáng kể và theo một nghiên cứu khác của Kraft (2002) thì các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã đóng vai trò là những nơi đầu tư an toàn cho những người gửi tiền trong thời kỳ khủng hoảng ngân hàng ở Croatia vào năm 1998.

f. Chất lượng dịch vụ tài chính tốt hơn với chi phí thấp hơn

Hầu hết các ngân hàng nước ngoài đều thực hiện cơ chế công bố thông tin minh bạch, thực hiện chế độ kế toán theo chuẩn mực quốc tế. Sự cạnh tranh cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng cũng như trong việc nhận được nguồn tài trợ hay các dịch vụ tài chính sẽ buộc các ngân hàng trong nước phải từng bước áp dụng các thông lệ quốc tế như các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhờ đó thông tin tổng thể về tình trạng hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện, thị trường tài chính trong nước sẽ hoạt động có kỷ luật hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn do giảm thiểu được sự bất cân xứng về mặt thông tin và qua đó giảm các hiệu ứng bất lợi như sự lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức. Kết quả là các khách hàng của ngân hàng sẽ có được các dịch vụ tài chính với chất lượng cao và chi phí thấp hơn.

Một phần của tài liệu NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)