Đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật

Một phần của tài liệu NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ (Trang 153 - 155)

- Thực hiện chiến lược cạnh tranh huy động vốn năng động và hiệu quả

3.3.1.1. Đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật

phạm pháp luật

Nhiệm vụ đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động tài chính, ngân hàng là một nhiệm vụ trọng tâm mà ngành đã đề ra trong kế hoạch và chương trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là điều kiện cốt yếu bảo đảm cho các ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả. Đồng thời, việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách pháp luật về tài chính, ngân hàng cũng là để thực hiện cam kết quốc tế với các tổ chức, liên minh kinh tế trong khu vực và trên thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này. Các kiến nghị cụ thể về vấn đề này như sau:

- Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các TCTD và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Cụ thể là:

Luật các TCTD hiện nay hầu như chỉ đề cập đến vấn đề nghiệp vụ. Cơ sở pháp lý cho việc quản lý và tổ chức ngân hàng được căn cứ vào Nghị định số 49/2000/NĐ-CP ngày 12/09/2000 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của các NHTM. Qua 13 năm, Nghị định này chưa có sự thay đổi nào để theo kịp với sự phát triển của hệ thống ngân hàng như ngày nay. Trong quá trình cổ phần hoá các NHTM Nhà nước, việc quy định về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu, quản lý và sử dụng vốn điều lệ, điều hành tổ chức hoạt động của TCTD là rất cần thiết. Các cơ quan soạn thảo ban hành Luật cần xem xét tích hợp đầy đủ các quy định về quản trị và tổ chức ngân hàng, ban hành các văn bản dưới luật

có hướng dẫn cụ thể làm căn cứ pháp lý cho hoạt động của các NHTM trong điều kiện mới.

Luật cạnh tranh đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/07/2005 và Luật các TCTD năm 2010 cũng có quy định về cạnh tranh của các TCTD. Hoạt động cạnh tranh của các ngân hàng chủ yếu tập trung ở hai khía cạnh: lãi suất và cung ứng các dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn riêng về vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng. Việc xây dựng văn bản pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng cần quán triệt các quan điểm sau:

- Đảm bảo quyền tự do kinh doanh, bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với các chủ thể tham gia hoạt động ngân hàng.

- Nhà nước bảo hộ hoạt động cạnh tranh hợp pháp, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.

- Kiểm soát độc quyền có hiệu quả.

- Bảo đảm an toàn hoạt động và an toàn hệ thống ngân hàng.

Hệ thống các văn bản liên quan đến phá sản doanh nghiệp, thu hồi nợ và các biện pháp xử lý tài sản thế chấp cũng cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hơn nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch, nhất quán và đơn giản hơn trong quá trình xử lý tài sản thế chấp và thu hồi nợ của các ngân hàng.

- Xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung các quy định pháp luật ngân hàng về cấp phép hiện diện thương mại, về tổ chức, hoạt động, quản trị, điều hành của các TCTD kể cả trong và ngoài nước, hướng tới nguyên tắc không phân biệt đối xử, phù hợp với các cam kết và lộ trình gia nhập WTO, các quy định pháp luật cần tuân thủ theo nguyên tắc minh bạch hoá và có thể dự báo. Ngân hàng Nhà nước hiện đang dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 22 về tổ chức và hoạt động của chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện TCTD nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định về việc TCTD nước ngoài mua cổ phần của NHTM Việt Nam. Để đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đưa vào áp dụng Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng.

- Chế độ hạch toán, kế toán và các quy định liên quan đến việc công khai hoá thông tin cũng cần phải được hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế để giải quyết sự khác biệt trong phân loại nợ và đánh giá thực trạng tài chính của các NHTM Việt Nam theo chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế với chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam.

- Rà soát lại danh mục các dịch vụ tài chính - ngân hàng theo Phụ lục về dịch vụ tài chính - ngân hàng của GATS để xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định, đảm bảo các TCTD được thực hiện đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo GATS và thông lệ quốc tế.

- Nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho các mô hình TCTD mới, các tổ chức có hoạt động mang tính chất hỗ trợ cho hoạt động của các TCTD (công ty xếp hạng tín dụng, công ty môi giới tiền tệ) nhằm phát triển hệ thống các TCTD.

- Hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối, hoàn thiện các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thuộc Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các nghiệp vụ và dịch vụ ngân hàng mới (quản lý danh mục đầu tư, các sản phẩm phái sinh, dịch vụ ngân hàng điện tử…).

Một phần của tài liệu NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ (Trang 153 - 155)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)